Người thầy đáng kính nhất của con

Tôi đã viết những lời biết ơn sâu sắc để tri ân những "người đưa đò" nhưng ba, "người thầy" dạy văn của riêng tôi, chưa nhận từ học trò - con gái một lời tri ân nào

Tôi học không giỏi nhưng với môn văn, tôi thường được thầy cô khen tư duy sáng sủa, văn phong lưu loát, bạn bè nhìn tôi bằng ánh mắt thán phục, chúng gạn hỏi bí quyết. Tôi chỉ cười cười... Vì nếu nói ra, chắc có lẽ cũng không ai tin, ba chính là thầy giáo dạy văn của tôi, thầy giáo của riêng tôi.

Nhà có 5 chị em nhưng chỉ tôi là học trò của ba. Ban ngày, ba làm đồng, tối về học cùng con. Hồi tôi còn học tiểu học, ba kèm cả toán lẫn văn nhưng lên cấp 2, ba chỉ kèm được môn văn vì toán cấp 2 đã quá sức ba - ngày trước ba mồ côi, về ở với ông nội thứ, được cho đi học mãn lớp 5. Ba tôi sinh năm 1940, chỉ mãn lớp 5 nhưng vẫn có thể đồng hành cùng con gái trong việc học môn văn, suốt những năm cấp 2.

Xem thêm:

Tin liên quan

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Bài học cuộc sống từ người thầy đáng kính

Bây giờ, tôi đã là cô giáo. Nhớ lúc nhỏ ba đã rèn giũa mình như thế nào, tôi đem áp dụng vào việc giảng dạy, nhất là việc phụ đạo những học sinh yếu kém, kể cả bồi dưỡng học sinh giỏi, làm theo cách của ba rất hiệu quả. Học trò viết "lên tay", sau những lần được cô sửa chi tiết và trực quan như vậy.

Người thầy đáng kính nhất của con - Ảnh 2.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc nhỏ, học môn văn, tôi sợ nhất là tập làm văn. Sợ lắm. Tôi nghĩ môn này chỉ nên dành cho những học sinh có năng khiếu: nói năng ướt át, viết lách bay bổng, biết tưởng tượng, biết quan sát, cảm nhận, lắng nghe... Tôi tìm cả ngàn lý do, chẳng thể tìm được một lý do nào để phù hợp với nó - cái môn chẳng bà con chi với mình, một cô nàng ăn nói cụt ngủn, khô khan như ngói. Tới tiết trả bài, đằng nào bài tôi cũng sẽ là một điển hình về cách viết sơ sài, thiếu ý tưởng, lỗi chính tả và cách hành văn vụng về.

Thảm họa của tôi là bài sẽ được đọc trước lớp và được thầy cô sửa để bạn bè rút kinh nghiệm. Ôi, tôi chỉ ước mình có phép thuật để bốc hơi khỏi lớp mỗi lần như vậy. Tôi nhìn mấy bạn học sinh giỏi văn của lớp mà ngưỡng mộ rồi buồn tủi cho mình. Nhà người ta có ba hoặc mẹ, có khi cả ba và mẹ đều là giáo viên, nếu không thì cũng ngành nghề khác, chữ nghĩa đầy mình, có thể chỉ bài cho con. Còn nhà tôi, ba mẹ làm nghề nông, anh chị cũng học không hết lớp 9 nên nỗi niềm này không biết ngỏ cùng ai.

Hôm đó, ba kiểm tra tập vở của con gái - chuyện này ba không làm đối với tôi vì tôi học khá nhất trong nhà, với lại ba cũng bận rộn chuyện đồng ruộng - nhưng khi nhìn thấy mấy bài tập làm văn điểm dưới trung bình của con gái cất trong phòng thì ba bảo từ nay con sẽ học văn với ba.

Xem thêm:

Tin liên quan

Cuộc thi Người thầy kính yêu: Tấm gương lễ - văn, đạo - võ

Đầu tiên, ba bắt tôi đọc sách. Tôi than thở rằng mẹ không cho tiền mua sách. Ba bảo sách giáo khoa cũng là sách. "Bắt buộc phải đọc sách. Đọc nhiều sách, con sẽ thuộc mặt chữ, khó sai chính tả" - ba quả quyết. Ba bắt đầu từ việc tìm từ, đặt câu, dựng đoạn rồi thứ tự lớp lang đi từ kiểu làm văn dễ đến khó. Khi học văn miêu tả, ba bắt con gà trống bỏ giữa sân và yêu cầu tôi ngồi nhìn ở nhiều góc khác nhau.

Ba không quên nhắc tôi so sánh, liên tưởng mỗi khi miêu tả. Có hôm đi cày ruộng, ba dắt tôi theo ra đồng. Ba bảo hãy nhìn bác nông dân cày ruộng và sẽ phác họa lại bằng ngôn ngữ. Hằng đêm, ba kể tôi nghe những câu chuyện; ba thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, giảng giải tôi nghe nghĩa đen, nghĩa bóng, phân tích nội dung, phần đúng, phần chưa hoàn toàn đúng, cần bổ sung của một câu tục ngữ, thành ngữ nào đó...

Mỗi đêm, ba ra một đề văn và tôi sẽ làm. Mỗi khi làm bài xong, ba bắt tôi kiểm tra lỗi chính tả nhiều lần và tự sửa. Nếu tôi viết không hay, ba sẽ rất nhẹ nhàng hướng dẫn. Có những đêm, ba ngồi viết lại, giữ nguyên ý của tôi nhưng ba sẽ diễn đạt trơn tru, gọn gàng hơn, có thêm có bớt, có gọt giũa để bài văn cô đọng, có sức biểu đạt tốt hơn.

Nhiệm vụ của tôi là đối chiếu bài mình và bài ba vừa sửa để rút kinh nghiệm. Cách học này rất hiệu quả. Khi đã tiến bộ, mỗi tuần sẽ có một đêm ba học với tôi; tôi và ba cùng viết một đề tài rồi cha con đổi bài cho nhau để "học hỏi". Đến cuối năm lớp 9, kỳ thi chuyển cấp đó tôi được điểm 7 môn văn. Đến năm lớp 10, tôi là một nữ sinh giỏi văn.

Xem thêm:

Tin liên quan

Vĩnh biệt "Thầy giáo viết bằng chân" Nguyễn Ngọc Ký

Khi tôi trở thành cô giáo, cái thời giáo án còn chép tay, mỗi lần ba lên nội trú thăm con gái sẽ mở giáo án ra xem. Ba than chữ yếu, rồi ba kêu phải rèn chữ, cô giáo ghi bảng không đẹp thì làm sao kêu học trò viết cho rõ ràng, sạch đẹp. Tôi ứ ư không chịu, ba bảo nếu muốn học trò chăm chỉ thì cô giáo phải chịu khó rèn luyện. Tối tối phải tranh thủ rèn chữ. Một tháng sẽ có kết quả thôi. Tôi làm theo ba, mua vở rèn chữ về rèn, mà thiệt, chữ viết tôi tiến bộ nhiều.

Bây giờ, ba tôi đã già lụ khụ, lưng đã còng, mái tóc không còn cọng đen. Mỗi khi tôi có bài được đăng báo, tôi hồ hởi đem về khoe ba. Nó là món quà mà tôi tri ân "thầy giáo" của mình. Ba tôi lấy kính ra, ráng mở to mắt nhìn, vẫn không thể đọc được. Tôi đọc ba nghe mà đau lòng nghĩ, ba mình đã già lắm rồi.

***

Tôi là một cô giáo có 20 năm trong nghề, đã được rất nhiều người thầy đáng kính tận tình dìu dắt. Tôi đã viết những lời biết ơn sâu sắc để tri ân những "người đưa đò" nhưng ba, người thầy dạy văn của riêng tôi, đã chưa nhận từ học trò - con gái một lời tri ân nào.

Ba ơi! Với con, ba là người thầy đáng kính nhất.