Nép mình bên cạnh đường ray dẫn vào ga Osaka, một trong những nhà ga nhộn nhịp nhất thế giới, là nhà hàng Shinon Washoku Senryu. Mục tiêu quán ăn hướng đến là hồi sinh khái niệm osagari, phần thức ăn dâng lên thần linh tại các đền thờ.
Nghi thức này bắt nguồn từ tín ngưỡng Shinto hay Thần đạo, tôn giáo bản địa lâu đời ở Nhật Bản. Người dân sẽ dâng shinsen (thực phẩm thiêng) lên các kami (vị thần) rồi thụ lộc để hưởng phước lành mà thần linh ban cho, thể hiện mối gắn kết thiêng liêng giữa hai giới.
Nhà hàng đặt tại Osaka, thành phố nổi tiếng với nhịp sống và giải trí sôi động. Dù vậy quán vẫn hướng đến nhóm khách doanh nhân cùng niềm tin "một bữa ăn thiêng liêng có thể mang lại vận may cho sự nghiệp".

Các nguyên liệu của quán được các pháp sư Thần đạo ban phước. Ảnh: SCMP
Mỗi tháng một lần, các nhân viên lại ngồi tàu 20 phút để đến đền Nishinomiya cầu nguyện, xin phước lành. Ngôi đền có kiến trúc đơn giản nhưng lại là điểm đến linh thiêng trong Thần đạo. Trong đền thờ thần Ebisu, vị thần bụng phệ, luôn mỉm cười bảo vệ cho ngư dân, mùa màng bội thu và kinh doanh phát đạt.
Trong chính điện của đền, các thầy tế và nữ pháp sư đang tiến hành nghi lễ thanh tẩy trang nghiêm. Họ đọc các bài kinh norito, vung nhẹ gậy gỗ onusa với chùm tua rua làm từ giấy trắng phía đầu gậy để làm phép cho các nguyên liệu nhà hàng mang đến. Dao trong nhà hàng cũng được làm phép để không mang theo bất kỳ "ô uế" nào khi chế biến thực phẩm.
Sau nghi lễ, nguyên liệu và dao được mang trở lại quán. Mọi người tin rằng lúc này chúng đã được thanh tẩy. Để thể hiện sự tôn trọng với các loại thực phẩm dâng thần linh, quán cố gắng chế biến đồ ăn bằng các động tác nhẹ nhàng nhất có thể.
Mỗi bữa ăn tại quán gồm sashimi, các món hầm, nướng, tempura và bánh mochi cùng rượu sake.

Món nướng hải sản gồm tôm, mực của quán. Ảnh: SCMP
Tại tầng hai nhỏ hẹp của nhà hàng, trong không khí yên tĩnh, các đầu bếp đang xếp những lát sashima óng ánh và tươi rói vào trong chiếc bát bạc hình bầu dục, phía dưới là đĩa đá khô đang phả ra những làn khói nhẹ. Hình ảnh này mô phỏng thuyền của thần Ebisu vượt biển. Thực phẩm được chọn làm sashimi gồm tôm hùm kuruma ebi, tượng trưng cho trường thọ và may mắn; cá tráp mang lại điềm lành; sò điệp đại diện cho sự sung túc.
Doanh nhân trong ngành ẩm thực Yasuyuki Kibayashi là người nghĩ ra ý tưởng mở nhà hàng Shinon. Xuất thân trong gia đình có truyền thống chơi đàn koto (loại đàn tam thập lục truyền thống của Nhật), Yasuyuki ngay từ bé đã thấm nhuần văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Nhật. Sau nhiều năm điều hành quán izakaya (quán bar) của gia đình, ông bắt đầu muốn chuyển việc kinh doanh sang phục vụ các món ăn liên quan đến các vị thần.
Con trai ông, Yoshinori, tiếp nối tâm nguyện của cha khi đến đền thiêng Ise Jingu để nhờ một nhà sư theo đạo Shinto đặt tên cho nhà hàng mới. Cái tên Shinon Washoku ra đời, mang ý nghĩa là "ân huệ thiêng liêng" và "ẩm thực Nhật Bản".

Không gian của quán. Ảnh: SCMP
"Mối liên kết giữa chúng ta và tổ tiên đang dần mai một tại Nhật Bản", Yoshinori nói. Nhịp sống ngày càng nhanh khiến con người không còn thời gian hồi tưởng quá khứ trong khi đó, kết nối với thiên nhiên, lịch sử là điều cần thiết.
Nghi thức osagari, dâng thực phẩm lên thần linh rồi nhận lại để dùng, được người Nhật coi là sự tiếp nối tự nhiên của tín ngưỡng Shinto, vạn vật trong tự nhiên, kể cả những vật vô tri, đều mang linh hồn. Tiêu thụ những món ăn đã được ban phúc chính là cách rút ngắn khoảng cách giữa hai thế giới: con người và thần linh.
Kibayashi hy vọng thực khách cảm nhận được sinh khí từ tự nhiên và hiểu rằng sự sống mà họ đang có đến từ những phúc lành đó. Theo ông, ăn không chỉ để no, mà còn là cách để kết nối với thiên nhiên và tổ tiên.
Trong xã hội ngày nay, con người dễ quên đi thiên nhiên và chỉ nghĩ đến bản thân. Nhưng con người là một phần trong tổng thể đó. "Hiểu bữa ăn là món quà từ tự nhiên, đón nhận bằng lòng biết ơn là giá trị cốt lõi của truyền thống Nhật Bản", Kibayashi nói.
Anh Minh (Theo SCMP)