Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trực thuộc, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do thành phố, các đơn vị trực thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức từ ngày 14 đến 17-9.
Vào lúc 8 giờ ngày 18-9, các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đồng loạt tổ chức 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy.
Buổi biểu diễn ngày 16-9 của một nhà hát trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Ảnh: Huỳnh Ngọc
Tuy nhiên, ngày 16-9, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương thuộc Bộ VH-TT-DL đóng vẫn tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khán giả.
Việc các cơ quan nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL đóng tại Hà Nội vẫn tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật trước yêu cầu dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Hà Nội khiến nhiều người bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị này quá vô cảm trước đau thương, mất mát quá lớn lao trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, cho rằng đó là một cách ứng xử hoàn toàn thiếu tế nhị. "Không thể tưởng tượng nổi" - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, văn hóa của người Việt là luôn thương yêu, san sẻ lẫn nhau. "Thậm chí trong xóm mình có cụ già qua đời, dù đã thượng thọ, nhưng hàng xóm cũng không ai mở nhạc to trong nhà mình. Đến đứa trẻ cũng có ý thức về điều đó" - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương nói.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh thêm những người làm văn hóa không phải chỉ là biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc, mà còn là những nhà quản lý, tạo ra những đột phá cho ngành văn hóa.
"Vụ cháy chung cư mini khiến 56 người qua đời rất đau lòng. Đây là sự việc khiến cả xã hội "sôi" lên thì cần phải có những ứng xử hợp lý. Dù chương trình biểu diễn đã được lên kế hoạch thì vì những đau thương mất mát đã xảy ra, vì sự tôn trọng những người đã ra đi, chúng ta hoàn toàn có thể hoãn lại những chương trình ấy một vài ngày" - ông Nguyễn Thế Kỷ nêu quan điểm.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng Bộ VH-TT-DL nên chủ động chỉ đạo dừng các chương trình biểu diễn, vui chơi tưng bừng trên địa bàn Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn.
"Người làm văn hóa cần có những ứng xử văn hóa" - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ.