Thủa nhỏ, ở cái tuổi chừng ít hơn tuổi con trai mình bây giờ, mình có biết gì đâu, "ăn chưa no lo chưa tới" nên cuộc sống của gia đình, mình cũng không biết được đâu là sự lo toan, trăn trở của người lớn...
Ông nội tôi bị mù hai mắt vì chiến tranh khi ở tuổi ngoài 20. Cái tuổi đẹp nhất của người đàn ông, vậy mà ông phải chịu nhìn một màu đen của cuộc sống, những người con của ông khá xinh đẹp, nhưng ông cũng chỉ cảm nhận được cái đẹp đó qua đôi bàn tay khi sờ lên trên từng khuôn mặt của con và rồi đến lớp cháu...
Tôi học được từ ông cái tính kiên trì, tự lập, nghị lực và cả sự kiêu ngạo...
Ông chưa bao giờ biết đầu hàng với số phận khi phải nuôi một đàn con ăn học và người vợ thường xuyên đau yếu...
Như người bình thường, ông cũng may vá, nấu cơm, chăn nuôi, đục đẽo, sàng gạo và cả việc đồng áng...
Minh họa: HỌA SĨ HOÀNG CÚC
Lớn chừng 6 tuổi, tôi giống như là đôi mắt của ông, một tay cầm gậy để ông nắm lấy vai rồi đưa đi khắp những nơi mà ông cần đến.
Khi biết đi xe đạp, tôi lại chở ông đi khắp nơi... Tôi thương ông nhiều lắm nên chưa bao giờ từ chối bất cứ nơi nào mà ông cần đi tới...
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua.
Rằm tháng bảy, quê tôi thường cúng khá lớn, tôi mong đến những ngày giỗ chạp, Tết nhất và ngày rằm... vì những ngày đó ít nhất tôi còn được ăn một bữa thật no và có cả xôi thịt...
Ngày rằm tháng bảy sắp tới năm đó, tôi nằm bên ông và hỏi:
- Ông ao ước được ăn món gì nhất?
- Ông muốn được ăn một bữa cơm nếp và thịt mỡ.
Lúc đó, tôi chưa biết cảm giác thèm khát của người lớn là gì và cũng chưa cảm nhận được ông đói ăn đến mức nào; 10 tuổi rồi nhưng tôi thường rúc vào nách ông bà nội mà ngủ, tôi thích nhìn mặt ông, vuốt mũi ông; mũi ông cao cao cong cong và đẹp lắm... Tôi mê mẩn khuôn mặt của ông lúc đó.
Nào ngờ! Rằm tháng bảy năm đó bà nội tôi phải nằm viện, bao nhiêu tiền bạc ông phải bỏ ra hết để lo mổ mắt cho bà gấp...
Bữa cơm nếp như mong ước của ông và tôi đều bị dập tắt...
Bà nội mổ mắt tại bệnh viện tỉnh, qua ngày thứ 2 thì có một vị khách là bạn chiến đấu với ông nội đến thăm.
Vị khách đầu tiên ăn cơm do tôi nấu là một ông cụ. Ông ấy người làng biển nên nói về nghèo đói thì làng tôi vẫn khá no hơn.
Chừng 9 giờ sáng, ông dặn: Cháu nấu nhiều nhiều cho ông ấy ăn với.
Nói thật là nhà tôi lúc đó không có tiền lo cho bà nên ông bán cả con bê mà vẫn không đủ. Khoai ăn ông cũng kêu người bán luôn. Nhà chỉ còn lại mớ khoai củ nhỏ là để lại cứu đói.
Tôi rửa khoai thật sạch, sau đó cạo vỏ rồi xắt khúc khá mỏng để hấp cơm.
Màu tím của khoai pha vài chấm trắng li ti chao ôi đẹp đến nao lòng. Tôi ngâm cả bàn tay vào chậu nước để nhuộm làn da thành màu tím. Trong ánh sáng chiếu vào chậu qua khe bàn tay, nó đã thành một màu hồng.
Tôi vui với màu sắc cuộc sống từ lúc bé dại. Màu hồng tím của tuổi thơ, của cái đói hoa mắt và cả màu tím hy vọng sinh tồn...
Bữa nay, gạo nhiều hơn khoai một chút nhưng ông bảo tôi với chú út:
- Hai chú cháu chịu khó ăn phía trên một bữa, để nhường cơm dưới cho khách nhé.
Tôi ngây thơ cười và khẽ một tiếng dạ...
Bới lớp trên vào cái rá tre, tôi và chú út tìm mãi vẫn không thấy hạt cơm nào dính vào miếng khoai cả. Chú cháu tôi ngồi ăn im lặng nơi cửa bếp.
Nhà trên, hai người thương binh lớn tuổi - một người mù mắt, một người què chân - đang ăn với rá cơm trắng pha màu tím nhạt nhiều hơn nhưng rôm rả tiếng nói.
Củ khoai làm cơm. Lá khoai làm thức ăn. Màu tím của bát ruốc chấm cũng rất đậm màu tím thơ.
Miếng khoai trầy trật nên bữa cơm, ông tôi càng khó ăn hơn.
Lớn lên, tôi rời khỏi quê hương. Hôm nay, tôi chưa giàu có nhưng ăn cơm trắng đầy đủ; khoai lại là đặc sản. Cầm củ khoai ăn mà thương ông đến đứt ruột, nghẹn lòng.
Có lẽ đời mình chẳng sướng được đâu, cứ ăn gì ngon lại nhớ thương người thân của mình nên chả bao giờ nuốt trôi được. Và, tôi luôn nhớ đến cái rằm của năm đó, miếng thèm khát cơm nếp thịt mỡ của ông nội tôi vẫn cứ ngự trị tận sâu thẳm trong trái tim tôi, chưa quên, bởi không bao giờ tôi có thể quên được...
Nước mắt lại muốn rơi!