Những đền thờ Vua Hùng ấn tượng khắp Việt Nam

Ngoài Phú Thọ, đền thờ Vua Hùng còn được xây dựng ở nhiều tỉnh thành với cảnh quan và kiến trúc ấn tượng, thu hút du khách hành hương mỗi dịp giỗ Tổ.

Phú Thọ

Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ là quần thể đền chùa thờ các vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc đất Phong Châu, vốn là đất đế đô của Nhà nước Văn Lang.

Khu vực Đền Hùng có 4 ngôi đền, một ngôi chùa, một lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đây cũng là Đền Hùng nổi tiếng nhất nước và là nơi tổ chức chính Giỗ Tổ Hùng Vương vào 10/3 âm lịch hàng năm (năm nay rơi vào 7/4 dương lịch). Mỗi năm, lượng khách đổ về đền Hùng dịp này lên đến hàng triệu lượt.

Khai hội đền Hùng, Phú Thọ năm 2024. Ảnh: Ngọc Thành

Nghệ An

Đền Hồng Sơn nằm ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1984. Trước đây đền có tên là Võ miếu linh từ, được xây từ thời Trần thờ Quan Vân Trường. Năm 1982, phường Hồng Sơn được thành lập, di tích Võ miếu lấy tên của Phường nên tên Đền Hồng Sơn cũng có từ đó.

Đền nằm trong khuôn viên rộng hơn 6.200 m2, gồm 19 công trình kiến trúc với cổng chính, phụ, tường bao, hồ bán nguyệt, sân ngự uyển, thượng điện, trung điện, gác chuông. Ngày nay, đền là nơi thờ Vua Hùng, Đức Thánh Trần, Đức Thánh Mẫu. Đền hiện tổ chức ba lễ lớn: giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), giỗ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch) và giỗ Mẫu Liễu Hạnh (3/3 âm lịch). Các dịp lễ hội này thu hút hàng nghìn du khách thập phương và người dân trong tỉnh ghé thăm. Ảnh: Visit Nghệ An

TP HCM

Đền thờ vua Hùng nằm trong Thảo Cầm Viên, quận 1, do người Pháp xây dựng năm 1926. Ban đầu, công trình là đền tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến I.

Sau năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, công trình được đổi tên thành đền Quốc Tổ Hùng Vương. Ngoài thờ vua Hùng, đền còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, đền được đổi thành đền thờ Hùng Vương và giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam trực tiếp quản lý. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm, ở đây đều tổ chức lễ dâng hương, thu hút hàng nghìn lượt khách. Ảnh: Quỳnh Trần

Điểm thờ Vua Hùng thứ hai ở TP HCM là Khu tưởng niệm các vua Hùng nằm trong công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Đền xây trên một ngọn đồi cao hơn 20 m, tầm nhìn bao quát toàn cảnh công viên rộng hơn 400 ha ở phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km.

Công trình (ảnh) hoàn thành năm 2009, gồm 4 phần chính: quảng trường, đường tre, đền thờ và sân vọng. Ngay lối vào đền Hùng là quảng trường rộng 4.000 m2, nền có hình Mặt Trời mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Hai bên quảng trường có 9 cột đá cao 6 m tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Nơi này được đánh giá là "đền Hùng có quy mô lớn nhất miền Nam".

Ngoài ra, TP HCM còn có một ngôi đền nữa thờ Hùng Vương, nằm trong hẻm 22/93, đường Trần Bình Trọng, phương 1, quận 5. Ảnh: Quỳnh Trần

Cần Thơ

Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ nằm trên khu công viên có diện tích 4 ha ở quận Bình Thủy, cách sân bay Cần Thơ khoảng 2 km. Công trình khánh thành vào dịp giỗ Tổ năm 2022, vốn xây dựng 130 tỷ đồng.

Đền thờ chính cao 19,5 m, diện tích gần 1.300 m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất. Thiết kế gợi nhắc hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ, bao bọc bởi 18 cánh cung có điêu khắc hoa văn, tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Gian thờ chính bên trong rộng 400 m2, đặt các bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc Hầu, Lạc Tướng. Trống chầu, chuông và trống đồng cổ được rước từ tỉnh Phú Thọ.

Vào ngày 10/3 âm lịch, người dân và du khách các tỉnh phía Nam thường ghé thăm nơi này và dâng hương. Ảnh: Huy Phong

Đồng Nai

Công viên văn hóa Hùng Vương (ảnh) nằm tại khu phố 3, thị trấn Trảng Bom được khánh thành nhân dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2018. Ngoài ra, Đồng Nai còn có hai nơi khác là đền thờ quốc tổ Hùng Vương ở phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa và tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Đền thờ quốc tổ ở Biên Hòa được xây dựng năm 1968, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2015.

Các khu đền thờ này đều được mở cửa quanh năm, là nơi người dân địa phương và du khách đến tưởng nhớ, dâng hương các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ. Ảnh: Facebook/Văn hóa Thông tin Trảng Bom.

Lâm Đồng

Khu quần thể Đền thờ Âu Lạc (thường gọi là Đền Hùng) nằm giữa rừng thông trong Khu du lịch Thác Prenn, cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, trên núi Phượng Hoàng với thế "voi quỳ, hổ phục, long chầu". Ba ngôi đền Thượng, Trung (ảnh), Hạ đều được xây dựng mô phỏng gần giống kiến trúc đền Hùng "bản gốc" ở Phú Thọ. Đây là nơi diễn ra các hoạt động chính như dâng hương và làm lễ vào mỗi dịp 10/3 tại Lâm Đồng.

Du khách đến thăm Đền Hùng ở đây không chỉ chiêm bái, dâng hương tưởng nhớ các vị Vua Hùng mà còn có thể đi bộ đường dài, ghé thăm suối - thác để giải nhiệt ngày hè. Đây cũng là điểm đến lý tưởng để du khách hòa mình vào thiên nhiên, thoát khỏi cuộc sống ồn ào hiện tại. Ảnh: Baolamdong

Anh Minh