Nỗ lực tạo dựng "thành phố điện ảnh"

Liên hoan Phim quốc tế TP HCM (HIFF) lần 1 sẽ diễn ra vào đầu năm 2024. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng TP HCM trở thành "thành phố điện ảnh"

HIFF 2024 dự kiến tổ chức từ ngày 6 đến 13-4-2024. HIFF 2024 hướng đến mục tiêu phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng tài năng trẻ cho nguồn nhân lực

Phối cảnh nơi dự kiến tổ chức các hoạt động của HIFF 2024. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Theo các nhà chuyên môn, HIFF 2024 là một sự kiện được người làm nghề trông đợi từ rất lâu bởi TP HCM là trung tâm điện ảnh của cả nước. Một nơi quy tụ nguồn nhân lực phong phú - từ nhà sản xuất, phát hành đến đạo diễn, diễn viên… - như TP HCM rất cần có LHP tầm quốc tế để thúc đẩy phát triển điện ảnh trong nước, xây dựng thương hiệu, đa dạng sản phẩm văn hóa.

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền cho hay giới làm phim Việt rất mong đợi một LHP quốc tế ở TP HCM. HIFF 2024 sẽ là cơ hội cho những người làm nghề điện ảnh trong nước gặp gỡ nhau và cọ xát, thi thố cùng bạn bè quốc tế.

"Vừa qua, LHP ngắn TP HCM đã rất thành công, mở ra nhiều tín hiệu tích cực của lĩnh vực này. Do vậy, chúng tôi rất kỳ vọng qua HIFF 2024, các nhà làm phim trong nước sẽ cùng nhau nỗ lực phấn đấu tạo ra nhiều sản phẩm tạo được sự chú ý trong khu vực" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền bày tỏ.

Mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa

Trong tọa đàm "Phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - cho biết điện ảnh sẽ là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.

TP HCM: Bàn giải pháp phát triển điện ảnh Việt

Điện ảnh TP HCM hiện chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh cả nước. Năm 2019, doanh thu ngành điện ảnh thành phố đạt kỷ lục với 8.040 tỉ đồng (sau đó sụt giảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19). Điện ảnh TP HCM được kỳ vọng từ năm 2025 có tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 0,4% GRDP cho thành phố.

Ông Jeremy Segay - Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, thành viên Ban Cố vấn HIFF - nhận định tiềm năng của điện ảnh Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng điện ảnh Việt Nam cả về số lượng rạp chiếu, thị phần phim là rất ấn tượng.

Ông Jeremy Segay dẫn chứng dữ liệu từ tạp chí Screen International cho thấy năm 2010, Việt Nam có 90 phòng chiếu phim, đến năm 2019 tăng lên 1.100 phòng. Năm 2019, Việt Nam là một trong 4 nước ở Đông Nam Á có thị phần phim nội địa cao nhất, chiếm 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước.

"Mỗi quốc gia đều có quy định riêng liên quan vấn đề kiểm duyệt, đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, các LHP quốc tế thường tạo điều kiện để chấp nhận và linh hoạt với việc kiểm duyệt, nhằm tôn vinh ngôn ngữ điện ảnh và tầm nhìn nghệ thuật của nhà làm phim" - ông cho biết.

Do vậy, ông Jeremy Segay mong rằng HIFF 2024 cũng sẽ linh hoạt với những quy định này. Theo ông, LHP quốc tế Busan đã mở đường cho phim Nhật Bản được phép chiếu tại Hàn Quốc. "Trước năm 1996, phim Nhật vẫn bị cấm hoàn toàn tại Hàn Quốc. Thế nhưng, LHP Busan đã cho phép 15 phim Nhật được chiếu. Từ đó, Hàn Quốc đã cho phép chiếu phim Nhật" - ông Jeremy Segay dẫn chứng.

Để HIFF 2024 thành công, người trong giới cho rằng cần có sự đoàn kết không chỉ của cơ quan quản lý, đơn vị chức năng mà còn của nhà phát hành, sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên… Sức mạnh đoàn kết sẽ dẫn đến việc quảng bá HIFF 2024 rộng rãi, biến sự kiện này thành ngày hội, được thảo luận và thu hút khán giả đại chúng, từ đó tăng nhanh quá trình phát triển thương hiệu của LHP.

Những người trong cuộc cho rằng HIFF 2024 là dịp đặc biệt để giới thiệu các bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế; đồng thời thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh.