Lời hứa được xem là sự thỏa thuận, chấp thuận của người hứa sẽ làm một điều gì đó cho người khác. Lời hứa thường diễn ra trong kiểu giao tiếp không chính thức giữa những người đã quen biết, hiểu rõ về nhau, không bị ràng buộc bởi pháp luật, thể chế và mang nặng tính cá nhân. Việc thực hiện lời hứa vì thế chủ yếu là dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
Trong thực tế giao tiếp giữa con người với con người có rất nhiều lý do, mục đích để có thể phát sinh những lời hứa, kiểu hứa khác nhau. Có người khi nói có thể thản nhiên, buột miệng hứa điều gì đó. Có người lại thích hứa suông cho vui miệng, theo kiểu đãi bôi, nhất là những khi đang cao hứng, bốc đồng. Người thì muốn khuyến khích ai đó mà hứa. Người thì lại lợi dụng lời hứa để lừa gạt người khác nhằm trục lợi…
Không phải lời hứa nào cũng dễ dàng thực hiện được. Bởi giữa lời hứa với việc làm là cả một khoảng cách xa. Chúng ta có thể hoàn toàn thông cảm với những ai đã từng hứa nhưng vì một biến cố, rủi ro nào đó xuất phát từ hoàn cảnh khách quan mà không thể thực hiện được. Và, chắc hẳn ta sẽ không dễ dàng thông cảm với những ai vô tình hoặc cố tình quên đi, nuốt lời với những điều họ đã hứa hẹn.
Nhiều người vẫn xuề xòa, nghĩ đơn giản: "Ôi dào, chỉ là hứa thôi chứ có phải làm ngay đâu mà sợ!". Nếu suy xét kỹ thì việc hứa và thực hiện lời hứa lại là điều rất quan trọng trong cuộc sống, thậm chí là góp phần quyết định tương lai, số phận của mỗi người. Bởi đó là danh dự, là phẩm cách, là biểu hiện thống nhất giữa nói và làm; tạo nên uy tín, vị thế, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của cá nhân trong mắt mọi người, được xã hội thừa nhận, tôn trọng.
Ca dao có câu: "Nói lời, phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay". Cũng chẳng ai bắt ta phải hứa hay trách ta không hứa. Chỉ đáng trách là hứa mà không ý thức, không cố gắng làm điều mình đã hứa mà thôi.