Cho đến bây giờ bà vẫn không thể tin được đó là sự thật. Trưa hôm qua, ông ấy còn đút cho bà ăn, còn bảo bao giờ lo xong xuôi cho bà thì ông cũng đi luôn. Vậy mà, giờ ông đã vội vàng đi trước, bỏ bà nằm một mình. Nghĩ vậy, hai dòng nước mắt đùng đục của bà cứ tràn ra hai bên khóe mắt.
Bà muốn dậy, muốn ra thắp cho chồng nén nhang mà không cách nào dậy được. Mấy tháng nay, từ sau đợt đột quỵ tưởng chết đó, có lúc nào bà tự dậy được đâu, toàn ông ấy nâng đỡ. Hai thân già sớm tối tỉ tê trò chuyện, còn con cháu, chúng bận bịu tối ngày.
- Mẹ em bảo vậy mà. Của bố mẹ em nhiều nhất.
- Tao đếm rồi, của bố mẹ tao nhiều hơn.
- Tuân, nhà mày bao nhiêu cái?
- Nhà nó không cần đếm. Có duy nhất một cái của họ nội nó ở quê gửi viếng chứ mấy.
Là tiếng lũ cháu nhỏ của bà. Chẳng biết chúng đang nói với nhau cái gì mà cứ phân bì nhiều với ít nhưng bà muốn gọi chúng nó vào với mình. Từ lúc đổ bệnh nằm một chỗ, bà không được gặp chúng nó. Chỉ nằm trong phòng nghe tiếng, đâu biết chúng gầy béo ra sao. Bà cất tiếng gọi như hụt hơi:
- Cảnh, Cảnh ơi! - Bà lặng yên nghe ngóng nhưng không có tiếng trả lời - Minh, Minh ơi!
Bà chờ một lúc vẫn không có tiếng đứa cháu nào trả lời. Hình như chúng đã đi ra ngoài rồi. Bà thở dài. Tiếng kèn vẫn đều đều vang lên.
Nằm nghe một lúc rồi bà cụ thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi tỉnh dậy có lẽ đã nửa đêm. Bà nghĩ vậy bởi bên ngoài đã không còn tiếng kèn, tiếng khóc; trong phòng bà, ánh đèn ngủ cảm ứng đã sáng lên. Bà thấy miệng đắng ngắt, khô khốc, bụng cồn cào. Cả ngày nay bà chưa được miếng nào vào bụng. Bà nghe như có tiếng người nói bên ngoài nhưng đôi tai cứ bùng nhùng, không nghe được lời nào. Bà cố chống đôi tay, nâng người dậy, rướn cái cổ gầy nhẳng hướng ra phía cửa gọi. Tiếng gọi của bà như bị cánh cửa ngăn lại, hất ngược về, đụng vào bà khiến bà nằm vật xuống, thở mệt.
Nghĩ liên miên một lúc, bà lại cảm thấy khát. Bà ngóc đầu dậy nhìn lên phía chiếc bàn kê ngay đầu giường. Có bình nước hồi sáng con gái cho ăn còn để kia mà. Bà chống tay vịn lên. Đôi chân như chẳng phải của mình, cứ ghì bà lại. Cố thêm, cố thêm chút nữa. Bà thở phào, đôi mắt hấp háy vui khi chạm được tay tới chiếc bình. Thế này lần sau bà cũng cố tự làm cho được, dần sẽ quen, vậy sẽ không phải phiền con cháu làm gì. Bà lại nghĩ mọi khi chồng còn sống, ông chăm mình quá khiến mình cứ nghĩ mình không còn làm được gì nữa. Bà chụp tay được vào cái quai bình nhưng cánh tay yếu ớt nâng không nổi bình nước, kéo lê nó theo sức nặng của thân người, chạm chiếc ly thủy tinh.
Choang!
- Cái gì thế!
Bà hoảng hốt, run run:
- Mẹ… mẹ định… định…
Bà đưa đôi mắt già nua nhìn lần lượt mấy đứa con đang đứng trước mặt mình. Mới có hai hôm lo làm đám tang cho cha chúng nó mà thấy đứa nào cũng có vẻ bơ phờ. Bà xót xa.
- Mẹ chỉ muốn rót ca nước.
Cô con dâu lớn của bà ý tứ đưa ngón tay trỏ lên ngang mũi. Mấy người bọn họ nhìn nhau, hơi cau mặt lại rồi đi cả ra ngoài. Anh con cả bảo cô em:
- Cô Hoa thu dọn giùm anh, rồi thay đồ, lau rửa cho mẹ nhé.
Lúc này bà mới để ý, có mùi khăm khẳm trong phòng. Chán thật, đã chẳng giúp gì được cho chúng nó, lại làm chúng mệt thêm.
Hoa là con gái út của bà, ở dưới quê. Vợ chồng đều làm ruộng nên chẳng dư dả, giàu có như hai anh. Được cái mấy đứa con ngoan ngoãn.
- Mẹ! Mẹ về quê sống với vợ chồng con đi. Làm sao cứ phải sống với con cả mới được chứ.
Con gái vừa thay đồ, lau rửa cho bà vừa nói vậy rồi sụt sịt khóc. Bà khẽ thở dài, nói nhỏ:
- Cho mẹ hớp nước.
Con gái lặng lẽ đi ra một lúc lâu rồi quay trở lại. Bà lão ngửi thấy mùi thơm từ chiếc bát trên tay con gái, cái bụng đói cả ngày đang nằm im giờ lại cồn lên.
- Cả ngày nay con cứ tất bật lo nước nôi để anh chị đón khách nên… Giờ đêm rồi, chỉ có cháo gói, mẹ ăn tạm.
Nhìn vẻ mặt con buồn buồn, có vẻ ăn năn khổ sở lắm, bà xua tay, gật đầu. Nhà có đám, phiên phiến cho đỡ mệt con mệt cháu. Bỗng có tiếng ồn ào bên ngoài phòng khách vọng vào.
- Chú nói không nghe được! Đưa mẹ về nhà chú cho thiên hạ họ cười vào mặt vợ chồng tôi à. Dù gì anh Toán cũng là con trai cả. - Tiếng vợ Toán lanh lảnh.
- Ừ. Với lại, tôi đường đường là giám đốc một công ty lớn, chị chú cũng là trưởng phòng một cơ quan văn hóa, nhà cửa, điều kiện thế này, chẳng lẽ không nuôi nổi mẹ. Còn vợ chồng chú Toản ở đây nữa, là doanh nhân thành đạt cả, quan hệ rộng khắp. Đưa mẹ về nhà cô chú dưới quê, thiên hạ họ chửi vào mặt chúng tôi. - Toán tiếp lời vợ.
- Thực tình em không có ý gì cả. Vợ chồng em dưới quê dù sao cũng rảnh rang hơn, có thời gian chăm sóc mẹ. Còn các anh chị công kia việc nọ, bận suốt…
Chồng Hoa - con rể bà cụ - chưa nói hết câu, Toản - con trai thứ - đã ngắt lời:
- Chú nói thế hóa ra là bảo anh chị trên này không chăm được mẹ á? Mà có bận bịu thì thuê người chăm cũng được, chứ cho về nhà chú là không ổn rồi.
- Phải, con trai còn sống sờ sờ ra đây. Tự nhiên đưa mẹ về nhà con rể ở, mặt mũi tụi này để ở đâu? - Con dâu thứ của bà cụ chen vào - Với lại, tôi nói thật, ai không vừa ý cũng chịu nhưng mẹ giờ ốm thế liệu còn được bao lâu? Đến khi mẹ nằm xuống, chẳng lẽ lại làm ma ở nhà con rể. Mà đưa lên đây thì thiên hạ họ cũng nhổ vào mặt cho, lúc ốm không chăm, khi chết mang lên tổ chức.
Ông con cả gật gù, chốt:
- Tóm lại là cứ để mẹ ở nhà tôi. Nếu bận không chăm được thì thuê người. Cô chú khó khăn, không cần góp. Vợ chồng chú Toản nếu thích thì góp, không thì thôi cũng được. Tháng tôi bỏ ra vài triệu thuê người chăm mẹ, bõ bèn gì.
- À, hay là cô Hoa lên đây chăm mẹ đi. Coi như anh chị khỏi phải thuê người, tiền đó hằng tháng anh chị trả cho cô chú. Vừa được cái con gái chăm mẹ là yên tâm nhất, cô chú vừa có thêm thu nhập. Lại chả bằng mấy làm ruộng.
- Thế này đi, tháng mười triệu, chú thấy sao? Để cô Hoa lên đây chăm mẹ, tiện lo dọn dẹp nhà cửa cho anh chị, tháng tháng chị trả tiền đầy đủ, cơm lo ăn ba bữa…
Càng nghe, đôi tai bà càng như bùng nhùng, tiếng được tiếng không. Miếng cháo như mặn chát ra, nuốt không nổi. Bà xua tay, ra hiệu không ăn nữa. Giọt nước mắt đặc quánh rỉ ra hai bên khóe mắt. Nếu bà không ốm đau, con cái đã không phải khó xử đến thế này.
Hoa lấy chiếc khăn lau miệng cho mẹ rồi đỡ bà cụ nằm xuống. Khẽ dặn: "Mẹ ngủ đi nhé" mà giọng cứ nghẹn lại. Bà gật đầu, khẽ nhắm mắt như chuẩn bị ngủ nhưng chờ con gái bê bát ra ngoài, khép cánh cửa phòng lại rồi bà liền mở mắt ra, nhìn khắp lượt căn phòng. Phía đối diện, giờ trống huơ trống hoác. Chiếc giường ông ấy vẫn nằm mọi ngày giờ đã được dọn đi.
Cả đêm bà mê man. Bà nhớ từ những chuyện ngày xưa cực nhọc, vất vả chăm mấy đứa con nheo nhóc cho đến khi chúng thành đạt; đến chuyện bà bị đột quỵ nằm một chỗ, may mà có ông ấy chăm nom chứ không lại khổ con cháu. Ngày còn khỏe bà còn giúp con mọi việc nhà cửa, cơm nước...
Đêm dài quá!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
*****
Con gái lo cho bà ăn từ tờ mờ sáng để chuẩn bị 7 giờ rưỡi sáng làm lễ di quan. Ngoài nhà đã ồn ào cả lên. Đội kèn trống lại rục rịch vào bài. Bà muốn ra ngoài, lạy từ biệt ông ấy, vợ chồng cả đời gắn bó, sướng khổ có nhau mà giờ ông ấy đi trước, chẳng lẽ không tiễn được đoạn đường cuối cùng. Là bà nghĩ vậy thôi chứ cũng không dám nói với các con. Mà có nói, chúng nó cũng gạt đi. Giá mà đôi chân bà đi đứng bình thường được. Bà cứ nghĩ mãi rồi mê man trong tiếng kèn, tiếng trống.
- Là ông đó ư?
- Là tôi đây. Tôi vào tạm biệt bà rồi đi đây. Bà ở lại ráng giữ gìn sức khỏe, đừng nghĩ ngợi nhiều, ốm thêm.
- Ốm sẵn rồi. Ước gì tôi đi được cùng ông để đỡ phiền lụy đến con cháu.
- Bà đừng nói vậy.
- Ông đã hứa là lo cho tôi xong ông mới đi. Lẽ ra tôi phải là người đi trước.
- Tôi xin lỗi đã không ở lại được với bà, không lo được cho bà tới nơi tới chốn. Sắp đến giờ rồi. Tôi đi trước, chờ ngày đoàn tụ với bà dưới đó.
Bà nhoài người chới với đôi tay theo bóng ông chầm chậm đi dần ra phía ngoài rồi mất hút sau cánh cửa. Bà ngã xuống đất, mắt vẫn nhìn theo bóng ông. Lòng bà quặn lại. Vậy là ông ấy đi thật rồi.
Nghe tiếng kèn, trống bà đoán được đã bắt đầu lễ di quan. Cách có hơn chục mét từ chỗ bà tới chỗ ông ấy mà giờ sao xa quá. Bà bấu đôi tay vào mặt đất phía trước để lê người ra phía cửa nhưng chỉ nhích được một chút đã như không còn chút sức lực nào. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng sáo… dường như xa dần, xa dần.