Gần 2 triệu người đổ xuống đường ở Paris hôm 28/3 để phản đối chính phủ tăng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Cửa vào bảo tàng Louvre bị phong tỏa từ 27/3. Khu vực ngoại ô, một số cuộc biểu tình kết thúc bằng bạo lực. Hiện rác chất đống trên đường phố được dọn bớt, đình công dừng, theo Nguyễn Anh Lukas, một người Việt sống tại Paris. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại việc này có tác động tiêu cực tới ngành du lịch Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, đặc biệt vào mùa hè.
Đứng trước việc nhân viên kiểm soát không lưu đình công, Cục Hàng không Dân dụng Pháp yêu cầu các hãng hủy 20% chuyến bay, đặc biệt ở các khu vực như Paris, Marseille, Bordeaux và Toulouse. Các tuyến xe buýt, điện và tàu điện ngầm cùng các dịch vụ xe lửa địa phương cũng giảm chuyến, theo Forbes.
Dữ liệu gần đây từ Hiệp hội Khách sạn Pháp (UMIH) cho thấy các nhà hàng trong khu vực Paris doanh thu giảm 20-30% khi các cuộc đình công bắt đầu hồi đầu năm. Khi các cuộc biểu tình từ ôn hòa chuyển sang bạo lực, nhiều nhà hàng đối mặt quyết định: mở hay đóng. Mở cửa phải đối mặt nguy cơ đám đông giận dữ xông vào đập phá. Nếu đóng sẽ không có doanh thu và thậm chí đối mặt với tình trạng đập phá "ác liệt" hơn từ người biểu tình (do vắng chủ, không có người ngăn cản).
Việc khan hiếm nhiên liệu cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bộ mặt du lịch Pháp. Khoảng 15% trạm xăng cả nước đứng trước tình trạng thiếu hàng. Người dân phải xếp hàng dài trên phố, đặc biệt ở ở Paris và vùng Provence-Alpes-Côtes d'Azur. Đây cũng là hai điểm du lịch lớn của cả nước.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tình trạng bất ổn lặp đi lặp lại này sẽ cản trở kế hoạch du lịch mùa hè của du khách đến mức nào? Điều chính phủ cần làm hiện nay là tiếp tục thu hút du khách và khắc phục mọi vấn đề, cải thiện hình ảnh đất nước.
Nghiên cứu của Ủy ban Du lịch châu Âu chỉ ra lục địa này vẫn còn bỏ lỡ một nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi. Đó chính là thu hút khách đường dài đến từ các nơi xa, khác châu lục.
Năm 2022, du lịch đường ngắn và trung bình phát triển mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế tăng gần bằng 80% trước dịch. Tuy nhiên vào 2019, khách đường dài chiếm 25% tổng số đêm khách lưu trú tại châu Âu. Những vị khách này được săn đón vì họ ở lại lâu và đến nhiều điểm hơn.
Một vấn đề khác là thiếu khách Trung Quốc. Họ sẽ quay lại nhưng vẫn có rủi ro là họ chưa thể quay lại sớm. Tom Jenkins, CEO Hiệp hội Du lịch và Kinh tế châu Âu, cho biết chi phí nhiên liệu tăng, việc cấp hộ chiếu hay tình hình chính trị toàn cầu là những yếu tố ảnh hưởng đến việc phục hồi du lịch hoàn toàn.
Hiện Mỹ là thị trường du khách số một ở châu Âu. Họ đang có đồng tiền mạnh và nhiều người chịu chi, sẵn sàng tăng ngân sách kỳ nghỉ. Tuy nhiên, số lượng khách Mỹ đến châu Âu năm nay dự kiến chỉ đạt 80% so với 2019. Phải đến 2025, dự kiến lượng khách mới đông bằng trước dịch.
Anh Minh (Theo Reuters, Forbes)