Lhakpa Sherpa, người Nepal, không được đào tạo kỹ lưỡng để chinh phục các ngọn núi nhưng lại là phụ nữ leo lên đỉnh Everest nhiều nhất thế giới với 10 lần. Hiện tại, cô sống tại Mỹ cùng ba con, làm việc trong cửa hàng tạp hóa kiêm lao công.
Cuộc sống của cô được dựng thành phim tài liệu Mountain Queen: The Summits of Lhakpa Sherpa do Lucy Walker đạo diễn.
"Tôi không học giỏi nhưng rất thành thạo về những ngọn núi", Sherpa nói.
Sherpa sinh năm 1973 trong gia đình làm nông, chăn nuôi bò yak ở dãy Himalaya. Gia đình cô có 11 anh chị em. Trong những năm tháng tuổi thơ, Sherpa ngày ngày cõng em trai băng đồi đến trường nhưng bản thân lại không được đi học. Hệ quả là ngày nay Sherpa vẫn chưa biết đọc. Những thứ mà mọi người coi là điều hiển nhiên, như sử dụng điều khiển tivi, lại rất khó khăn với cô. Sau này, ba con của Sherpa đã hỗ trợ mẹ sử dụng điều khiển.
Sherpa làm việc từ rất sớm. 15 tuổi, cô làm porter (phu khuân vác) trong các chuyến thám hiểm leo núi. Nhờ công việc này, Sherpa tránh được cuộc hôn nhân sắp đặt theo truyền thống nhưng cuộc sống lại trở nên khó khăn hơn khi cô mang thai với bạn trai. Mối quan hệ tan vỡ khi cô chưa kết hôn. Sherpa khi đó quá xấu hổ để trở về nhà vì làm mẹ đơn thân. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô tiếp tục công việc leo núi và phải lòng nhà leo núi người Mỹ gốc Romania George Dijmărescu. Họ kết hôn năm 2002, định cư tại bang Connecticut, có hai con gái Sunny và Shiny.
Mối quan hệ rạn nứt khi George Dijmărescu có dấu hiệu bạo lực hôn nhân. Năm 2004, họ cùng leo lên đỉnh Everest, cô đã bị chồng bạo hành khi gặp thời tiết xấu.
Theo lời kể của nhà báo Michael Kodas, người đưa tin về chuyến leo núi năm đó, hành vi của Dijmărescu thay đổi gần như ngay lập tức. "George la hét, đấm tôi", Sherpa nói. Kodas đã chụp nhiều bức ảnh Sherpa nằm bất tỉnh khi bị chồng bạo hành, ném ra khỏi lều.
Khi bất tỉnh, Sherpa nghe thấy tiếng chim hót và toàn bộ cuộc đời lần lượt chạy qua trong đầu. Cô thấy mình đang ở gần nhà mẹ đẻ, cảm thấy xấu hổ. "Tôi muốn chết", Sherpa nói. Nhưng khi nghĩ đến các con, Sherpa biết phải gắng gượng.
Năm 2012, cô nhập viện vì bị chồng đánh. Nhờ một nhân viên xã hội giúp đỡ, Sherpa chuyển đến nơi trú ẩn dành cho những người phụ nữ giống mình. Tại đây, cô làm lại cuộc đời. Họ ly hôn vào năm 2015, tòa phán Sherpa được quyền nuôi các con gái. Chồng cũ Sherpa nhận án tù treo 6 tháng và một năm quản chế do quấy rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, Dijmărescu được phán vô tội với cáo buộc hành hung vợ cũ cấp độ 2 vì tài liệu của tòa cho thấy Sherpa không bị chấn thương đầu.
Dijmărescu chết vì ung thư vào năm 2020 nhưng di chứng bạo hành để lại cho vợ cũ vẫn còn. Sherpa không muốn nhắc đến những điều trải qua trong hôn nhân. Cô muốn mọi thứ hỗn loạn đó được giữ bí mật.
Con trai đầu lòng, Nima, khuyên mẹ nên làm phim với Walker sau khi nghiên cứu các tác phẩm của nữ đạo diễn trước đó. Đạo diễn thuyết phục Sherpa chia sẻ về cuộc đời mình, những khó khăn đằng sau ánh hào quang của một nữ hoàng núi, người phụ nữ chinh phục đỉnh Everest nhiều nhất thế giới.
"Người phụ nữ từng bị tổn thương sẽ rất mạnh mẽ" là điều đạo diễn Walker muốn thể hiện cho độc giả thấy khi xem phim. Hai con gái Sunny và Shiny đồng tình quan điểm này. Họ cũng xuất hiện trong phim và cảm thấy khó khăn khi xem lần đầu vì cuộc sống cá nhân bị phơi bày. Nhưng họ muốn chia sẻ với thế giới về sức mạnh nội lực đã giúp 3 mẹ con vượt qua, thay vì làm họ yếu đi.
Sherpa đã khóc vì trải qua nhiều điều buồn bã. Cô làm việc chăm chỉ, dũng cảm đối mặt khó khăn nhưng đôi khi vẫn tự hỏi "tại sao mình còn sống, sao chưa chết". Cuộc đời Sherpa đã đối mặt quá nhiều nguy hiểm, từ những chuyến leo núi đến hôn nhân bị bạo hành.
"Tôi sẽ không dễ dàng bỏ cuộc và tiếp tục chiến đấu", Sherpa nói. Với cô, leo núi không chỉ là đam mê mà còn giúp cô chữa lành. Cô để lại nỗi buồn của mình trên núi. Năm 2022, cô lập kỷ lục chinh phục Everest lần thứ 10. Các con gái rất tự hào về mẹ.
Sherpa đang tạo ra cho bản thân và các con cuộc sống tốt đẹp hơn, bao gồm cả việc lũ trẻ được học hành đến nơi đến chốn, bằng cách làm việc chăm chỉ. Cô muốn kiếm sống bằng việc mở công ty hướng dẫn leo núi của riêng mình và tìm kiếm thêm nguồn tài trợ. Cô rành về những ngọn núi và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cho nhiều người.
"Nhiều phụ nữ bắt đầu chinh phục những đỉnh núi và làm theo mẹ tôi", con gái Sherpa nói.
Anh Minh (Theo BBC)