Phá lấu trộn Đà Nẵng gồm lòng bò cắt mỏng trộn với xoài xanh, chuối chát, rau sống và nước mắm gừng, được người địa phương yêu thích. Món ăn của Đà Nẵng khác với phá lấu miền Nam - lòng bò được hầm cùng nước cốt dừa và gia vị, ăn kèm bánh mì. Cách chế biến tạo nên sự khác biệt trong hương vị và cách thưởng thức.

Phá lấu trộn Đà Nẵng. Ảnh: Tuấn Anh
Phá lấu trộn quán Hương được chế biến theo công thức gia truyền thừ thập niên 90. Bà Hương, 50 tuổi, chủ quán, cho biết quán ban đầu chỉ là một gánh nhỏ trong khu ẩm thực chợ Cồn, nhưng do lượng khách ngày càng đông, quán đã chuyển đến địa điểm hiện tại để có không gian phục vụ tốt hơn.
Phá lấu của quán có vị cay đặc trưng của ẩm thực Đà Nẵng, lòng bò và các loại rau ăn kèm đều thấm gia vị. Người địa phương thường hay "rỉ tai" du khách rằng quán Hương có công thức đặc biệt khiến thực khách "phải lòng" suốt mấy chục năm. Dù ở Đà Nẵng có rất nhiều hàng bán phá lấu với nguyên liệu tương tự, hương vị tại quán Hương vẫn mang đặc trưng riêng khó có thể tìm thấy ở nơi khác.
Theo chủ quán, bí quyết riêng của quán chính là sự kỳ công trong từng công đoạn chế biến. Lòng bò được quán chọn từ lò để đảm bảo nguyên liệu tươi, sơ chế qua nhiều bước với chanh, giấm để khử mùi. Khi luộc, cần canh thời gian để lòng không quá mềm hoặc quá dai. Các nguyên liệu như xoài, ớt, rau thơm cũng được quán nhập mới mỗi ngày để giữ độ tươi ngon.

Nguyên liệu của món phá lấu trộn được quán bày trong tủ kính. Ảnh: Tuấn Anh
Các phần nội tạng bò như lá sách, gan, lá mía được quán làm sạch, luộc chín, sau đó cắt mỏng và bày trong tủ kính cho khách lựa chọn. Khi khách gọi món, người bán trộn lòng với xoài xanh cắt sợi, chuối chát, rau sống, chan nước mắm gừng và rắc thêm hành phi.
Chị Hương cho biết mỗi ngày quán bán khoảng 50 kg lòng và 5 kg rau. Ngoài phục vụ khách tại chỗ, quán còn bán qua các ứng dụng giao hàng. "Dịp lễ đông khách, có ngày bán hàng trăm tô nhưng tôi không tăng số lượng để đảm bảo chất lượng", chị Hương nói.
Quán có diện tích 50 m2, mở cửa từ 10h đến 19h hằng ngày, tùy vào lượng khách có thể đóng cửa sớm. Phá lấu trộn giá 35.000 đồng một phần. Ngoài ra, quán bán thêm các loại nem, chả, tré và bánh tráng để khách ăn kèm, giá từ 5.000 đồng một chiếc.
Bảo Thư, 24 tuổi sống tại Đà Nẵng, cho biết đây là quán quen cô hay ghé buổi chiều, hương vị bao năm vẫn không thay đổi. "Quán có nước trộn đặc biệt, làm món ăn thêm đậm đà", Thư nói.
Anh Đăng Nguyên, 40 tuổi, cùng gia đình ghé quán thưởng thức phá lấu trong chuyến du lịch Đà Nẵng hôm 28/3. Du khách đến từ Hà Nội nhận xét phá lấu trộn ăn lạ miệng, giống món gỏi, khác với phá lấu nước ăn kèm bánh mì anh từng thử ở TP HCM.
Món ăn theo hương vị miền Trung nên phần phá lấu thiên vị cay, khách có thể cân nhắc và yêu cầu người bán giảm độ cay theo khẩu vị.
Quán nằm cạnh chợ Cồn, sau khi thưởng thức phá lấu, khách có thể ghé qua khu ẩm thực trong chợ để thử thêm các món đặc sản địa phương như bánh tráng cuốn thịt heo, mít trộn, bún nghệ và các loại bánh.
Tuấn Anh