Săn dải Ngân hà cuối mùa ở Kyrgyzstan

Vượt đèo Độ Long lừng danh, chiêm ngưỡng khối sa thạch Bảy con bò đực trong truyền thuyết, săn dải Ngân hà cuối mùa... là trải nghiệm khó quên với du khách ở Kyrgyzstan.

Những địa danh nghe có phần lạ lẫm với nhiều người như hồ Issyk Kul, đèo Độ Long,… nhưng hẳn sẽ tạo nên “tiếng reo nhỏ trong tim đối” với những ai từng đắm mình trong những truyện ngắn như Người thầy đầu tiên, Mắt lạc đà, Cây phong non trùm khăn đỏ,… trong tác phẩm Truyện núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Kyrgyzstan nổi tiếng Chingiz Aitmatov.

Cơ hội tới được đất nước nằm ở vùng Trung Á xa xôi hẻo lánh này từng xa vời lắm, tưởng như chẳng bao giờ thực hiện nổi nhưng ngày nay đã có những tuyến bay thẳng tới mảnh đất "trong mơ".

Vì thế vào một ngày đẹp trời vào tháng 10 vừa qua, nghe theo tiếng gọi rủ rê của những người bạn, tôi đã xách vali lên đường thăm Kyrgyzstan vào lúc đất nước này tràn ngập sắc thu vàng óng ả.

Trong một tuần đến Kyrgyzstan, chúng tôi đã đến hồ Issyk Kul, hồ Song Kul, thành phố Osh và nhiều nơi khác ở xứ sở núi đồi và thảo nguyên.

Hành trình chúng tôi đi qua có những con đường đầy đá tảng và lầy lội, không hiểu sao xe vẫn có thể di duyển được. Có những ngôi làng hẻo lánh trên núi cao hay ở vùng sâu, không điện, không nước tắm, không Internet, nhưng không ít du khách quốc tế vẫn lặn lội tìm đến.

Có những ngày không có nước uống, bỏ bữa là chuyện thường, không hiểu sao tất cả vẫn vui vẻ và hào hứng trên từng chặng đường xe qua để đến với những ngọn núi nguyên sơ, hồ trên núi cao và những đồng cỏ đã úa vàng với bầy cừu nhởn nhơ gặm cỏ.

Dấu tích cuối cùng còn sót lại của Balasagun

Trước tiên từ thủ đô Bishkek, chúng tôi di chuyển bằng ôtô đến tháp Burana, một ngọn tháp xây bằng gạch có từ thế kỷ XI nằm cách Bishkek chỉ 60 km về phía đông. Tháp này là một trong những dấu tích cuối cùng còn sót lại của thành phố cổ Balasagun, thủ đô cũ của Hãn quốc Karakhanid.

Tháp ban đầu cao 45 m, nhưng một trận động đất vào thế kỷ XV đã phá hủy nửa trên của tháp và hiện nó cao 24 m. Việc tháp vẫn tồn tại trong khu vực có hoạt động địa chấn mạnh chứng tỏ sự vững chắc về cấu trúc.

Kyrgyzstan anh 1

Tháp Burana trong nắng thu vàng. Đây là một trong những dấu tích cuối cùng còn sót lại của thành phố cổ Balasagun, thủ đô cũ của Hãn quốc Karakhanid. Công dân Việt Nam được miễn visa ở Kyrgyzstan này nên việc xuất và nhập cảnh ở các cửa khẩu rất nhanh chóng. Ảnh: Hai Nguyễn.

Dọc đường chúng tôi đi qua, từ Cholpon Ata vào Altyn-Arashan, những hàng dương chuyển màu trong nắng thu vàng rượm bên hồ Issyk Kul hay bên những con suối nhỏ giữa những hẻm núi. May mắn gặp những ngày trời nắng đẹp, gió thu mát lạnh làm lá vàng xào xạc khiến lòng người hưng phấn.

Núi đồi và thảo nguyên, kỵ sĩ và tuấn mã, núi tuyết và mây trắng giữa trời xanh, đặc sản của vùng đất Kyrgyzstan vẫn còn đây như thuở Chingiz Aitmatov (tiếng Kyrgyz: Чыңгыз Айтматов) từng viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông.

Trải nghiệm đặc biệt với lều yurt

Hồ Songkul nằm ở độ cao trên 3.000 m. Chúng tôi ngủ trong những lều yurt trong tiết cuối thu lạnh tê tái. Mỗi lều có lò sưởi và ống khói. Vật liệu đốt để sưởi ấm là phân cừu khô, chất dẫn lửa là gốc cỏ khô. Dân trên phố xuống dựng lều để đón du khách trong mùa hè và đầu thu.

Cuối thu trời lạnh, đường vào đây rất xấu và sẽ có tuyết, khách không vào được thì dỡ lều, chất trong những container để lại trong thảo nguyên, về phố ở, năm sau lại vào dựng lều đón khách. Chúng tôi là đoàn khách cuối cùng của "hotel" này. Sau khi đoàn rời đi là họ sẽ dỡ lều.

Kyrgyzstan anh 6

Lều yurt ở hồ Song Kul. Bìa trái ảnh là một lều vừa dỡ xong. Ảnh: Hai Nguyễn.

Lều yurt trước đây là nơi ở của người du mục Kyrgyzstan. Lều có hình tròn, gồm khung gỗ được bọc nỉ và bện bằng dây thừng, có thể dễ dàng lắp ráp và tháo dỡ trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 3 giờ tùy lều lớn hay nhỏ.

Lều yurt được làm từ nguyên liệu thô tự nhiên. Đàn ông làm khung gỗ cùng với các chi tiết bằng gỗ, da, xương và kim loại, còn phụ nữ làm đồ trang trí nội thất với các hoa văn thực vật hoặc hình học truyền thống.

Tất cả lễ hội, nghi lễ, sinh nở, đám cưới và tang lễ đều được tổ chức trong lều yurt.

Vì vậy, yurt vẫn là biểu tượng của gia đình và lòng hiếu khách truyền thống, nền tảng cho bản sắc của dân tộc Kyrgyzstan. Được ngủ trong lều yurt ở hồ Song Kul là một trải nghiệm khó quên trong chuyến đi này của chúng tôi.

Vượt đèo Độ Long trong truyện Cây phong non trùm khăn đỏ

Kyrgyzstan giáp với Trung Quốc ở phía nam. Dãy Thiên Sơn hùng vĩ quanh năm tuyết trắng nằm giữa hai nước.

Càng đi xuống phía nam, các cung đường thường băng qua những đèo cao ngoằn ngoèo dốc đứng trong dãy Thiên Sơn.

Cuối thu tuyết đã bắt đầu rơi làm cho việc đi lại thêm phần khó khăn. Đèo Độ Long trong truyện Cây phong non trùm khăn đỏ mà chúng tôi đi qua được xem là con đèo khó khăn, nguy hiểm nhất của hành trình.

Aitmatov đã viết về con đèo này như sau: “Con đường ngoằn ngoèo chữ chi, hết vòng này lại sang vòng khác, cứ men vực thẳm leo mãi đến tận trời xanh, bốn bánh đè lên mây mà leo; khi thì người bị ép sát vào lưng ghế không nhấc lên được, khi thì lại ngã chúi về phía trước, phải chống tay cho ngực khỏi xô vào vô lăng. Thời tiết ở trên đèo thì như một con lạc đà xấu tính: Dù là mùa hạ hay mùa đông, đèo Độ Long cũng chẳng thèm đếm xỉa.Trong nháy mắt trời bỗng dưng đổ một trận mưa rào, mưa đá, hay tuyết cuộn lên mù mịt không còn trông thấy gì nữa. Đấy, cái đèo Độ Long của chúng tôi là như thế đấy!... Nhưng chúng tôi, dân Thiên Sơn, đã quen với nó rồi, nhiều khi lại còn vượt đèo ban đêm nữa. Ấy, bây giờ tôi mới nhớ lại đầy đủ những nỗi khó khăn, nguy hiểm, chứ khi làm việc ở đấy hàng ngày thì cũng chẳng hơi đâu mà suy nghĩ đến những chu‌yện ấ‌y”.

Điểm đến không thể bỏ qua: Hẻm núi Cổ tích

Hẻm núi Skazka hay còn gọi là Hẻm núi Cổ tích, nằm trên bờ nam của hồ Issyk Kul, là một trong những địa điểm thiên nhiên thú vị và thường xuyên được ghé thăm ở Kyrgyzstan.

Hẻm núi được cấu tạo bởi đá sét kết màu đỏ. Gió và nước đã mài giũa đá sét kết qua hàng triệu năm thành những tác phẩm điêu khắc tự nhiên và tuyệt vời.

Một trong những kiến trúc đá nổi tiếng nhất ở đây là Vạn lý Trường thành, do có nét giống với di tích kiến ​​trúc nổi tiếng của Trung Quốc (bên trái ảnh). Đi bộ qua mê cung của hẻm núi, bạn sẽ có cảm giác như đang ở trong một câu chuyện cổ tích có thật, không có gì ngạc nhiên khi hẻm núi được đặt tên như vậy.

Những cấu trúc đá giống như lâu đài, tháp, quái vật, người khổng lồ, con người và động vật,... Tất cả đều do thiên nhiên tạo ra chứ không phải do bàn tay con người. Thật thú vị!

Kyrgyzstan anh 9

Hẻm núi Skazka hay còn gọi là Hẻm núi Cổ tích. Ảnh:

Khối sa thạch "Bảy con bò đực" trong truyền thuyết

Jeti Oguz là một khối sa thạch cách Karakol khoảng 25 km về phía tây nam. Cái tên này có nghĩa là “Bảy con bò đực”, xuất phát từ thực tế là những tảng đá trông giống bảy con bò đực. Đá Jeti-Oguz là một Di tích Thiên nhiên được bảo vệ.

Có một truyền thuyết về sự hình thành của đá. Một kha hản người Kyrgyzstan đã cướp vợ của một kha hản khác. Vị kha hản bị cướp vợ sau đó đã đi tìm lời khuyên của một nhà thông thái về cách trả thù. Nhà thông thái miễn cưỡng đưa ra lời khuyên, nói với kha hản rằng nên giết người vợ và giao xác cô ấy cho tình địch của mình.

Nhà thông thái nói rằng: “Hãy để hắn sở hữu một người vợ đã chết chứ không phải một người sống”.

Kha hản đã thực hiện kế hoạch đó và trong một bữa tiệc tang lễ, ông đã sắp xếp ngồi cạnh người vợ bị đánh cắp của mình.

Khi con bò đực cuối cùng trong số bảy con bò đực bị giết để làm nghi lễ, vị kha hản đã rút dao đâm vợ mình. Máu tuôn ra từ trái tim cô, mang theo những con bò đực xuống thung lũng, và khi chúng dừng lại, chúng trở thành những tảng đá đỏ này.

Kyrgyzstan anh 10

The Seven Bulls of Jeti-Oguz, Kyrgyzstan. Ảnh: Hai Nguyễn.

Ngắm dải Ngân hà cuối mùa

Khi thăm thú vùng núi đồi và thảo nguyên ở Kyrgyzstan, bạn đừng quên ngắm sao trời vào những đêm không mây.

Cuối tháng 10, mùa xem dải Ngân hà đã gần chấm dứt. Lúc này do chuyển động quay của trái đất quanh trục của nó, chúng ta sẽ không thấy dải Ngân hà cho đến tháng 4 năm sau.

Kyrgyzstan anh 11

Vào thời gian này, dải Ngân hà xuất hiện trên trời rất sớm, khoảng 19h, và sẽ lặn vào lúc 21h. Vệt sáng của dải Ngân hà không còn đậm và rõ như trước.

Sau bữa cơm chiều, trời vừa sẩm tối là chúng tôi mang máy móc ra canh chụp dải Ngân hà với tiền cảnh là căn lều yurt.

Khói nhẹ lan tỏa trên căn lều yurt được đốt từ phân cừu khô để sưởi ấm cho căn lều, chúng tôi đã nhờ bác chủ nhà đốt thêm nhiều lần để đủ ấm và có được làn khói mờ ảo cho tấm ảnh của mình.

Tất cả đều lung linh và huyền bí dưới ánh sao đêm, tăng thêm nhiều thi vị cho chuyến đi!

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch