Sau một thời gian ngưng hoạt động do dịch COVID-19, các sân khấu thực cảnh như "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An", "Once", "Tinh hoa Việt Nam" và "Sắc màu Venice" đang chuẩn bị tái hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Dấu ấn từ sự hoành tráng
Chính thức ra mắt khán giả cuối tháng 10-2017, "Tinh hoa Bắc Bộ" là vở diễn thực cảnh được đầu tư hơn 2.500 thiết bị âm thanh, ánh sáng tối tân, sân khấu mặt nước diện tích 4.300 m² tựa lưng vào núi Thầy. Từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, "Tinh hoa Bắc Bộ" lần lượt đưa khán giả đến 6 phân cảnh: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui, Ngày hội.
Trong không gian giữa sân khấu thực cảnh sông nước và cây tre, công chúng có thể cảm nhận được những nét đẹp tinh hoa của văn hóa Việt Nam lần lượt được tái hiện trước mặt. Chính sự hoành tráng này đã tạo nên sự độc đáo, sau gần 2 năm công diễn, "Tinh hoa Bắc Bộ" đã trở thành đặc sản du lịch của Hà Nội. Khoảng 80.000 lượt người xem, trong đó có 50.000 khách quốc tế đã chọn "Tinh hoa Bắc Bộ" là điểm dừng chân trong hành trình khám phá văn hóa Việt Nam.
Một cảnh hoành tráng trong “Tinh hoa Việt Nam”. Ảnh: PHÚ QUỐC
Vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" đã nhận được nhiều giải thưởng như: 2 kỷ lục Guinness Việt Nam: Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam; giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 và giải "Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019". "Tinh hoa Bắc Bộ" còn được truyền hình CNN bình chọn là "Vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội".
Tương tự, "Ký ức Hội An" cũng làm người xem choáng ngợp bởi sự hoành tráng với không gian biểu diễn lên tới 25.000 m², gần 500 diễn viên tham gia. Vở diễn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục: Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam và Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất.
Đã làm là phải làm cho tới
Theo các nhà chuyên môn, nghệ thuật trình diễn sân khấu thực cảnh là loại hình phổ biến trên thế giới nhưng mới chỉ được biết đến nhiều ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Một số quốc gia đã đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình nghệ thuật thực cảnh nhằm thu hút khách du lịch. Trung Quốc cũng chú trọng khai thác loại hình nghệ thuật này, chẳng hạn vở diễn: "Ấn tượng Lệ Giang" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, ông đã sử dụng núi Ngọc Long Tuyết Sơn làm bối cảnh và huy động rất đông diễn viên quần chúng.
"Các nước thực hiện sân khấu thực cảnh cũng gặp khó như chúng ta. Họ cũng phải đầu tư chi phí rất tốn kém và chịu thua lỗ trong thời gian đầu. Cái chính vẫn là khâu thiết kế nội dung vở diễn hấp dẫn và quảng bá để du khách biết mà tìm đến" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái thông tin.
Có thể nói sân khấu thực cảnh là một sự phát triển vượt bậc trong việc khai thác nghệ thuật để thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương. Nhưng cuộc chơi này cũng vô cùng tốn kém, có những yêu cầu rất cao như phải có không gian rộng cùng nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại, số lượng diễn viên đông đảo. Minh chứng vở diễn "Ký ức Hội An" đã tiêu tốn kinh phí khoảng 10 triệu USD.
"Tiền bạc, quy mô, sức hấp dẫn và tiềm năng của sân khấu thực cảnh là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm chính là chất lượng của sản phẩm đó. Thực tế cho thấy một số vở thực cảnh lại xem nhẹ việc đầu tư trang phục đúng với từng triều đại mà vở diễn phản ánh" - NSND Trần Minh Ngọc quan ngại.
Theo các chuyên gia sân khấu, thực cảnh là một xu hướng tất yếu nhưng cần đặc biệt lưu tâm trong việc phối hợp giữa nhà đầu tư và những người làm nghề thật sự có tâm, có tầm để bảo đảm chất lượng nghệ thuật. "Để có được một tác phẩm sân khấu thực cảnh là không đơn giản. Kinh phí đầu tư là vấn đề được đặt ra nhưng ngay cả khi được đầu tư lớn cũng chưa thể bảo đảm thành công. Sân khấu thực cảnh còn đòi hỏi người làm nghề tâm huyết và am hiểu sâu sắc văn hóa Việt mới có thể làm tốt vai trò và sứ mệnh du lịch gắn với văn hóa" - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.