Tái hiện mâm cỗ Tết ba miền trong công viên Lê Văn Tám

TP HCMNhững mâm cỗ Tết nhiều màu sắc, đa dạng món, chế biến công phu, được tái hiện trong Lễ hội Tết Việt tại công viên Lê Văn Tám.

Lễ hội Tết Việt đang diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, kéo dài từ ngày 18 đến 21/1. Điểm nhấn thu hút du khách là không gian trưng bày mâm cỗ Tết và tái hiện văn hóa đón Tết xưa ba miền. Tại đây, có ba ngôi nhà cổ được phục dựng lại, bên trong bày trí trang thờ, bàn ghế gỗ và mâm cỗ Tết dâng lên tổ tiên.

Trong hình là mâm cỗ Tết Tràng An với hơn 15 món truyền thống quen thuộc với những người dân đất Bắc. Một mâm cỗ Tết miền Bắc tiêu biểu không thể thiếu bánh chưng, niêu cá kho, canh măng gà luộc, giò lụa, dưa hành, xôi gấc.

Các mâm cỗ Tết được thay đổi liên tục theo ngày trong thời gian lễ hội diễn ra. Đây là hình ảnh mâm cỗ Tết cổ truyền miền Trung gồm 21 món, được thực hiện bởi nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Hồ Thị Anh, nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh là cố vấn. Bà Thiếu Anh chia sẻ các nghệ nhân xứ Huế mong muốn đem những hương vị truyền thống đến lễ hội để khách thập phương và nhất là lớp trẻ hình dung được mâm cỡ miền Trung xưa tinh tế và kỳ công đến thế nào.

"Mâm cỗ năm rồng có điểm nhấn là những món ăn được tạo hình tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng với ý nghĩa an lạc, thăng tiến. Bốn món đó là cơm kim quy tạo hình con rùa, gỏi lân tiến vua, chả phụng ngũ sắc và vả trộn thanh long", bà Thiếu Anh nói.

Ngoài ra mâm cỗ còn các món chế biến kỳ công đặc trưng của miền Trung như chả ram tôm đất, khối bò kiệu chua, chả thủ hoa mai hay món xôi trắng thịt hon.

Không gian ẩm thực miền Trung còn thu hút bởi gian trưng bày mứt phật thủ, mứt màu hoa. Mứt phật thủ đặc biệt bởi được rim nguyên trái, hoàn thành trong vòng nửa tháng. Nghệ nhân Thiếu Anh cho biết để làm mứt phật thủ nguyên trái phải ngâm quả trong nước muối ít nhất một tuần để mất hết chất the trong vỏ. Sau đó gọt vỏ, luộc, ngâm đường, ngày phơi nắng tối phơi sương, rim nguyên trái đến khi trái phật thủ có độ trong mới đạt chuẩn.

Ẩm thực Tết miền Trung còn hấp dẫn thực khách nán lại trải nghiệm nhờ hương thơm từ món bánh thuẫn. Các nghệ nhân làm bánh này tại lễ hội, phục vụ khách miễn phí.

Chị Nhi Nguyễn, đến từ Bình Định, chia sẻ khi vừa đến lễ hội chị vào ngay khu vực tái hiện Tết xưa. Món bánh thuẫn tại lễ hội khiến chị Ly nhớ lại những ngày giáp Tết về quê phụ giúp mẹ làm bánh, đem bán ngoài chợ.

"Năm nào nhà tôi cũng làm bánh thuẫn, hương thơm bánh này quá quen thuộc với tôi. Đây là đặc sản Bình Định và nhiều tỉnh miền Trung. Món bánh này có nguyên liệu đơn giản từ bột bình tinh, trứng gà nhưng quan trọng phải canh lửa sao cho hai mặt đều để bánh bung nở, không cháy", chị Ly nói.

Mâm cỗ Tết miền Nam có tên Sài Gòn kết nối, gồm 16 món đặc trưng của các dân tộc sinh sống ở Nam Bộ như món bánh phát tài của người Hoa, món lạp xưởng bò đặc sản người Chăm và món Việt. Đầu bếp Đoàn Thị Hương Giang, cố vấn ẩm thực mâm cỗ tết miền Nam, cho biết trong 4 ngày lễ hội, mâm cỗ sẽ thay đổi theo chủ đề. Ngày đầu là mâm cơm kết nối, ngày thứ hai là mâm cỗ khai hoang, trở lại quá khứ thời Sài Gòn thuở sơ khai, mâm cỗ chủ yếu là các món luộc. Ngày thứ ba là mâm cỗ các Sài Gòn hiện đại với các món kết hợp văn hóa nhiều nước và ngày cuối là mâm cỗ chay.

Gian ẩm thực miền Tây còn có quầy bánh dân gian. Khách tham quan được thử các loại bánh đặc sản miền Tây. Mâm bánh nhiều màu được bày trí bắt mắt gồm có bánh bò, bánh bò thốt nốt, bánh da heo, bánh chuối.

Các gian hàng ẩm thực cũng chiếm sóng trong lễ hội. Khác với một số lễ hội gần đây, lễ hội Tết Việt chú trọng vào tính tương tác với khách tham quan. Quầy làm sợi mì Quảng niêu của đầu bếp Lê Minh Cảnh có không gian cho khách trải nghiệm làm sợi mì thủ công.

Một khu vực trải nghiệm văn hóa Tết khác là gian gói bánh chưng. Bánh sau khi gói được đem đi luộc trong nồi lớn bằng bếp củi đặt gần đó. Đây là loại bánh chưng truyền thống của tỉnh Phú Thọ, tương truyền xưa kia dùng để dâng lên Vua Hùng. Gạo nếp được chọn làm bánh phải là loại gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, tạo nên hương thơm khác biệt. Bánh chưng không có chất phụ gia, không chất bảo quản.

Trong khi các mâm cỗ Tết mang tính trưng bày, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn truyền thống ba miền trong lễ hội. Trong hình là món mì Quảng niêu mang xứ mệnh quảng bá văn hóa làng nghề truyền thống đang dần mai một ở Quảng Nam.

Gian hàng phục vụ món Nam Bộ nổi bật nhờ món bún mắm miền Tây. Đứng cách xa chừng 15-20 m là thấy rõ mùi mắm cá đặc trưng. Linh hồn của món này là mắm cá linh hay cá sặc, tô điểm bởi bông điên điển vàng - loại gia vị thường thấy trong lẩu, món nước lèo của người miền Tây. Topping có hải sản, thịt. Ai thích ăn sẽ thấy mắm dậy mùi thơm, một số người lại thấy món này có mùi khó chịu.

Thực khách có thể thưởng thức hương Bắc trong lễ hội với món bún chả nem cua bể. Nem cua bể có nguyên liệu đặc trưng là cua được đánh bắt từ các vùng biển của Hải Phòng. Khác với nem thường hình trụ, thuôn dài, nem cua bể được gói thành hình vuông. Các phần ăn trong lễ hội được đóng gói dạng mang đi, mỗi phần dao động từ 40.000 - 50.000 đồng.

Các quầy hàng đồ nướng cũng góp mặt trong lễ hội năm nay. Thực khách có thể thử món bạch tuộc, mực nướng, giá dao động 120.000 đồng mỗi con. Ngoài ra, có các món ốc, giá dao động 50.000 đồng một phần.

Sau lễ hội rạng danh ẩm thực Việt tổ chức vào tháng 10/2023, ban tổ chức lễ hội Tết Việt cho biết hạn chế các quầy xiên nướng, cá viên chiên. Không gian cho khách ngồi lại ăn uống thoáng mát, rộng rãi vì nằm trong công viên Lê Văn Tám. Quanh khu vực ăn uống bố trí nhiều thùng rác và có nhân viên dọn vệ sinh thường xuyên.

Bài và ảnh: Bích Phương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net