Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội truyền thống chào mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer. “Chol” nghĩa là “vào” và “Chnăm Thmây” là “năm mới”. Thời điểm vào năm mới bắt đầu lúc 16h ngày 14/4, diễn ra đến hết ngày 16/4. Nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức, thu hút đồng bào dân tộc Khmer và người dân sống trên địa bàn tỉnh An Giang cùng tham gia. |
Cộng đồng dân tộc Khmer nơi đây theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi hoạt động đón Tết đều được diễn ra tại chùa. Trước thời khắc chuyển giao năm mới, người dân sẽ dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa. Các chư tăng trang trí sân khấu, chuẩn bị trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ. Đến An Giang thời điểm này, du khách có thể cảm nhận được sự háo hức, vui tươi qua những hoạt động chuẩn bị của đồng bào nơi đây. |
Vào sáng sớm ngày Tết thứ hai, mọi người sẽ chuẩn bị thức ăn và mang đến dâng cơm mời các sư sãi trong chùa cầu mong may mắn, phúc lộc cho năm mới. Sau khi các vị chư tăng lấy phần ăn của mình, mọi người sẽ chia nhau những phần ăn còn lại, vừa ăn vừa trò chuyện về một năm đã qua và những ước vọng trong năm mới. |
Cũng như Tết Nguyên đán, Chôl Chnăm Thmây là dịp mọi người trong gia đình sum họp sau một năm dài. Sau khi chuẩn bị đồ cúng gồm một số đồ ăn và bánh trái… cả gia đình gồm nhiều thế hệ sẽ cùng nhau di chuyển đến phần mộ của người thân trong khuôn viên chùa. Tại đây, hai nhà sư sẽ đọc kinh cầu nguyện cùng gia đình với mong muốn mang lại phước lành đến với mọi người trong năm mới. |
Lễ tắm Phật là phần quan trọng nhất và được nhiều người trông đợi khi Tết đến. Sau khi cùng nhau tụng kinh, các chư tăng cùng đồng bào Khmer sẽ di chuyển ra sân, lần lượt dùng từng cành hoa vẩy những giọt nước tinh khiết ướp đẫm hương hoa lên tượng Phật. Xong phần lễ, mọi người cùng nhau tham gia trò chơi ném bột và té nước. |
Vốn gần gũi và hiếu khách, dân tộc Khmer luôn chào đón khách phương xa đến chung vui. Chia sẻ với Zing, chị Hoàng Kiều (sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đây là lần đầu mình ghé thăm Tri Tôn, may mắn rơi vào dịp Tết của người Khmer. “Mọi người nơi đây rất hiếu khách, tôi được xem văn nghệ và tham gia các trò chơi dân gian thú vị như đập niêu, ném bột và té nước”, chị nói. |
Để tránh những điều không may mắn trong năm mới, mọi người sẽ bôi bột mì lên mặt nhau. Vào những ngày này, du khách dễ dàng bắt gặp những gương mặt lấm lem bột mì trắng đang nở nụ cười thật tươi. Ngoài ra mọi người còn té nước lên người nhau như một cách xua đi những xui rủi trong năm vừa qua. Hoạt động này tương tự trò chơi té nước của lễ hội Songkran ở Thái Lan. |
Văn nghệ là một phần không thể thiếu đối với các lễ hội của đồng bào Khmer. Tối đến, trên sân khấu ban nhạc sẽ chơi nhạc ngũ âm và một số nhạc cụ dân tộc, trong khi dưới sân mọi người đang quây thành vòng tròn cùng nhau ca hát và nhảy các vũ điệu truyền thống. Cô Lê Mai, người Kinh sống tại Tri Tôn, chia sẻ: “Sống với người Khmer đã lâu, tôi thấy Tết bạn cũng như Tết mình. Cả gia đình tôi cùng hòa với không khí vui tươi cùng bà con Khmer nơi đây". Hôm nay tôi dắt cháu nội đến đây xem văn nghệ và mọi người nhảy múa, chơi nhạc ngũ âm, cô chia sẻ. |
Với lối kiến trúc độc đáo, được trang hoàng lộng lẫy thu hút ánh mắt, những ngôi chùa Khmer nhận để lại ấn tượng sâu sắc cho rất nhiều người khi đến An Giang tham quan du lịch. Sư Soophi Sêrêy (chùa Prey Veng, tỉnh An Giang) cho biết cộng đồng dân tộc Khmer luôn sẵn sàng chào đón mọi người đến chùa cùng tham gia lễ hội, không phân biệt tôn giáo, giới tính, địa vị. |
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
> Xem thêm: Tủ sách du lịch Việt Nam