TIẾNG VIỆT GIÀU ĐẸP: Cốt là chặt

Tục ngữ có câu "Có cốt có vác", ta hiểu thế nào cho đúng? Có thể ngờ rằng không phải "cốt" mà chính là "cột" mới đúng chăng?

Thì đó, những vật đang rời rạc, trước lúc vác lên vai để chuyển đến nơi khác, muốn nó không rơi dọc đường thì người ta phải cột lại cẩn thận, đâu ra đó. Xét ra có lý lắm. Với từ cột, tất nhiên trong ngữ cảnh này, được hiểu là "Buộc, trói, dùng dây quấn, siết mạnh và thắt gút lại" - theo "Việt Nam tự điển" (1970). Với nghĩa này, ca dao miền Nam có câu thật hay:

Khăn vuông bốn chéo cột chùm

Miệng mời người nghĩa hò giùm ít câu

Tuy nhiên, tùy ngữ cảnh nữa, dù vẫn dùng từ cột nhưng chắc gì đã thể hiện cụ thể động tác cột, chẳng hạn cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn "cà lơ phất phơ", suốt ngày đàn đúm theo bạn bè ngoài phố xá, người vợ bèn bàn với chồng: "Chỉ còn cách cưới vợ cho nó, may ra mới cột chân nó được". Cột ở đây có thể thay thế bằng từ "cầm/ cầm chân" tức giữ chân lại.

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: Em còn nhớ hay em đã quên/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân" thì từ trói cũng hàm nghĩa như cột - là do mưa cột chân khiến cho người đó không thể đi ra khỏi chỗ đang ngồi.

Mà, không chỉ có thế, thí dụ tục ngữ có câu "Khôn làm cột cái, dại làm cột con" thì dứt khoát đây chính là cái cột nhà. Từ cột hết sức quen thuộc trong cách so sánh của người Việt, ví dụ "To như cột đình", "Đen như cột nhà cháy"…

Với những dẫn chứng này, ta hoàn toàn có thể kết luận rằng "cốt" trong câu tục ngữ "Có cốt có vác" phải là "Có cột có vác" chăng? Nhầm to. Cốt trong ngữ cảnh này chính là chặt, đốn như ca dao Nam Bộ có câu: "Chiều mai, chiều mốt, anh cốt cây bần /Chẳng cho ghe cá đậu gần ghe tôm". "Cốt" cây bần nghĩa là chặt cây bần.

Tóm lại, câu "Có cốt có vác", "Đại Nam quấc âm tự vị" (1985) giải thích: "Có hạ cây xuống thì phải vác lấy cây. Đã lãnh việc thì phải làm cho rồi, cho "thành thì thành chung" nghĩa là trước sau cho trọn".