Tôi đạp xe thồ của ông nội từ Thanh Hóa vào TP.HCM mừng ngày 30/4

Trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng của ông nội, tôi tiến từ Thanh Hóa vào TP.HCM xem diễu binh, mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời đánh dấu tuổi 23 đáng nhớ.

Tôi quyết định đạp xe hơn 1.500 km vào TP.HCM mừng ngày Giải phóng.

Đúng 11h05 ngày 13/4, quàng lên vai chiếc balo chứa vài bộ quần áo cùng 2 chiếc điện thoại, dựng phía sau xe đạp lá cờ Tổ quốc, tôi bắt đầu hành trình từ huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vào TP.HCM xem diễu binh trước với sự ủng hộ nồng nhiệt từ gia đình. Tôi là Nguyễn Như Phúc (23 tuổi, quê ở Thanh Hóa), cử nhân Công nghệ kỹ thuật ôtô tại trường Đại học Vinh (Nghệ An).

Chiếc xe đạp Phượng Hoàng như một kỷ vật quý giá của ông nội tôi. Dù đã rỉ sét, ông vẫn hết lòng trân trọng và giữ gìn trong hàng chục năm qua. Thời kháng chiến chống Mỹ, chiếc xe này từng được ông dùng thồ gạo và lương thực, sau đó chở tôi đến trường suốt những năm tiểu học.

Vượt qua khái niệm phương tiện di chuyển, đối với tôi, chiếc xe là động lực, đại diện cho sự đồng hành của ông trong chặng hành trình đầy ý nghĩa này.

Khi còn học cấp 3, ông thường kể tôi nghe về những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thế hệ cha ông đã nằm lại ở độ tuổi đôi mươi để vẽ nên một Việt Nam độc lập và tự do. Lớn hơn, tôi có cơ hội biết đến những câu chuyện về tình yêu đất nước. Trong tâm khảm, tôi luôn mơ ước được đạp chiếc xe này vào miền Nam thân yêu. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi bắt đầu hành trình.

Một ngày của tôi bắt đầu lúc 4-5h sáng, ăn sáng và tranh thủ đạp xe khi trời chưa nắng gắt. Đến khoảng 10-11h, tôi nghỉ trưa 1-2 tiếng, sau đó tiếp tục hành trình. Tôi xuất phát khá muộn nên phải đạp xe ngày đêm để kịp đến TP.HCM xem diễu binh.

Thời tiết tháng 4 nóng không thể tả, trên đầu tôi đội chiếc nón tai bèo và cổ quấn khăn rằn Nam Bộ, mồ hôi vẫn rơi theo từng đoạn đường, tóc tôi lúc nào cũng ướt đẫm. Đôi lúc, chiếc xe gặp trục trặc do quá cũ, tôi phải ghé vào tiệm hàn để vá sườn.

Thế nhưng, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc, trái lại còn cảm thấy khâm phục hơn những người chiến sĩ đã đổ mồ hôi lẫn máu trên chiến trường gian khổ. Ngoái nhìn lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong ánh nắng, tôi tự hào khôn xiết.

dap xe ngay 30/4 anh 3

Tôi cầm tấm bằng cử nhân vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm, trong chuyến hành trình vào miền Nam.

Ở mỗi tỉnh thành, tôi cố gắng ghé thăm các di tích lịch sử hoặc chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm. Buổi tối, tôi xin ngủ nhờ hoặc thuê khách sạn bình dân do chi phí khá ít ỏi, toàn bộ số tiền đi đường do tôi dành dụm từ khoản lương làm thêm trong quá trình học đại học. Người dân rất dễ mến, họ sẵn sàng mời cơm, động viên tinh thần khi nghe về hành trình đặc biệt của tôi.

Khi đến TP Vinh (Nghệ An), tôi ghé trường Đại học Vinh để nhận bằng tốt nghiệp. Tôi không nghĩ mình sẽ cầm tấm bằng trên tay vào đúng kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng không nghĩ rằng mình sẽ đạp xe đến trường. Đây là một kỷ niệm khó quên với tôi ở tuổi 23.

Ngày 16/4, tôi đến Quảng Trị - đất mẹ anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954-1975, hàng chục nghìn đồng bào máu thịt đã ngã xuống vùng đất này để giành lại hòa bình, hun đúc truyền thống bất khuất cho thế hệ sau.

Tại đây, tôi tình cờ gặp một người địa phương, anh đưa tôi đến thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Anh kể cho tôi nghe về sự đau thương bao trùm và cảm giác mất mát chỉ sau một cú nổ bom hay phát súng, điều mà sách vở hay báo đài không thể ghi chép trọn vẹn. Đứng trước hơn 5.000 ngôi mộ của các chiến sĩ từ 41 tỉnh thành, tôi lặng người.

So với thế giới bên ngoài, hành trình của tôi rất nhỏ, nhưng lại xuất phát từ một cá nhân yêu nước, khao khát hòa mình vào ngày vui lớn của dân tộc. Tôi muốn truyền tải tinh thần "người Việt Nam yêu nước Việt Nam" và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị anh hùng dân tộc.

Đến hiện tại, sau 9 ngày di chuyển, tôi đã đến TP Quy Nhơn (Bình Định), khoảng cách còn hơn 600 km. Tôi nhất định sẽ dừng bánh tại TP.HCM đúng ngày 30/4, tận mắt ngắm "hòa bình rất đẹp".

Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.

> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh