Tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi đến Ladakh, Ấn Độ trong gần một năm, nhờ vậy có được chi phí tiết kiệm cho hành trình. |
Được mệnh danh là "tiểu Tây Tạng" trên đất Ấn, Ladakh là vùng đất đầy bí ẩn nằm bên dãy Himalaya. Ấp ủ giấc mơ đến đây đã lâu, tôi quyết định dành kỳ nghỉ 30/4 và nghỉ thêm vài hôm để thực hiện chuyến du lịch, khám phá vùng đất Ladakh với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng.
Tôi là Văn Nguyễn (27 tuổi), một người đam mê xê dịch hiện sinh sống tại TP.HCM.
Trái ngược với cảnh nắng như "đổ lửa" ở TP.HCM, Ladakh đón chúng tôi bằng những ngọn núi phủ tuyết vĩnh cửu trùng điệp trải dài đến tận chân trời. Nằm ở độ cao trên 3.500 m tại vùng núi phía Bắc Ấn Độ, không khí nơi đây khá loãng, trời xanh trong khiến bầu trời và mặt đất trở nên gần hơn.
Những con đường khuất hút nơi sa mạc, những dây cờ lung-ta nhiều màu sắc tung bay trong gió, những người dân hiền hòa nơi vùng đất Phật giáo…, tất cả đã để lại cho chúng tôi những trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến du lịch này.
Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ lái xe máy chạy suốt hành trình, tuy nhiên giai đoạn đầu tháng 5 tuyết còn rơi nhiều, cả nhóm quyết định thuê xe 7 chỗ có tài xế riêng để đảm bảo an toàn và giữ gìn sức khỏe. Chính anh tài xế bản địa Arif Khan đã biến kế hoạch khá đơn giản ban đầu của chúng tôi trở nên đặc sắc, đầy ấn tượng.
Chơi gì trong 8 ngày đêm?
Ngày đầu tiên, chúng tôi bay từ TP.HCM sang New Delhi, đáp tại Terminal 3 (T3), nhập cảnh rồi đi bộ chưa đến 10 phút sang Terminal 2 (T2) để đón chuyến bay sớm đến Leh.
Các bạn chú ý nếu bay hãng Vietjet Air, máy bay sẽ đáp T3 nên hãy chọn chuyến bay nội địa đến Leh ở T2 để tiện di chuyển.
Còn nếu đi chuyến bay của hãng khác hạ cánh tại T1, bạn sẽ phải di chuyển xe bằng xe buýt khoảng 30 phút đến T2. Quá trình nhập cảnh nơi đây cũng khá lâu, bù lại nhân viên quầy dễ thương.
Ngày thứ hai, sau 2 chuyến bay liên tiếp, chúng tôi đặt chân đến Leh Ladakh, di chuyển về khách sạn Karma Lodge nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình khám phá. Chúng tôi gặp gỡ anh tài xế để đăng ký giấy phép lái xe, sau đó tham quan, đổi tiền, mua SIM điện thoại và thư thả tản bộ để cơ thể dần thích nghi với độ cao tại ngôi chợ cổ Leh.
Ngôi chợ cổ thể hiện đậm nét văn hóa của Ladakh |
Bước đến đây tôi thực sự choáng ngợp trước khung cảnh bầu trời đầy nắng, mây trắng như bông, những dây cờ lung-ta cầu bình an ngập tràn sắc màu đang tung bay trong gió, trải dài xuyên suốt khu chợ. Tại đây, những cửa hàng, quầy hàng bày bán đầy đủ mọi thứ, từ quần áo, vải vóc, đồ thủ công, trang sức cho đến các loại gia vị và những món ăn đường phố địa phương.
Khu phố này còn nổi tiếng với những sản phẩm may mặc bằng len do chính tay người dân nơi đây đan móc. Các sản phẩm nơi đây giá cả khá rẻ, nếu không mang đồ lạnh, các bạn có thể tìm mua tại đây. Dạo quanh khu phố, ngắm nhìn cuộc sống của người dân địa phương, chúng tôi ghi lại những bức ảnh đẹp với nét bình dị nơi đây.
Ngày thứ ba, chúng tôi đặt tour khám phá thành phố của anh tài xế, đến những tu viện Thiksey, tháp Shanti, cung điện Leh Palace theo như kế hoạch ban đầu.
Được xây dựng trên ngọn đồi cao theo lối kiến trúc Tây Tạng, Leh Palace là công trình được xem như kiệt tác kiến trúc thời bấy giờ. Cung điện gồm 9 tầng với hơn 100 căn phòng, mỗi tầng được sử dụng cho những mục đích khác nhau như tổ chức các hoạt động văn hoá xã hội, khu sinh hoạt của vua và hoàng gia, đền hoàng gia…
Từ cung điện này, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, thu trọn toàn cảnh ngôi làng Leh nhỏ nhắn phía dưới, ngắm nhìn khu chợ mà tôi đã dạo chơi vào ngày đầu ở Leh.
Tu viện Thiksey tọa lạc trên một ngọn đồi cao. |
Bên cạnh ghé thăm các tu viện khác như Thiksey, Hemis, tháp Shanti, anh tài xế còn đưa chúng tôi khám phá thung lũng Zanskar - nơi con sông Indus (sông Ấn) và Zanskar gặp nhau. Sông Ấn là dòng sông lớn linh thiêng, một trong 2 dòng chảy nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, tín ngưỡng, tôn giáo của Ấn Độ. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, băng tan từ dãy Himalaya là nguồn nước cung cấp cho dòng sông này.
Trên đường đi cả nhóm đã ghé qua đồi Magnetic, Indus viewpoint, và bảo tàng Hall of Fame. Đồi Magnetic là một đoạn đường nhỏ bất chấp hiện tượng trọng lực, nằm trên đường cao tốc Leh-Kargil.
Những khung cảnh đẹp như phim lần lượt xuất hiện trước mắt chúng tôi. |
Đến đây các bạn sẽ được nhìn ngắm không gian hùng vĩ, rộng lớn, ghi lại những tấm ảnh đẹp với con đường mất hút về phía chân trời này. Cuối ngày chúng tôi ghé quán ăn Hàn Quốc Amigo để thưởng thức bữa tối, chuẩn bị cho chuyến hành trình hôm sau.
Ngày thứ tư, sau khi ăn bữa sáng tự chuẩn bị tại khách sạn, chúng tôi vượt đèo Khardung La để đến thung lũng Nubra. Khardung La có độ cao khoảng 5.602 m so với mực nước biển, đây là một trong những con đèo cao và nguy hiểm nhất trên thế giới. Để lên đến đây chúng tôi phải trải qua đoạn đường xấu và khá nguy hiểm. Hôm chúng tôi đặt chân đến đây trời đổ tuyết lất phất càng làm cả nhóm càng thêm phấn khích.
Khung cảnh tuyết trắng xóa, gió lớn trên con đèo ngoạn mục mang đến cho chúng tôi trải nghiệm độc đáo. |
Đến chiều, chúng tôi đã đến được bên bờ sông Shyok - con sông chảy từ Trung Quốc qua Ấn rồi đến Pakistan, đây cũng chính là một nhánh của sông Indus, tạo thành lũng lớn ngăn cách dãy Ladakh và Karakoram. Nơi đây quyến rũ chúng tôi bởi cảnh quan sa mạc, cát trắng, dòng sông xanh biếc, xa xa hình ảnh làng quê ẩn hiện giữa những dãy núi cao. Cuối ngày tụi mình ghé sa mạc Hundar trước khi về khách sạn tại Nubra.
Ngày thứ năm, từ Nubra chúng tôi di chuyển khoảng hơn 90 km thì đến làng Turtuk, một ngôi làng nhỏ yên bình nằm gần biên giới Pakistan. Băng qua những con đường quanh co khúc khuỷu với đủ loại địa hình từ núi đá vôi khô cằn, vực sâu hun hút, dòng sông xanh, chúng tôi đến được làng Tuktuk.
Ngôi làng với những cánh đồng, cây cối mang sắc xanh nổi bật, tô điểm lên khung cảnh thiên nhiên thanh bình nép mình bên những dãy núi cao. Từ đây chúng tôi có thể quan sát dãy núi Karakoram, một phần của dãy Himalaya linh thiêng. Dạo quanh ngôi làng, chúng tôi ngắm nhìn cảnh quan, cuộc sống người dân nơi đây, ghé thăm một số bảo tàng trong làng, đi đến điểm nhìn ngắm cờ Pakistan và cờ Ấn Độ.
Thời tiết nắng, lạnh, chúng tôi duy trì uống thuốc chống say độ cao để có thể trải nghiệm trọn vẹn hành trình. |
Sau đó, chúng tôi di chuyển về Nubra, trên đường đi ghé tham quan tượng Phật khổng lồ và tu viện Diskit nằm cheo leo bên sườn núi. Đây là thiền viện Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở thung lũng Nubra.
Tọa lạc ngay ở phần đồi phía trên thung lũng, bức tượng Phật Di Lặc cao 32 m được xây dựng đối diện thiền viện, nhìn ra sông Shyok, thu hút mọi ánh nhìn của khách tham quan. Sau khi ngắm nhìn, chụp ảnh, mọi người về khách sạn ăn tối, nghỉ ngơi.
Ngày thứ sáu, tiếp tục hành trình, chúng tôi di chuyển đến hồ Pangong. Đường đi tuy không xa nhưng đôi lúc xe phải băng qua những đoạn đường lúc gập ghềnh. Dọc 2 bên đường chúng tôi có cơ hội nhìn ngắm những người dân chăn dê, xem các chú chuột mập ú đang đào hang ven đường, các chú nai hoang dã, cuối cùng hồ Pangong Tso cũng đã hiện ra.
Nằm ở độ cao hơn 4.000 m, hồ Pangong Tso có màu nước xanh như biển cả. Mặt hồ tĩnh lặng không một gợn sóng mang đến khung cảnh thanh bình, xen lẫn nét huyền bí, kỳ diệu. Ẩn mình giữa cao nguyên, hồ nước này tạo thành biên giới tự nhiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Hồ Pangong Tso với làn nước xanh thẵm như đại dương. |
Đến đây, du khách sẽ cắt đứt liên lạc với thể giới bên ngoài khi không có tín hiệu điện thoại, sóng Wi-Fi, thả trôi mọi muộn phiền để tận hưởng những giây phút an lành. Đêm xuống, các bạn có thể nhìn thấy muôn vạn vì sao lấp lánh và cả Ngân Hà vì nơi đây không bị ô nhiễm ánh sáng.
Ngày thứ bảy, thức dậy từ sớm, chúng tôi dạo ven hồ, ngắm nhìn sương giăng trên mặt hồ rộng lớn dưới cái lạnh buốt. Đứng trước khung cảnh bình yên, hùng vĩ, chúng tôi lặng đi cảm nhận khung cảnh đẹp như tranh vẽ trước khi di chuyển sang phim trường nơi quay bộ phim 3 chàng ngốc nổi tiếng sau đó quay trở lại Leh. Để về đến Leh, chúng tôi phải vượt qua đèo Chang La cao gần 4.500 m phủ đầy tuyết trắng.
Những con đường ngập tràn tuyết trắng khiến cả nhón quyết định thuê ôtô. |
Sau bao ngày thấm lạnh khiến chúng tôi cảm giác Leh trở nên ấm lạ thường. Ghé quán Chopstick noodles gần chợ, chúng tôi thưởng thức một bữa ăn ngon miệng sau bao ngày ăn món Ấn Độ.
Đồ ăn Ấn Độ vốn nổi tiếng nặng mùi và khá khó ăn do sử dụng cà ri, hành và nhiều loại gia vị khác. Riêng món momo, một loại bánh bao chủ yếu phổ biến ở Nepal, Tây Tạng và các vùng của Ấn Độ và cơm chiên ăn cũng khá ổn. Có lẽ thứ tôi thích nhất ở đây đó là trà sữa. Đi đến đâu các bạn cũng có thể mua được trà sữa Ấn, chúng có độ béo vừa, đậm vị và rất thơm ngon.
Ngày thứ tám, chúng tôi bay chuyến sớm nhất từ Leh về New Delhi để dành trọn một ngày khám phá thủ đô Ấn Độ. Sau khi gửi hành lý tại sân bay, cả nhóm đã mua vé metro để đi tour khám phá thành phố.
Nơi đây rất nóng, dưới cái nắng gay gắt, tôi cũng các bạn cũng đã kéo nhau ghé thăm India Gate, giếng bậc thang cổ Agrasen Ki Baoli, chợ Khan, khu lăng mộ Humayun và cuối cùng lên tàu về lại sân bay để di chuyển sang T3 của sân bay Gandhi để về lại TP.HCM, kết thúc chuyến hành trình khám phá "tiểu Tây Tạng" đầy thú vị.
Hành trình tiết kiệm đồng nghĩa sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Các địa điểm du lịch ở Ladakh đều nằm ở độ cao trên 3.500 m, thậm chí lên đến hơn 5.000 m so với mực nước biển. Vì vậy, 2 ngày trước khi khởi hành chúng tôi đã uống thuốc chống say độ cao và liên tục bổ sung mỗi ngày trong suốt chuyển đi.
Ngoài ra, tôi còn thuê thêm bình oxy cho 6 người để phòng trường hợp các thành viên có thể bị say độ cao. Trên hành trình, từng thành viên tập trung lắng nghe cơ thể, tránh hoạt động quá sức để giữ gìn khoẻ tốt nhất, trải nghiệm được nhiều hơn.
Chuyến đi của chúng tôi có giá chỉ khoảng 17 triệu đồng/người, rất tiết kiệm so với những người từng khám phá Ladakh, chủ yếu do mua được vé máy bay đúng thời điểm nên có giá khá tốt.
Chặng TP.HCM - New Delhi: Tôi đặt vé khứ hồi giá 3,5 triệu đồng/người, mua thêm hành lý nhóm chia ra khoảng 500.000 đồng/người.
Chặng New Delhi - Leh: Vé nội địa Ấn Độ theo tôi nên để gần tới ngày đi hãy đặt vì đặt càng sớm, giá càng cao. Nhóm tôi đặt vé trước một tháng với giá vé khứ hồi 4,5 triệu đồng/người. Trước đó mấy tháng, giá vé rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng/người.
Chúng tôi tự xin e-visa Ấn Độ theo hướng dẫn chi tiết của travel blogger, visa Ấn khá dễ nộp và dễ đậu. Phí xin visa tháng 4-6 khoảng 10 USD, thời gian còn lại là 25 USD.
Với chi phí khoảng 17 triệu đồng/người, chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm Ladakh rất đáng nhớ cùng nhau. |
Khi đặt chân đến Leh, chúng tôi dành thời gian tìm kiếm và may mắn tìm được anh tài xế tên Arif Khan rất nhiệt tình, lịch sự, dễ thương. Tôi đặt hành trình 4 ngày 3 đêm cho 6 người giá khoảng 1,9 triệu đồng/người, bao gồm giấy phép đến các địa điểm và bình oxy. Sau chuyến đi, nhóm đã tips thêm 1,3 triệu đồng cho anh ấy vì đã giúp chúng tôi hoàn thành chuyến đi an toàn, trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Ladakh khá cao nên có không khí loãng và thời tiết rất khắc nghiệt. Chúng tôi đã chuẩn bị đồ đông gồm quần áo giữ nhiệt, miếng dán giữ nhiệt, mũ, vớ, găng tay... từ Việt Nam mang sang.
Bên cạnh đó, tôi còn chuẩn bị đồ ăn Việt Nam để ăn sáng bao gồm mì tôm, cá khô chiên tiên tỏi ớt, xúc xích, lạp xưởng, các gói canh rau, soup, rau củ khô, tôm khô, măng, cải chua... Các buổi còn lại nhóm sẽ ăn dọc đường. Đồ ăn nơi đây không quá khó ăn, các bạn có thể gọi món momo, cơm chiên ít gia vị để dễ ăn hơn.
Trong 2 ngày ở Leh, chúng tôi đặt phòng dorm tại Karma Lodge với giá 660.000 đồng/ngày/6 người. 2 ngày ở Hunder và Nubra chúng tôi ở Himalayan Regal House với giá 500.000 đồng/ngày/2 người. Tại Pagong chúng tôi ở khách sạn ven hồ với giá 610.000 đồng/ngày/2 người.
Sau 8 ngày 7 đêm, chúng tôi chi khoảng 17 triệu đồng/người cho những trải nghiệm khó quên tại vùng đất Ladakh tuyệt đẹp này.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch