Tôi đến sông băng hàng triệu năm tuổi ở Tây Tạng

Tôi dành khoảng 48-50 triệu đồng cho chuyến đi 8 ngày 7 đêm đến Tây Tạng. Nếu đi vào mùa cao điểm xuân hoặc hè, chi phí có thể cao hơn.

Không cần đến Iceland, Nam Cực hay Bắc Cực, vùng đất Tây Tạng sở hữu một hệ thống sông băng tuyệt đẹp mang đến trải nghiệm đáng nhớ.

Nép mình bên dãy Himalaya linh thiêng, vùng đất Tây Tạng (Trung Quốc) nổi tiếng với nền văn hóa - lịch sử lâu đời, đậm đà bản sắc, cùng những cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục.

Trong hành trình khám phá Tây Tạng vào giữa tháng 12, ngoài những điểm đến phổ biến như cung điện Potala, hồ Basom Tso, tôi còn có dịp tham quan Lai Cổ Băng Xuyên - nơi có động băng vĩnh cửu hàng triệu năm tuổi với hình thù kỳ bí tạo nên vẻ đẹp siêu thực.

Tôi là Huỳnh Quốc Trường, một người đam mê khám phá, hiện sống ở TP.HCM. Lần đầu đặt chân đến Tây Tạng, tôi đã dành 6 ngày để tìm hiểu vùng đất cao nguyên hiểm trở này. Mỗi khoảnh khắc tại đây đều mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cùng nhiều cung bậc cảm xúc khó quên.

Thế giới siêu thực giữa dòng sông băng

Sau một ngày di chuyển từ Việt Nam đến huyện Ba Mật, thành phố Lâm Chi, Tây Tạng, tôi nghỉ qua đêm và chuẩn bị khám phá Lai Cổ Băng Xuyên - điểm đến được kỳ vọng nhất trong hành trình. Từ Ba Mật, tôi mất hơn 4 tiếng đồng hồ vượt 143 km đường núi khó khăn, hiểm trở để đến sông băng.

Nằm ở phía bắc hồ Ranwu, huyện Basu, địa khu Qamdo, Lai Cổ Băng Xuyên (hay còn gọi là sông băng Lai Cổ) là hệ thống gồm 6 sông băng gồm Mỹ Tây (美西), Á Long (亞隆), Nhược Kiều (若驕), Đông Ga (東嘎), Hùng Gia (雄加), và Ngưu Mã (牛馬). Cụm sông băng này được đặt theo tên của làng Lai Cổ (Laigu), nghĩa là "ngôi làng ẩn dưới những rặng tuyết sơn". Chỉ có khoảng 5 tiếng tham quan ở đây, tôi được hướng dẫn viên (HDV) bản địa gợi ý khám phá Lam Băng Hồ và sông băng Mỹ Tây.

Từ cổng làng, tôi thuê xe địa hình vượt qua các con đường đá gập ghềnh, dằn xóc. Đặt chân đến sông băng Mỹ Tây, tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp của động băng vĩnh cửu hàng triệu năm tuổi, sâu hun hút. Những bức tường băng trong veo có màu xanh lam pha ánh xanh lục, khi thì ánh vàng,... tùy vào ánh mặt trời chiếu rọi.

Trước đây tôi cứ ngỡ những khung cảnh này chỉ có trong phim hoặc do công nghệ mô phỏng hình ảnh tạo ra. Đến khi được tận tay chạm tay vào những khối băng lạnh giá đã trải qua hàng triệu năm lịch sử, tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Mỗi bước chân trên sông băng đều là một khám phá mới, một trải nghiệm khó quên.

Để khám phá Lam Băng Hồ, tôi chọn cưỡi ngựa nhằm hạn chế di chuyển nhiều và giảm nguy cơ say độ cao. Vào mùa đông, mặt hồ đóng băng, tạo điều kiện để tôi đi sâu vào các hốc đá và ngắm nhìn những tảng băng xanh dương lấp lánh. Từ tháng 3, băng trên mặt hồ sẽ tan, khi đó du khách chỉ có thể đứng nhìn những tảng băng trên cao.

Qua trò chuyện, tôi cảm nhận được nỗi lo âu của người dân làng Lai Cổ trước sự tan chảy nhanh chóng của băng tuyết dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Vùng đất đậm đà bản sắc

Rời sông băng, tôi tiếp tục hành trình đến 2 tiểu trấn Lỗ Lãng Tiểu Trấn (Lulang Xiaozhen) và Lỗ Lãng Lâm Hải (Lulang Linhai) nằm cạnh các ngọn núi Sejila và Namcha Barwa. Tại đây, tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của những dãy núi tuyết trùng điệp nối dài đến tận chân trời. Đặc biệt, khoảnh khắc nhật chiếu kim sơn - ánh bình minh hay hoàng hôn nhuộm vàng các đỉnh núi tuyết tạo nên khung cảnh đẹp ngoạn mục, để lại trong tôi những ký ức khó quên.

Hành trình còn đưa tôi đến hồ Ba Tùng (Basom Tso) nằm ở độ cao 3.538 m, được hình thành nhờ sự hội tụ của nước băng tan từ những ngọn núi quyết xung quanh. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu hình ảnh của những ngọn núi xung quanh. Khung cảnh yên bình nơi đây khiến tôi liên tưởng đến những bức tranh thủy mặc với những đường nét mềm mại, thanh thoát. Tản bộ quanh hồ, tôi thả mình vào sự tĩnh lặng và tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, lấp đầy lồng ngực bởi bầu không khí trong lành.

Ngày cuối, tôi khám phá thành phố Lhasa linh thiêng - trái tim của Tây Tạng. Trong đó, cung điện Potala nguy nga với 13 tầng, một trong những công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới, đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Mỗi góc nhỏ của cung điện đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử và văn hóa lâu đời. Lần lượt đặt chân đến từng tầng, tôi học hỏi thêm nhiều điều về Phật giáo nguyên thủy qua lời kể của hướng dẫn viên.

Dạo bước trên những con phố, quảng trường, tôi được hòa mình vào cuộc sống thường ngày, yên bình của người dân Tây Tạng.

Không chỉ gây ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, Tây Tạng còn ghi dấu trong tôi qua những món ăn đặc trưng, như lẩu gà thố đá - món ăn bổ dưỡng với gà hầm cùng rau củ và nấm tạo nên nước dùng thanh ngọt, trọn vị. Bên cạnh đó, bầu trời đêm với hàng nghìn vì sao lấp lánh cũng là một khung cảnh lung linh, huyền diệu không thể quên.

Du lich Tay Tang anh 13

Cung điện Potala với 13 tầng nguy nga soi bóng bên hồ.

Chuyến đi 8 ngày 7 đêm có chi phí khoảng 48-50 triệu đồng, nếu du khách đi vào mùa cao điểm xuân hoặc hè, chi phí có thể cao hơn.

Một lời khuyên nhỏ dành cho các bạn có ý định đến Tây Tạng, hãy ưu tiên lưu trú tại những khách sạn đạt chuẩn quốc tế, nơi có trang bị hệ thống sưởi và bổ sung oxy trong không khí để khách đảm bảo sức khỏe khi thích nghi với điều kiện cao nguyên, nhanh chóng phục hồi năng lượng sau ngày dài khám phá.

Do Tây Tạng chưa cho phép du lịch tự túc, du khách nên mua landtour bản địa hoặc tour của các công ty uy tín tại Việt Nam để được hỗ trợ thủ tục.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch