Ngày 12-7, Sở Du lịch TP HCM đã công bố Lễ hội Sông nước thành phố lần đầu tiên được tổ chức, nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng hóa các sự kiện, lễ hội phục vụ người dân và du khách.
Sản phẩm du lịch độc đáo "chưa từng có"
Lễ hội Sông nước TP HCM lần thứ nhất năm 2023 do UBND thành phố chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể Thao cùng các sở, ngành triển khai, sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 tại nhiều điểm trên địa bàn từ cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, Công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết Lễ hội Sông nước TP HCM là chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá và đa dạng các hoạt động hưởng ứng khác. Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật lễ hội sông nước với chủ đề "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện" vào tối 6-8, tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP HCM trải dài theo không gian và thời gian sẽ được kể trong 5 chương nghệ thuật với sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian... "Lấy văn hóa - lịch sử làm điểm khởi đầu, lễ hội sông nước cùng chương trình nghệ thuật thực cảnh sông nước sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo chưa từng có, xứng tầm tại TP HCM, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch TP HCM trên bản đồ điểm đến của du khách quốc tế. Chúng tôi mong muốn lễ hội sông nước sẽ trở thành một phần trong đề án phát triển đô thị thành phố" - bà Ánh Hoa kỳ vọng.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp và chuyên gia du lịch, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (buýt đường sông), cho biết ông rất tâm đắc với "câu chuyện của dòng sông" từ Lễ hội Sông nước TP HCM lần đầu tiên sẽ tổ chức. Bởi giá trị Sài Gòn 300 năm trên bến dưới thuyền vẫn còn nguyên vẹn và trở thành điểm nhận biết với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Việc tôn vinh giá trị sông nước, phát triển du lịch đường sông là việc phải làm.
Từ lễ hội sông nước, du lịch TP HCM sẽ tiếp tục khai thác những sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sông của thành phố và kết hợp với các khu vực lân cận như TP Vũng Tàu, ĐBSCL… để tạo nên những tour, tuyến, sản phẩm hấp dẫn, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông bước.
TP HCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch sông nước để thu hút du khách nhiều hơn Ảnh: Hoàng Triều
Định vị lễ hội thành sản phẩm du lịch
Là đơn vị đã, đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch đường sông, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, cho biết điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch đường sông của TP HCM là rất lớn. Thái Lan, Myanmar… đều đang khai thác lợi thế đường sông vốn có để xây dựng sản phẩm du lịch đón khách. "Du lịch đường sông của thành phố đang được khai thác với một số sản phẩm, như TSTtourist có sản phẩm chính kết nối tour từ khu vực trung tâm, bến Bạch Đằng đi TP Thủ Đức hoặc tour du thuyền theo nhu cầu của khách… Nay, với lễ hội sông nước lần đầu tổ chức sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch đường sông, điểm đến TP HCM. Về lâu dài, cần xây dựng thành lễ hội định kỳ, tổ chức thường niên cố định ở một thời điểm nhất định với những sản phẩm độc đáo, khác biệt, có điểm nhấn" - ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG, cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái tác động mạnh tới xuất nhập khẩu, đầu tư…, kinh tế Việt Nam, trong đó có TP HCM, cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, thành phố vẫn có những lợi thế cần được phát huy để tạo cú hích cho kinh tế là du lịch, thương mại - dịch vụ. Do đó, việc tổ chức lễ hội sông nước góp phần quảng bá, thúc đẩy hơn nữa du lịch đường sông để khai thác thế mạnh của thành phố là hướng đi đúng đắn.
Trong nhiều lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cũng là đơn vị khai thác tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nói rằng du lịch đường sông của TP HCM rất độc đáo, khác biệt và hiếm có thành phố nào có bến sông nằm ngay vị trí trung tâm thành phố như bến Bạch Đằng hay dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy xuyên qua khu vực trung tâm. TP HCM cũng là trung tâm trung chuyển về giao thông đường thủy để khách quốc tế đi tiếp về ĐBSCL rồi tới Campuchia, Thái Lan... "Khó khăn hiện nay là du lịch đường sông đang thiếu sự quy hoạch bài bản và đồng bộ nên chưa thật sự khai thác hết tiềm năng. Nhiều DN sẵn sàng đóng thuyền, đóng tàu phát triển du lịch nhưng thành phố đang thiếu quy hoạch bến bãi, ngay bến tàu Bạch Đằng cũng chỉ là tạm thời" - ông Xuân Anh nói.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cho biết đã phối hợp các sở, ngành liên quan kiến nghị UBND thành phố những giải pháp liên quan các bến tàu, cảng phục vụ du lịch; vị trí neo đậu tàu; quy hoạch bến thủy nội địa và về cơ chế, chính sách… để thúc đẩy du lịch đường sông. Sở Du lịch thành phố cũng đang phối hợp, hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng các đề án đầu tư sản phẩm du lịch đường thủy có lưu trú qua đêm, sản phẩm trải nghiệm và thể thao trên mặt nước tại huyện Cần Giờ. Khi đề án phát triển kinh tế kè và bờ sông được phê duyệt, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy hình thành.
Phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ
Cùng ngày, tại hội thảo khoa học "Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại huyện Cần Giờ đến năm 2030" do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và UBND huyện Cần Giờ tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần cơ chế, chính sách để thúc đẩy du lịch nơi đây xứng tầm.
TS Phan Thụy Kiều, Trưởng nhóm nghiên cứu đề án Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030, cho biết quan trọng nhất của đề án này là làm sao phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách đến và đưa hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP, mua sản phẩm OCOP về làm quà của du khách.