TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông

Đến năm 2025, các sản phẩm du lịch đường thủy phải tạo sự khác biệt, đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch hàng đầu của khu vực...

Đó là một trong những mục tiêu tại Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP HCM giai đoạn 2023-2025 do UBND TP HCM vừa ban hành. Sau sự kiện Lễ hội sông nước lần thứ nhất với điểm nhấn là đêm nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" thu hút sự quan tâm lớn của người dân, du khách, ngành du lịch thành phố đang có lợi thế rất lớn để tạo đột phá với du lịch đường thủy.

"Thừa thắng xông lên"

Nhà ở bên kia sông Sài Gòn, công ty ở quận 1 nên mỗi ngày đi làm về chị Cẩm Hương (TP Thủ Đức) đều đi ngang qua khu vực đường Tôn Đức Thắng lên cầu Ba Son. Mỗi chiều như vậy, chị Hương đã hình thành thói quen dừng lại một chút trên cầu để ngắm sông Sài Gòn tuyệt đẹp dưới ánh hoàng hôn, nhìn tàu thuyền qua lại. 

"Cuối tuần, tôi cũng thỉnh thoảng cho các con đi buýt đường sông trạm từ bến tàu thủy Bình An, TP Thủ Đức xuống tới Thanh Đa rồi vòng về hoặc quay ngược lên bến tàu thủy Bạch Đằng để vào trung tâm thành phố. Tôi thấy tiềm năng du lịch sông nước của thành phố rất lớn" - chị Cẩm Hương nói.

TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 1.

Các hoạt động tại Lễ hội sông nước lần đầu tiên đã tạo ấn tượng đẹp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Minh chứng cho điều này, tại Lễ hội sông nước lần đầu tiên diễn ra ở TP HCM đã thu hút sự chú ý rất lớn của người dân thành phố và du khách tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng, phong phú diễn ra đồng loạt tại các địa điểm men theo triền sông qua cảng Sài Gòn, đến Công viên bến Bạch Đằng; trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ, Bến Bình Đông và nhiều khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn. Người dân và du khách được hòa mình các hoạt động "Trên bến dưới thuyền", xem đua thuyền, ngắm tàu thuyền trên sông, dù lượn, biểu diễn flyboard trên sông…

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (chủ đầu tư Saigon Water Bus), cho hay các doanh nghiệp (DN) đánh giá cao câu chuyện sông nước được đưa thành câu chuyện lớn của TP HCM để phát triển du lịch, nhất là giá trị 300 năm "trên bến dưới thuyền" của Sài Gòn - TP HCM. Muốn phát triển du lịch phải chú trọng tính nhận biết - yếu tố tạo sự bền vững trong tâm thức của du khách, họ đến, yêu thương và ghi nhớ thì chắc chắn sẽ quay trở lại.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết Lễ hội sông nước lần thứ nhất là hoạt động nhằm phát huy tiềm năng vốn có, khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, những biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của thành phố, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc.

Tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sông nước của TP HCM là rất lớn nhưng thời gian qua thu hút du khách và khai thác sản phẩm chưa xứng tiềm năng. Vì vậy, tại Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2023-2025, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy sẽ được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy. Khai thác các chương trình du lịch kết nối từ cảng biển với những tuyến đường sông.

TP HCM cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể về số lượng khách du lịch đường thủy, khách quốc tế đến bằng đường tàu biển, số lượng phương tiện tàu, thuyền, du lịch các loại và doanh thu từ loại hình du lịch này. 

Đáng chú ý, Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 sẽ phấn đấu phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, thỏa mãn nhu cầu giải trí, thưởng thức những giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa. 

Đồng thời, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch đường thủy, từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch hàng đầu của cả khu vực, khẳng định vị trí, thế mạnh về sông nước của TP HCM.

Tạo thương hiệu riêng

Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thủy TP HCM giai đoạn 2023-2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng những sản phẩm đường thủy hiện có. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, cho hay trong tổng số trên 10 sản phẩm tour nội đô và liên tuyến quận - huyện tại TP HCM, công ty đang có các sản phẩm gắn với du lịch đường sông nói chung như tour du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn; tour trải nghiệm thành phố xanh Thủ Đức; trải nghiệm du lịch đường sông ở khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…

Đón khách tàu biển cũng là một trong những lợi thế lớn của du lịch TP HCM thời gian qua. Chỉ tính riêng Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, từ đầu năm đến nay đã đón hàng loạt đoàn quốc tế đến TP HCM nói riêng và cả nước bằng đường tàu biển mang theo hàng chục ngàn lượt khách quốc tế tham gia hành trình xuyên Việt dài ngày, khám phá các điểm đến đặc sắc tại Việt Nam. 

Dù vậy, ngành du lịch thành phố vẫn chưa có nhiều dịch vụ bổ sung gần khu vực các bến tàu để thu hút khách tham quan, mua sắm nhằm tăng chi tiêu của khách quốc tế. Khách tàu biển phần lớn đến thành phố tham quan city tour hoặc từ TP HCM đi Cần Thơ, chưa lưu trú dài ngày. Nay với Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP HCM giai đoạn 2023-2030 sẽ cải thiện sản phẩm du lịch, đầu tư thêm dịch vụ hỗ trợ du khách để tăng khả năng chi tiêu…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN đánh giá sự kiện Lễ hội sông nước lần đầu tiên được tổ chức là hướng tiếp cận mang giá trị văn hóa, khai thác được ưu thế tự nhiên và giá trị lịch sử của những dòng sông, con kênh (kể cả kênh tự nhiên, kênh đào) là nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm du lịch thú vị. 

Đồng thời, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thủy - bộ kết hợp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố. Du lịch sẽ góp phần trong việc thay đổi hiện trạng, hồi sinh những dòng sông, con kênh đang bị ô nhiễm, từng góp phần làm nên cảng thị giao thương quốc tế phồn vinh... 

TP HCM đã giao các sở, ban ngành nghiên cứu để phát triển Bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm đi và đến của các tuyến du lịch đường thủy; kết hợp với công viên Bạch Đằng hình thành những chợ phiên, khu ẩm thực, mua sắm; nơi tổ chức sự kiện văn hóa, quảng bá du lịch, có không gian tiểu cảnh Bến Bạch Đằng xưa và nay tạo bức tranh sôi động...
TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 3.
TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 4.
TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 5.
TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 6.
TP HCM khai thác du lịch ở tất cả các tuyến sông - Ảnh 7.