Cưỡi voi, tắm cho voi là hoạt động phổ biến khi du khách đến thăm Bali, Indonesia. Ảnh: Dave Smith. |
Năm 2023, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) tiến hành một chiến dịch kiểm tra bí mật các sở thú tại Bali, Indonesia. Sau khi quan sát các hoạt động dành cho du khách như tắm và cưỡi voi, chụp ảnh với đười ươi hay bơi cùng cá heo, họ mô tả cuộc sống của những động vật tại đây là "tàn nhẫn".
Suzanne Milthorpe, người đứng đầu chiến dịch nêu trên, nói trong một thông cáo báo chí: "Bali là thiên đường đối với khách du lịch, nhưng là địa ngục giam cầm hơn 1.000 loài động vật hoang dã. Nhiều loài động vật tại đây bị giam nhốt trong điều kiệu thiếu thốn đáng kinh ngạc".
Tom Taylor, Giám đốc dự án Wildlife Friends Foundation Thái Lan, cũng cho biết: "Voi là động vật to lớn và có sức mạnh, nhưng lưng của chúng không thể chịu được trọng lượng lớn. Có những con voi bị biến dạng cột sống do phải chở du khách suốt 25 năm. Áp lực liên tục lên xương sống khiến cơ thể chúng không thể phục hồi".
Tuy nhiên, theo SCMP, mặc những chỉ trích từ các nhà bảo vệ động vật, các công viên voi tại Bali vẫn thu hút đông đảo khách du lịch. Trong số hơn 6.000 đánh giá về Vườn thú Bali (Bali Zoo), 86% người dùng nhận xét ở mức "xuất sắc" hoặc "rất tốt".
Một du khách cưỡi voi tại Công viên Mason, Bali, Indonesia. Ảnh: Dave Smith. |
Trong khi đó, công viên và thủy cung Bali Safari and Marine Park đạt 4,5/5 sao trên Google dựa trên hơn 20.000 đánh giá. Công viên voi Mason Elephant Park and Lodge cũng đạt 4/5 sao trên cả Google và TripAdvisor (nền tảng du lịch lớn nhất thế giới với 463 triệu lượt người dùng mỗi tháng).
Chỉ riêng sở thú Tasta là trường hợp duy nhất xếp hạng trung bình 3,6 sao.
Xích chân
SCMP tìm đến 2/4 công viên voi tại Bali nhằm quan sát cuộc sống thực tế của loài voi phục vụ du lịch trên đảo.
Đầu tiên là Công viên Động vật hoang dã Tasta. Vườn thú này nằm trên ngọn đồi ở trung tâm Bali, lối đi bộ rộng rãi, khu chuồng nuôi các loài chim nhiệt đới và những con đười ươi được đánh giá khá lớn, sạch sẽ.
Phía sau công viên là nơi nuôi giữ 2 con voi trưởng thành, chân buộc dây xích trên nền bê tông dù có nhân viên trông coi. Du khách có thể chụp ảnh hoặc trả tiền để cưỡi voi. Những con voi này chỉ có thể di chuyển bước ngắn vì chân bị xích.
Một con voi con bị xích xuống đất tại Công viên hoang dã Tasta Bali, Indonesia. Ảnh: Dave Smith. |
Trả lời SCMP trước những hình ảnh về voi bị xích được ghi nhận tại Tasta, ông Muhammad Tauhid, Giám đốc thú y của Yayasan Action Indonesia, cho biết: "Không cần phải xích voi khi có người trông coi, điều đó không tốt cho tâm lý của chúng. Chuyển động lặp đi lặp lại của voi mà tôi thấy trong video bạn gửi là dấu hiệu cho thấy chúng đang bị căng thẳng".
"Móng voi sẽ tổn thương nếu chúng liên tục đứng trên bê tông. Móng sẽ bị nứt, nghiêm trọng hơn nếu tình trạng viêm nhiễm xảy ra. Vườn thú nên tạo chỗ đứng êm ái hơn cho những con voi", ông nói thêm.
Phản hồi lại hình ảnh này, người phát ngôn của Tasta cho biết: "Có những lúc voi của chúng tôi được tự do hoạt động và không bị xích. Thông thường, nếu con voi bị xích là do không có người trông coi ở đó". Tuy nhiên, họ không cho biết trung bình mỗi ngày voi được cởi trói bao nhiêu giờ.
Khách du lịch tại Công viên hoang dã Tasta chụp ảnh cùng một con voi bị xích. Ảnh: Dave Smith. |
Voi cần được cưỡi?
Trong khi đó, Mason Elephant Park and Lodge (cách Ubud khoảng nửa giờ lái xe) là nơi sinh sống của 26 con voi, 6 trong số đó được sinh tại đây, 20 con còn lại đều đến từ Way Kambas - khu bảo tồn do nhà nước quản lý trên đảo Sumatra của Indonesia, nơi có voi hoang dã.
Mason là công viên duy nhất ở Indonesia được Asian Captive Elephant Standards (ACES - trang web của cơ quan phi chính phủ về quản lý voi, có trụ sở tại Thái Lan) chứng nhận là trung tâm cứu hộ voi, nơi các thành viên phải đạt điểm tuyệt đối trong danh sách 190 tiêu chí bao gồm quản lý động vật, chăm sóc thú y và phúc lợi.
Công viên có chính sách xử lý nghiêm khắc đối với việc huấn luyện và kiểm soát voi sai phạm. Năm 2022, Masonsa thải một nhân viên sau khi nhận được báo cáo của du khách về việc nhìn thấy người này dùng gỗ đập vào đầu voi.
Mason còn lát đá sa thạch và rải cát để không ảnh hưởng đến bàn chân và ngón chân nhạy cảm của voi.
Nigel Mason, người sáng lập Mason Elephant Park and Lodge, Bali. Ảnh: Dave Smith. |
Tuy nhiên, Femke den Haas - bác sĩ phẫu thuật thú y người Hà Lan, người đã làm việc ở tuyến đầu bảo vệ động vật ở Indonesia trong hơn 20 năm cho biết Công viên voi Mason chỉ là "nơi tốt nhất trong số những nơi tồi tệ".
"Mason chăm sóc động vật tốt nhất so với tất cả các công viên khác, nhưng những con voi vẫn bị người dân cưỡi hàng ngày và phải chụp ảnh với khách du lịch. Tôi mơ ước có một công viên ở Bali, nơi những chú voi có thể tự do dạo chơi trong chuồng và mọi người có thể đến tìm hiểu về chúng mà không cần phải cưỡi, bế hay tắm cho chúng", cô nói.
Trong khi đó, Nigel Mason, người sáng lập Công viên Mason cho rằng: "Voi không phải là sinh vật thích yên tĩnh. Chúng thích được tham gia hoạt động không chỉ với đồng loại mà còn với con người".
"Nhân loại có lịch sử 5.000 năm cùng sống với loài voi. Một con voi không muốn đứng cả ngày mà không làm gì cả", Nigel Mason nói thêm và đề cấp đến thực tế những con voi nuôi nhốt chỉ đơn giản là không thể đi lang thang trên 20 km mỗi ngày để tìm thức ăn, như chúng vẫn làm trong tự nhiên.
"Nếu không được hoạt động, voi sẽ căng thẳng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thể chất, chân voi sẽ bị thối rữa, không thể đứng dậy được nữa và phải chết. Đó là lý do tại sao chúng tôi cưỡi voi", Nigel Mason cho biết.
Thậm chí, Mason cũng tuyên bố bức ảnh chụp con voi bị cong cột sống được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội vào năm 2007 là một "thuyết âm mưu".
"Con voi sinh ra đã bị dị tật cột sống, nhưng đáng tiếc có một số người lại không tin điều đó. Chúng tôi đã cưỡi voi suốt 27 năm và chưa bao giờ thấy chúng gặp vấn đề gì về cột sống", ông nói.
Một con voi bị xích được sử dụng làm điểm thu hút khách du lịch ở Ubud, Indonesia. Ảnh: Shutterstock. |
Tauhid của Yayasan Action Indonesia cũng nhận định điều tương tự.
"Tôi từng làm việc tại các trại voi ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Indonesia, nơi họ cưỡi voi và tôi chưa bao giờ thấy một con voi nào có cột sống cong như vậy. Tôi không biết bức ảnh này là thật hay giả nhưng nếu là thật thì chỉ có 1/1.000 thôi", ông cho hay.
Một bài đăng hồi tháng 3 trên trang ACES thông tin: "Trong điều kiện nuôi nhốt, voi có thể đi bộ quãng đường dài để kiếm thức ăn và nước uống, việc tập thể dục hàng ngày trở nên tối quan trọng".
Bài viết cũng tuyên bố: "Trên thực tế, trong một nghiên cứu liên quan của Norkaew và cộng sự vào năm 2018, người ta đã phát hiện ra rằng tập thể dục dưới hình thức cưỡi trên lưng có liên quan đến việc giảm hormone gây căng thẳng và cấu hình trao đổi chất lành mạnh hơn cho voi".
Về phía WAP, tổ chức này khẳng định không đánh giá cao quan điểm của Mason về việc cưỡi voi là cách giúp chúng hoạt động.
Tiến sĩ Jan Schmidt-Burbach, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phúc lợi động vật (động vật hoang dã) của WAP cho rằng nhu cầu của các loài động vật hoang dã rất phức tạp.
"Trong một thế giới hoàn hảo, tất cả loài voi sẽ sống trong môi trường hoang dã. Nhưng trong thế giới thực, những chú voi không thể làm điều đó một cách an toàn. Vì vậy Mason cho rằng công viên được điều hành chuyên nghiệp là lựa chọn an toàn và có đạo đức nhất cho loài voi.
Còn về việc có nên cưỡi chúng hay không, tôi tin rằng điều đó phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Tôi chọn không làm vậy, nhưng không phải vì tôi tin rằng nó có hại.
Đứng gần một con voi, dùng tay vuốt ve làn da thô ráp của nó và thấy nó khỏe mạnh và vui vẻ. Đó là tất cả những gì mà tôi muốn trải nghiệm về đời sống hoang dã của loài động vật này", ông nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch