-
Trang chủ
-
Văn hóa
Văn chương Việt Nam không ngừng "xuất ngoại"
NXB Trẻ vừa phát hành 2 tựa sách "Have a good day" và "Crying in trees" từ 2 tác phẩm gốc là "Chúc một ngày tốt lành" và "Ngồi khóc trên cây" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Hai tựa sách trên được chuyển ngữ bởi Nhã Thuyên và Kaitlin Rees. Đây cũng là những dịch giả đã chuyển ngữ cuốn "I see yellow flowers in the green grass" (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) trước đây. Hai tác phẩm này sẽ được giới thiệu tại gian hàng NXB Trẻ tham dự Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) lần thứ 75.
Nhiều tác phẩm được mua bản quyền
Tác phẩm "I see yellow flowers in the green grass" phát hành vào năm 2018 tại
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có khá nhiều tác phẩm được mua bản quyền và xuất bản ở nước ngoài (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có khá nhiều tác phẩm được mua bản quyền và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ như: "Mắt biếc" (bản tiếng Nhật 2004), "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" (tiếng Thái 2011, tiếng Hàn 2013, tiếng Anh 2014, tiếng Nhật 2020), "Cô gái đến từ hôm qua" (được chọn đưa vào chương trình dạy tiếng Việt của ĐH Moskva M.V. Lomonosov 2012), "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (tiếng Nhật 2017, tiếng Anh 2018), "Đi qua hoa cúc" (tiếng Nhật 2020), "Tôi là Bêtô" (tiếng Hàn 2021).
Một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Anh
Trước đó, một số tác phẩm văn học Việt Nam cũng được dịch ra tiếng nước ngoài như "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần (bán bản quyền sang Hàn Quốc và Hungary) với bản dịch tiếng Anh có tên gọi "Open the window, eyes closed". Tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được dịch giả Ha Jae Hong (một nghiên cứu sinh về văn học Việt Nam) chuyển ngữ sang tiếng Hàn và được NXB Asia Publishers ấn hành tại Hàn Quốc.
Nổi bật nhất là bộ "Lịch sử Việt Nam bằng tranh" (ra mắt năm 1997) ra mắt phiên bản màu, tiếng Anh vào năm 2021. Các tựa sách đã phát hành như: "Born of Dragons and Fairies" (Con Rồng cháu Tiên), "The Trưng Sisters" (Hai Bà Trưng), "Ngô Quyền defeats the Southern Han Army" (Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán), "Emperor Lê Đại Hành" (Vua Lê Đại Hành), "The Dawn of Thăng Long" (Thăng Long buổi đầu), "Lý Thường Kiệt", "The Second Victory against the Mongols" (Chiến thắng quân Nguyên Mông lần 2), "The Lam Sơn uprising" (Lam Sơn dấy nghĩa)… Phiên bản màu tiếng Anh do cặp vợ chồng người Anh - Việt Patrick Barry và Mai Barry dịch. Bản chuyển ngữ theo phong cách kể chuyện, cố gắng vừa chuyển tải chính xác thông tin vừa phù hợp với cách nghĩ, cách nói của người Anh bản xứ.
Sự đồng cảm ở bạn đọc
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: "Những quyển sách được chuyển ngữ tiếng nước ngoài của tôi từ trước đến giờ đều do các NXB và dịch giả nước ngoài tự liên hệ. Nhưng với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì NXB Trẻ chủ động mọi thứ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và là nỗ lực hết sức đáng trân trọng".
Theo ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ - năm nay NXB Trẻ lần đầu tiên sẽ có gian hàng riêng tại Hội sách quốc tế Frankfurt lần thứ 75. Hai tựa sách tiếng Anh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát hành lần này sẽ góp phần làm phong phú hơn cho danh mục sách giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Theo đó, NXB sẽ giới thiệu với làng xuất bản thế giới những sách nổi bật của mình ở những đề tài như lịch sử, văn hóa, văn học…; đặc biệt là loạt tác phẩm được dịch sang tiếng Anh hay được bán bản quyền ở nhiều nước trên thế giới của những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy…
Theo đại diện NXB Trẻ - nơi thực hiện nhiều tác phẩm văn học Việt dịch ra tiếng nước ngoài - đơn vị đang rất nỗ lực trong việc chủ động dịch các tác phẩm Việt Nam sang tiếng Anh để giới thiệu ra thế giới, cho bạn đọc nước ngoài lẫn người Việt ở nước ngoài. Khi chọn tác phẩm để chuyển ngữ, các sách thuộc thể loại văn học luôn là lựa chọn hàng đầu, vì dễ gợi lên sự đồng cảm ở bạn đọc từ bất kỳ nền văn hóa nào.
Những người trong cuộc cho biết thực hiện những tác phẩm dịch không đơn giản, dịch sách khó và khổ hơn viết sách vì ngữ pháp tiếng Anh cũng như tiếng Việt, không phải bao giờ cũng thống nhất về các chi tiết như dấu câu, viết hoa, cách trình bày. Dịch giả Phan Thanh Hảo cho hay không thể nào dịch mà không có người bản ngữ biên tập lại. "Quyển của Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải được đưa vào triển lãm sách tại thư viện Trường Massachusetts hoặc đưa vào làm tài liệu học tập cho sinh viên Mỹ, nếu tôi dịch mà không có nhà văn Mỹ Wayne Karlin biên tập thì tôi cũng không tự tin" - bà nói.
Cũng có những cuốn sách sử dụng công nghệ để dịch nhưng tác phẩm sẽ không tạo nên nhiều hiệu ứng vì thiếu cảm xúc. Người trong giới khẳng định để dịch một bài thơ, một truyện ngắn ra tiếng Anh thì "nhiều người có thể dịch được" nhưng để độc giả Anh hay Mỹ đọc và hiểu tác phẩm thì không thể không có người bản ngữ có chuyên môn biên tập giúp.