Ngoài cung điện cổ kính, vua chúa ăn gì là điều được nhiều du khách muốn biết rõ nhất khi đến tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đến nay ẩm thực vẫn là chủ đề ít được nói đến nhất vì không có nhiều tư liệu nhắc tới, theo nhà sử học ẩm thực 76 tuổi người Hắc Long Giang Zhao Rongguang. Nhiều năm trước, Zhao đã đến Bắc Kinh để thực hiện sứ mệnh của mình: tìm hiểu xem vua chúa và giới hoàng tộc ăn gì.
Zhao đã kiên trì đi lại nhiều lần đến kho lưu trữ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc nằm ở Tây Hoa Môn hay cổng phía tây của Tử Cấm Thành vào những năm 1990. Sau gần 40 năm thu thập tư liệu, ông đã có một cái nhìn toàn cảnh về việc ăn uống của ba nhân vật lịch sử nổi tiếng: Khang Hy, Càn Long và Từ Hi.
Dưới triều Khang Hy, Trung Quốc bước vào thời kỳ thịnh vượng dẫn đến thay đổi đáng kể trong thực đơn. Dù hoàng gia bắt đầu áp dụng chế độ ăn kiêng nhưng vẫn có nhiều món nướng và đồ ăn lạ xuất hiện trên bàn như tinh hoàn hổ. Gà trống, vịt hầm cũng là món ăn khác được Khang Hy dùng nhiều.
"Văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu trong toàn bộ nền văn hóa bên trong Tử Cấm Thành", Daisy Yiyou Wang, Phó giám đốc Bảo tàng Cố cung Hong Kong, bảo tàng "chị em "của Bảo tàng Cố Cung nằm tại Tử Cấm Thành, cho biết.
Trong các vật trưng bày tại triển lãm Bảo tàng Cố cung Hong Kong, nhiều người chú ý đến một ấm trà sữa lớn bằng bạc có niên đại từ thế kỷ XVIII, bình rượu vàng lấp lánh chạm khắc mây và rồng cùng bát thủy tinh có những sợi chỉ vàng tinh xảo.
Ấm trà bạc có hình những con rồng mạ vàng cho thấy trà sữa, món ăn chính trong bữa ăn người Mãn Châu, là phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của triều đình nhà Thanh. Khi Càn Long đến Giang Nam (ngày nay là Hàng Châu và Thượng Hải), đã thuê một bậc thầy trà sữa từ Mông Cổ về để phục vụ.
Theo Nicole Chiang, nhà sử học nghệ thuật làm việc tại Bảo tàng Cố cung Hong Kong, Càn Long trước đây thường dùng trà sữa mặn và lẩu. Lẩu hầu như xuất hiện hàng ngày trong ba tháng mùa đông.
Theo Zhao, thực đơn sẽ được trình lên hoàng đế vào đêm hôm trước để phê duyệt. Các món ăn chỉ phản ánh một phần sở thích ăn uống của hoàng đế. Số còn lại là những món truyền thống, ăn theo mùa như lẩu. Zhao đánh giá cao ẩm thực thời Càn Long vì tinh tế, đa dạng như hươu sao nướng, gà lôi châu Á. Zhao nói đuôi hươu sao nhỏ nhưng béo ngậy và là phần rất "thơm ngon" của con vật. Ngoài ra, Càn Long còn dùng bữa với vịt om hun khói, măng non xào thịt lợn, súp yến chưng đường phèn.
Quý tộc Trung Quốc tin rằng súp tổ yến bổ dưỡng. Càn Long dùng món này vào mỗi buổi trước khi ăn sáng.
Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, Càn Long ăn hai bữa chính mỗi ngày. Bữa sáng diễn ra lúc 6h, bữa tối lúc 14h. Ngay sau khi thức dậy vào 4h, Càn Long sẽ ăn nhẹ một bát tổ yến. 20h, Càn Long sẽ uống thêm một bát súp yến. 21h, hoàng đế ăn thêm 8-10 món nhẹ và ăn một mình hoặc tới chỗ phi tần sẽ qua đêm.
Từ Hi Thái hậu là người thứ ba Zhao nghiên cứu về chế độ ăn uống. Các bữa ăn hàng ngày của bà tăng từ 18 đến 28 món. Các món ăn trong tiệc của Từ Hi gồm tổ yến, vây cá mập, hải sâm, sò điệp khô, môi cá, thịt lợn và vịt quay cùng hai đĩa lẩu, bốn bát lớn, bốn bát nhỏ, sáu đĩa thức ăn, hai đĩa lớn như vịt quay Bắc Kinh hoặc lợn quay, bốn loại bánh ngọt cùng bán bao, một món súp, một món trái cây.
Dù vậy, cả Zhao và các chuyên gia tại Bảo tàng Cố cung Hong Kong đều xác nhận bữa ăn bên trong Tử Cấm Thành không xa hoa như mọi người vẫn nghĩ. Daisy nói các hoàng đế lớn lên trong môi trường tính kỷ luật cao, chế độ ăn uống lành mạnh. Daisy cũng bác bỏ tin đồn có cả triệu món ăn trong các bữa yến tiệc.
Giải thích lý do nghiên cứu lịch sử ẩm thực, Zhao nói đây là cách để hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực của một quốc gia.
Anh Minh (Theo CNN)