Ngày 15-8, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) TP HCM đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo "Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chọn lọc những kiến thức tiên tiến
Tham dự hội nghị nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành, văn nghệ sĩ đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, gợi mở. TS Mỹ Liêm (Hội Âm nhạc TP HCM) nhắc lại: Vào thập niên 1950 - 1960 nước ta đã cử người sang các nước tiên tiến học về âm nhạc, từ đó mà có một đội ngũ nhạc công giỏi tham gia các dàn nhạc giao hưởng đạt chuẩn quốc tế. Kế hoạch này cần duy trì và chọn lựa những nhân tố giỏi của TP HCM để theo học, sau đó quay về góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến hiện đại cho TP HCM. "Sau khi học cần chọn lọc và chuyển những kiến thức đã học sao cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, chứ không thể "bê nguyên xi" những gì được học về áp dụng" - TS Mỹ Liêm bày tỏ.
Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” tại cảng Sài Gòn (ngày 6-8) là chương trình nghệ thuật thực cảnh đầu tiên của TP HCM, được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chuyên gia nhắc lại rằng ngành sân khấu đã từng cử nhiều đạo diễn trẻ sang nước ngoài học về ngành đạo diễn nhưng do ngoại ngữ hạn chế nên chương trình đào tạo này đã dở dang. "Ngay bây giờ cần chú trọng trang bị trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, có như vậy mới bảo đảm khả năng thành công cho những chuyến học tập ở nước ngoài" - nhiều chuyên gia nêu ý kiến.
GS-TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM - nhấn mạnh: "TP HCM là trung tâm văn hóa lớn, Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM cần có những kiến nghị cụ thể, đi vào mục tiêu với tầm chiến lược sâu, nhằm tham mưu để thành phố có những kế hoạch đầu tư kịp thời, nhất là đi vào mũi nhọn đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ văn nghệ sĩ có trình độ và tài năng".
TP HCM muốn là "thủ đô sách thế giới"
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, nhắc lại chủ trương của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM về việc đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho TP HCM đăng ký thực hiện kế hoạch sẽ trở thành "thủ đô sách của thế giới" trong thời gian tới.
"TP HCM đang hướng đến mục tiêu được công nhận danh hiệu là "thủ đô sách của thế giới". Muốn được như vậy ngay từ bây giờ thành phố phải có chiến lược đầu tư cho công tác quảng bá sách, đưa sách VHNT đến với người đọc một cách thiết thực, hiệu quả" - ông Lưu nhấn mạnh.
Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM) cho rằng bồi đắp tâm hồn con người Việt Nam bằng cách đọc sách trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay là rất cần thiết, vì những tác phẩm hay sẽ có sự tác động tích cực đến nhận thức văn hóa, lòng tự hào dân tộc, từ đó sẽ góp phần chấn hưng đất nước.
Nhà văn Bích Ngân phân tích: "Lâu nay các cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học dường như chỉ đi vào quần chúng, chỉ mới có tác phẩm tốt chứ chưa chú trọng và cũng chưa có nhiều tác phẩm hay. Đã đến lúc cần phải có những tác phẩm hay để tác động đến nhận thức văn hóa, lòng tự hào dân tộc. Những tác phẩm văn học thường phải đầu tư thời gian dài, có khi cả một đời người mới có tác phẩm hay. Do vậy, cần gấp rút vun bồi, chăm sóc đội ngũ sáng tác chất lượng cao từ đó mới cho ra thành quả tốt là những tác phẩm giá trị".
Các văn nghệ sĩ, các chuyên gia từ các hội chuyên ngành cũng đã đề xuất nhiều ý kiến như cần quan tâm đúng mức, đúng tầm đối với từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành như nghệ thuật, di sản, bảo tồn, sân khấu điện ảnh, văn học, âm nhạc... khắc phục những bất cập lâu nay và tạo được chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Khẩn trương xem xét lại quá trình bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị, tầm quan trọng của văn hóa để qua đó có những kế hoạch đầu tư phù hợp nhằm cho ra các tác phẩm VHNT hay, giá trị cho cộng đồng.