Bắt tay đưa du lịch Đông Nam Bộ bứt phá

Các địa phương Đông Nam Bộ đã chú trọng liên kết phát triển du lịch qua hàng loạt văn bản ký kết. Thế nhưng, sự hợp tác trong phát triển du lịch vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng

Vùng Đông Nam Bộ có đường bờ biển dài 350 km và nhiều bãi tắm đẹp như Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo, Cần Giờ... Khu vực này còn nhiều tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, khu rừng ngập mặn, cảnh quan núi và hệ sinh thái sông, hồ.

Chờ "cú hích" trong liên kết du lịch

Trước những lợi thế này, TP HCM khởi xướng, kết nối với 5 tỉnh trong vùng - gồm: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước - và ký kết "Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025". Hằng năm, hội nghị sơ kết được luân phiên tổ chức tại một tỉnh, thành trong khu vực nhằm đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh, bổ sung kịp thời nội dung hợp tác.

Tây Ninh là địa phương mới nổi trong bản đồ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, cho hay chỉ tính 9 tháng đầu năm 2023, địa phương này đã thu hút khoảng 4,5 triệu lượt khách tham quan với tổng doanh thu du lịch gần chạm mốc 1.800 tỉ đồng.

Bắt tay đưa du lịch Đông Nam Bộ bứt phá - Ảnh 1.

Khu Di tích Lịch sử Văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen đón trên 4 triệu khách mỗi năm

Tây Ninh xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, Khu Di tích Lịch sử Văn hóa - Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen sẽ là trọng điểm đầu tư, tạo động lực lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Tổng lượng khách du lịch đến Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2022 đạt trên 73,53 triệu lượt, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu 260.160 tỉ đồng.

Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh đặc biệt ưu tiên xã hội hóa tối đa để đầu tư phát triển du lịch cũng như ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sức hút đầu tư. Tuy nhiên, để du lịch Bình Phước "cất cánh" trong tổng thể phát triển chung của vùng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

"Chúng tôi tiếp tục đề xuất Trung ương và chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo "cú hích" đồng bộ trong liên kết phát triển du lịch vùng" - bà Hiền nhấn mạnh.

Phát triển du lịch đi đôi với kinh tế đêm

Phần lớn du khách đến Tây Ninh hay Bình Phước quan tâm đến sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Các địa phương này còn thiếu loại hình kinh tế ban đêm như chợ đêm, khu vui chơi giải trí, hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật có quy mô lớn, hiện đại... Du khách lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít nên doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Khẳng định vai trò của kinh tế đêm, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng tỉnh cần phát triển kinh tế đêm đồng bộ ở 3 khu vực Vũng Tàu, Phước Hải và Hồ Tràm để du khách mua sắm những sản phẩm đặc trưng và thưởng thức đặc sản vùng miền.

Tự tình Vũng Tàu

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, liên kết du lịch vùng là chuyện rất khó và hầu như chưa nơi nào thành công. Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ có rất nhiều lợi thế mà ít nơi nào sánh được. Một lợi thế quan trọng nữa là Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, với đầu tàu TP HCM dẫn dắt. Vì vậy, khả năng liên kết phát triển du lịch sẽ thành công rất cao.

Việc cộng hưởng sức mạnh các địa phương cần được chú trọng, có sự kỳ công và quyết chí để làm du lịch. Mỗi tỉnh, thành định vị thế mạnh của mình, không để chồng lấn mà cần có cơ chế phối hợp thông suốt, nhất là "nâng niu doanh nghiệp". "Không có lĩnh vực nào cần phải nâng niu doanh nghiệp để họ giúp mình phát triển như ngành du lịch" - ông Trần Đình Thiên nhìn nhận.

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng không phải tỉnh, thành nào cũng có điểm xuất phát làm du lịch giống nhau. Chẳng hạn, TP HCM đã có kinh tế đêm phát triển nhưng ở những tỉnh còn lại, đa số người dân vẫn thích "ngủ sớm, dậy sớm" trong khi du lịch lại "thức khuya, dậy muộn". Để phát triển du lịch, mỗi địa phương phải biết hoàn cảnh, điều kiện của mình và đặt ngành du lịch trong cuộc đua toàn vùng, cả nước và thậm chí toàn cầu, chứ không phải chỉ là cuộc đua của tỉnh, thành mình. 

HUỲNH PHAN PHƯƠNG HOÀNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:

Cần "nhạc trưởng" xây dựng chiến lược tổng thể

Liên kết du lịch giữa TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ đã được triển khai thời gian qua nhưng đang thiếu tính kết nối để cùng thực hiện, "phân công" đầu việc cho từng địa phương, từng đơn vị liên quan nhằm tạo những sản phẩm du lịch phù hợp, hấp dẫn.

Cần phải có "nhạc trưởng" để xây dựng chiến lược tổng thể trong liên kết này nhằm tạo ra những gói sản phẩm cụ thể, đồng nhất. Mỗi địa phương trong chuỗi liên kết cần xác định đối tượng khách du lịch là ai, cụ thể thị trường nào, phân khúc ra sao… rồi có sản phẩm với giá cạnh tranh để quảng bá, giới thiệu và thu hút du khách. Nếu để doanh nghiệp "tự bơi" thì rất khó có sự đột phá cho du lịch cả vùng.

Ông NGUYỄN MINH MẪN, Giám đốc Truyền thông, Marketing - Công ty Du lịch TSTtourist:

Liên kết để có sản phẩm bài bản hơn

Từ khi liên kết vùng giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ được triển khai, các địa phương đã có nhiều bứt phá.

Trong đó, Tây Ninh nổi lên là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo điểm nhấn thu hút khách. Sự chủ động của Tây Ninh trong khai thác nguồn khách, nhất là thị trường TP HCM, đem lại hiệu quả nhất định về lượng khách đến, từ đó tái đầu tư cho sản phẩm du lịch ở đây. Trong khi đó, kết nối chuyến phà biển từ Cần Giờ đi Bà Rịa - Vũng Tàu lại chưa được quảng bá, xúc tiến đúng mức dù tiềm năng rất lớn, cần phát huy…

Các dẫn chứng trên cho thấy sự chủ động của địa phương trong liên kết sẽ tạo đòn bẩy để du lịch phát triển.

Thái Phương