Cải tạo 'nhà ma' cho du khách thuê

Du lịch Nhật Bản bùng nổ giữa lúc đồng yen suy yếu khiến Airbnb rốt ráo tìm chỗ lưu trú cho du khách và muốn tận dụng những ngôi nhà bị bỏ trống hay còn gọi là “nhà ma".

Mạng kinh doanh lưu trú tư nhân Airbnb đang tìm cách tận dụng những ngôi nhà bị bỏ trống hay còn gọi “nhà ma” đang ngày càng phình lớn về số lượng ở Nhật Bản giữa lúc dân số suy giảm, người đứng đầu Airbnb tại nước này nói với tờ Nikkei Asia.

Nguồn thu nhập tốt

Số lượng nhà bỏ hoang - hay còn gọi là akiya trong tiếng Nhật - đã gần tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, lên tới gần 3,5 triệu vào năm 2018, theo một khảo sát chính thức.

Khi dân số của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới già đi, số “nhà ma” dự kiến lên tới 4,7 triệu vào năm 2030. Chính phủ nước này báo động rằng những ngôi nhà không có người ở này có thể gây ra các vấn đề về an ninh và vệ sinh khi chúng xuống cấp.

“Chúng tôi đang đàm phán với nhiều công ty khác nhau để tìm cách tận dụng nhiều akiya hơn cho hoạt động kinh doanh”, ông Yasuyuki Tanabe, người đứng đầu Airbnb chi nhánh Nhật Bản, nói.

"Số lượng akiya đang gia tăng lên và dự kiến còn tăng thêm. Phần nhiều trong số đó vẫn còn có thể ở tốt nên không thể bỏ phí. Ngoài ra, còn có những rủi ro về an toàn nếu những ngôi nhà như vậy không được chăm nom”.

nha ma Nhat Ban anh 1

Ông Yasuyuki Tanabe, người đứng đầu Airbnb chi nhánh Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

Airbnb, công ty vận hành một nền tảng kết nối khách du lịch với chủ nhà cung cấp chỗ ở, không có ý định mua những ngôi nhà bỏ hoang hoặc tài trợ cho việc cải tạo.

Thay vào đó, họ muốn hợp tác với các doanh nghiệp khác và chính quyền địa phương để khuyến khích chủ những ngôi nhà trống chuyển chúng thành nơi lưu trú cho khách du lịch.

“Đó có thể là một nguồn thu nhập tốt sau khi mọi người nghỉ hưu. Nếu chủ nhà tân trang và chuyển chúng thành chỗ ở cho thuê, đó sẽ là một giải pháp tốt”, ông Tanabe nói.

“Chính quyền địa phương và một số doanh nghiệp có thông tin về những tài sản nào bị bỏ trống nhưng có thể phục hồi được và ai sẵn sàng đầu tư cải tạo tài sản của họ”.

Airbnb đặc biệt quan tâm đến loại nhà truyền thống bằng gỗ - được gọi là kominka - và cho rằng đó là tiềm năng thu hút khách du lịch nước ngoài quan tâm đến lịch sử và văn hóa Nhật Bản.

Năm nay, Airbnb đã quyên góp 150 triệu yen (1 triệu USD) cho Hiệp hội Kominka Nhật Bản nhằm tìm cách bảo tồn những ngôi nhà như vậy.

Ông Tanabe cho hay: “Chúng tôi đang tăng cường mối quan hệ với hiệp hội. Họ có mối liên hệ với các chủ nhà và công ty xây dựng có chuyên môn liên quan. Khách du lịch ngày càng muốn đến thăm những vùng nông thôn ít xô bồ để ở trong những nhà nghỉ độc đáo”.

Nằm trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác được hình thành vào năm ngoái với Ryohin Keikaku của Nhật Bản - chủ sở hữu thương hiệu Muji - Airbnb cũng đang tìm kiếm khách thuê cho một ngôi nhà hơn 100 năm tuổi ở quận Chiba đã được Ryohin Keikaku cải tạo.

"Việc cải tạo chắc chắn tốn kém. Nhưng nếu các bên khác nhau hợp tác và đóng góp chuyên môn riêng, chúng tôi có thể tìm ra một giải pháp độc đáo. Đó là những gì chúng tôi đang thực hiện", ông Tanabe nói.

nha ma Nhat Ban anh 2
Một ngôi nhà trống ở Kawaguchiko, tỉnh Yamanashi. Ảnh: Nikkei Asia.

Airbnb đang tìm kiếm chỗ ở mới khi du lịch nội địa bùng nổ, góp phần bởi sự suy yếu của đồng yen.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, lượng du khách đến đất nước Mặt Trời mọc đạt 2,52 triệu người trong tháng 10, lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch kể từ khi nới lỏng kiểm soát biên giới vào năm ngoái.

Airbnb Nhật Bản cho biết lượng đặt phòng của công ty trong 12 tháng tính đến tháng 9 đã tăng 75% so với 4 năm trước đó, ngay trước đại dịch Covid-19.

Khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm cho thuê nhà nghỉ tư nhân vào năm 2018, đã có nhiều tranh luận về tác động đối với các khách sạn. Ông Tanabe nói rằng các khách sạn và nhà nghỉ kiểu Airbnb phục vụ các loại hình du lịch khác nhau.

Ông chia sẻ: “Sẽ có một số cạnh tranh giữa hai bên, nhưng tôi tin rằng cả hai đều đang đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch Nhật Bản”.

Nguyên nhân "nhà ma" ngày càng nhiều

Nhật Bản đang đối diện thách thức lớn về vấn đề nhà bị bỏ hoang. Diện tích đất và nhà bị bỏ hoang có thể phình ra bằng cỡ Hokkaido - hòn đảo lớn thứ hai tại quốc gia này - vào năm 2040, theo một nghiên cứu được công bố năm 2017.

Theo Nikkei Asia, nguyên nhân rõ rệt nhất của vấn đề này là cuộc khủng hoảng nhân khẩu khiến dân số Nhật Bản giảm khoảng 200.000 người mỗi năm sau khi đạt đỉnh 128,5 triệu người vào năm 2009. Tuy nhiên, một số yếu tố khác về pháp lý và văn hóa càng làm vấn đề trầm trọng hơn.

nha ma Nhat Ban anh 3

Một ngôi nhà bị bỏ hoang tại Tanabe, tỉnh Wakayama. Ảnh: Thomas Shomaker.

Trong bốn thập kỷ sau Thế chiến II, Nhật Bản dường như hướng tới một số phận khác. Khi nền kinh tế phát triển đột biến, bất động sản luôn được cho là khoản đầu tư hữu hiệu, nhất là với những biện pháp khuyến khích của chính phủ như giảm thuế đối với mảnh đất có gia đình sinh sống.

Và rồi sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản ập tới và đầu những năm 1990, kéo tụt giá nhà đất đi xuống.

Trong giai đoạn kinh tế đình trệ kéo dài sau đó, xu hướng giảm sinh con đáng lo ngại - khởi nguồn từ những năm 1970 - bắt đầu tác động rõ rệt tới xã hội Nhật Bản, đặc biệt là bên ngoài các thành phố lớn.

Tới năm 2010, khi dân số thực sự bắt đầu sụt giảm, hệ thống đăng ký bất động sản tự nguyện của Nhật Bản trở thành vấn đề lớn.

Khi giá bất động sản tăng, người thừa kế sẽ có động lực hơn với việc làm thủ tục đứng tên nhà đất được truyền lại. Nhưng vào lúc thị trường đi xuống, chi phí và thời gian chuyển tên chủ sở hữu là quá bất lợi đối với nhiều người.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần chấn động ngày 11/3/2011. Người dân Nhật đổ xô tìm nhà ở vùng đất cao hơn. Điều này khiến các thị trấn và thành phố ven biển càng trở nên thưa dân.

Tuy nhân khẩu và tâm lý người dân tại Nhật Bản chỉ biến chuyển một cách chậm rãi, quy định pháp lý đến những năm gần đây mới dần bắt kịp. Tháng 4/2021, Luật Đăng ký Bất động sản của nước này được điều chỉnh để biến đăng ký thừa kế thành việc bắt buộc. Quy định mới dự kiến có hiệu lực trong vòng 3 năm, và sẽ tạo ra biến đổi lớn nếu thật sự được thực thi.

Một trong những cái tên từng nêu bật vấn đề nâng cao nhận thức về luật bất động sản lạc hậu của Nhật Bản, phải kể tới bà Shoko Yoshihara, nhà nghiên cứu tại Quỹ Tokyo về Nghiên cứu Chính sách và là tác giả của cuốn "Land Issues in the Era of Depopulation" xuất bản năm 2017.

“Luật Đăng ký Bất động sản của Nhật Bản được xây dựng dựa trên luật của Pháp”, bà Yoshihara nói trong một email với Nikkei Asia. Bà cho biết ý tưởng cơ bản của luật là bảo vệ quyền sở hữu trước những bên thứ ba không hợp pháp.

Tuy nhiên, trong khi Pháp có quy trình thừa kế nghiêm ngặt, “ở Nhật không có hệ thống tương đương để khuyến khích đăng ký thừa kế, từ đó dẫn tới hệ quả hiện tại: Bất động sản vẫn đứng tên người chết trong thời gian dài”, bà Yoshihara chỉ rõ.

Luật bất động sản lỏng lẻo của Nhật Bản cũng tạo ra nhiều vấn đề khác ngoài các căn nhà bỏ hoang.

Chẳng hạn, khi chính quyền địa phương muốn phá dỡ một tòa nhà không đăng ký chủ sở hữu, vì xuống cấp nghiêm trọng hoặc giải tỏa để mở đường cho dự án công, họ sẽ không thể thực hiện được cho tới khi liên lạc với với mọi người thừa kế còn sống của chủ cũ.

Tùy vào thời gian căn nhà bị bỏ trống, hậu duệ của chủ nhà quá cố có thể là cháu hoặc chắt đang sống ở nơi khác trong nước, hoặc nước ngoài.

Do thiếu nguồn lực để liên lạc những người này, đa số chính quyền địa phương đành phải bỏ mặc các ngôi nhà ma. Đây cũng là điều thường trói chân các dự án tái quy hoạch trong nhiều năm.

nha ma Nhat Ban anh 4

Bên trong một căn nhà hoang ở Hikigawa, tỉnh Wakayama. Ảnh: Thomas Shomaker.

Tới năm 2017, quy mô của vấn đề trên đã phình lớn. Theo một nghiên cứu do cựu Bộ trưởng Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản Hiroya Masuda đứng đầu, diện tích đất vô chủ ở Nhật Bản - bao gồm đất thổ cư, nông nghiệp, và kinh doanh thương mại - ước tính đã lên tới 4,1 triệu ha. Con số này lớn hơn đảo Kyushu, hòn đảo lớn thứ 3 trong số 5 đảo chính của Nhật Bản.

Một loạt thay đổi pháp lý được đưa ra trong 10 năm qua có thể sẽ bắt đầu có tác động, bao gồm đạo luật năm 2014 cho phép chính quyền địa phương có quyền đơn phương xử lý nhà đất bỏ trống, cùng quy định yêu cầu bắt buộc đăng ký chủ sở hữu. Nhật Bản cũng mới thiết lập hệ thống quản lý đất đai không rõ chủ sở hữu.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch