Khác với glamping là cắm trại với những tiện nghi giúp người chơi thư giãn, tận hưởng, bushcraft camping (cắm trại hoang dã) là hoạt động cắm trại tận dụng môi trường tự nhiên để sinh tồn. Loại hình cắm trại này giúp người chơi hình thành tư duy và thực hành các kỹ năng sinh tồn trong môi trường hoang dã như dựng chỗ trú ẩn, tìm kiếm thức ăn, phân loại động thực vật, rèn luyện kỹ thuật sử dụng các dụng cụ...
Bushcraft camping chưa phổ biến ở Việt Nam. "Cộng đồng người chơi chiếm tỉ lệ không đáng kể trong tổng số người chơi cắm trại và chỉ có 1-2 diễn đàn chia sẻ thông tin", anh Võ Công Danh (42 tuổi, TP HCM), người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cắm trại, chia sẻ.
Là một người đam mê đi rừng, anh Nguyễn Đức Bình (30 tuổi, Hải Dương) thường chọn những khu rừng ở khu vực Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Giang để trải nghiệm bushcraft camping. Chuyến đi gần nhất của anh Bình là từ ngày 26 đến 28/1 ở thác Lụa, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Theo cổng thông tin điện tử huyện Chiêm Hóa, thác Lụa chảy từ trên núi Cham Chu xuống, có chiều dài khoảng 20 km, được phân cấp thành ba tầng thác chính lần lượt là Tát Cao, Tát Vóc và Tát Lụa. Phần còn lại chảy thành suối, hai bên bờ có cây và đá tảng.
Với kinh nghiệm nhiều lần đi rừng, anh Bình cho biết không phải ai cũng có đủ sức khỏe và can đảm để tham gia những chuyến đi cực khổ thế này. Không chỉ tiêu tốn thể lực vì trekking đường dài, băng rừng lội suối, hầu hết sinh hoạt đều dựa vào thiên nhiên, từ đồ ăn, thức uống đến chỗ ngủ. Ngoài một ít gạo, muối, nồi nấu cơm và những dụng cụ đi rừng cần thiết như dao, đèn pin, những thành viên trong đoàn phải luôn trong tư thế sẵn sàng "săn mồi" và cảnh giác với những gì thiên nhiên sẽ mang đến.
Mỗi khu rừng sẽ có một hệ thống sinh thái riêng, nên cần dựa vào môi trường ở đó để tìm kiếm thức ăn. Đây cũng là phương pháp học cách phân biệt các loài động, thực vật cũng như cách săn bắt, hái lượm để tồn tại trong rừng. Trên đường đi, mọi người sẽ phải quan sát xem có cây cỏ gì có thể ăn được. Ngoài những loại cây rừng quen thuộc như nấm, măng, lá lốt thì còn có những loại cây địa phương nhiều chất dinh dưỡng khác như rau dớn, lá lồm, lõi cọ, đọt mây rừng, rêu xanh dưới suối. Đây đều là những kiến thức anh Bình đúc kết được sau nhiều chuyến cắm trại hoang dã.
Việc săn bắt các động vật trong rừng để bổ sung protein khó hơn so với hái lượm các loại cây, quả. Một số động vật thường bắt được trong rừng là cá suối, cua, ốc đá, ếch, chuột. Nhưng không phải chuyến đi săn nào cũng thu được thành quả như mong đợi. Vì vậy, mỗi đoàn tham gia cắm trại đều giới hạn số lượng thành viên dưới 10 người để đảm bảo về lượng thức ăn. Trong đoàn sẽ luôn có một vài thành viên chủ chốt hoặc người bản địa có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn các thành viên còn lại và xử lý tình huống.
Trong chuyến đi lần này, vì là mùa lạnh nên lượng thức ăn không nhiều, cá suối cũng ít, nhưng đoàn anh Bình may mắn tìm được hang chuột và tự chế dụng cụ để bắt. Mỗi bữa cơm có 4-5 loại thức ăn, từ thịt, cá đến rau, quả. Ngoài muối mang theo, tùy theo mùa còn có thể kiếm thêm gia vị trong rừng như mắc khén, hạt dổi, sơn tiêu. Cách chế biến cũng đa dạng, nấu bằng ống tre, nứa thay cho nồi, hương vị thơm ngon hơn, anh Bình chia sẻ.
Không cần mang theo lều có sẵn, chỗ nghỉ của đoàn được tạo nên từ những cây gỗ, tre, thân và lá chuối, cọ trong rừng. "Ngủ trong lán sợ nhất là dĩn (một loại côn trùng), đốt rất ngứa. Trời mưa còn cực khổ hơn vì lán bị dột, không ngăn được gió lạnh. Nhưng đây mới chính là hương vị của việc cắm trại hoang dã, chống đỡ thiên nhiên và thời tiết khắc nghiệt, vượt qua giới hạn của bản thân", anh Bình cho biết.
Mỗi chuyến đi thường kéo dài 3 ngày 2 đêm, trên đường đi có thể dựng 2-3 lều trại làm chỗ ngủ nghỉ. Một điểm thú vị của chuyến đi lần này là anh Bình quay trở lại địa điểm đã dựng lán trong lần cắm trại vào tháng 5/2021 và tìm thấy chai rượu đã được nhóm của anh hồi đó chôn dưới đất.
Lần đầu tiên tham gia trải nghiệm cắm trại theo hình thức này, anh Khổng Trung Tùng (33 tuổi, Hải Phòng) cho biết, những ngày trong rừng tuy mệt và đuối sức nhưng anh có được những trải nghiệm khó quên như bắt cá dưới suối, bẫy chuột, ếch vào ban đêm. "Bị đói và rét, nhưng tìm về sống những ngày giữa rừng cây nghe tiếng suối chảy khiến tôi cảm thấy được xoa dịu và thấy bản thân thật nhỏ bé giữa thiên nhiên".
Anh Tùng cho biết thêm, cả đoàn đã cố gắng cùng nhau xây dựng một buổi leo núi cắm trại hoà mình với thiên nhiên, không rác, không ô nhiễm tiếng ồn.
Trải nghiệm bushcraft camping thường có tính mạo hiểm, bắt buộc người tham gia phải chấp nhận các rủi ro tự nhiên như bị rắn cắn, bị côn trùng đốt, bị nhiễm độc cây trong rừng, tai nạn trên đường đi do không quen địa hình (ngã xuống thác, cây đổ vào mùa mưa bão).
Anh Danh cho biết, người chơi bushcraft ngoài những kỹ năng cắm trại thông thường còn cần biết những kỹ năng được gọi là kỹ năng sinh tồn như tự sơ cứu, phân biệt động, thực vật có độc, tạo lửa bằng tay không và có sức chịu đựng tốt. Ngoài việc học hỏi qua các diễn đàn, video trên mạng thì người chơi cần phải thực hành nhiều lần để tự rút ra kinh nghiệm cho từng hoàn cảnh.
Trường hợp tâm lý chưa đủ vững thì người chơi nên đi cắm trại theo nhóm ở những nơi không quá vắng vẻ, không đi sâu vào rừng, núi. Nếu đến những nơi không có sóng điện thoại cần có phương án để lại vị trí, tọa độ cho người thân, bạn bè. Luôn mang theo trang bị sơ cứu bên người phòng trường hợp khẩn cấp.
Với tính chất yêu cầu nhiều kỹ năng, kiến thức, thể lực cũng như độ khó trong cách chơi với mức độ rủi ro cao, đây là một loại hình cắm trại không dễ chơi. Tuy nhiên, "không tốn quá nhiều chi phí nhưng lại mang đến những trải nghiệm đáng giá, bushcraft camping là một cách thể hiện cá tính của những người yêu thiên nhiên, yêu thích sự nguyên thủy và đam mê khám phá", anh Danh nói.
Quỳnh Mai
Ảnh: NVCC