Chi hơn 100 triệu đồng đi xem báo xẻ mồi trên cây

Nhiếp ảnh gia Việt thỏa mãn sau chuyến đi châu Phi khi được chứng kiến loạt khoảnh khắc đáng giá, từ cảnh báo xẻ mồi trên cây đến bữa tiệc giữa hồ của đàn linh cẩu.

Nhiếp ảnh gia Bùi Xuân Việt, sống tại Đồng Nai, chi hơn 100 triệu đồng cho chuyến du lịch châu Phi cuối tháng 11 với mục tiêu ghi lại loạt khoảnh khắc động vật hoang dã săn mồi ngoài thiên nhiên.

Địa điểm anh chọn là vườn quốc gia Masai Mara nổi tiếng ở phía tây Kenya, diện tích khoảng 1.500 m2. Đây là nơi được nhiều nhiếp ảnh gia động vật hoang dã tìm tới vì có đủ "Big Five" (5 loài thú lớn gồm sư tử, tê giác, voi, báo hoa mai, trâu rừng) cùng nhiều động vật hoang dã khác như linh dương đầu bò, linh cẩu.

Trong hình là chiếc xe chở anh Việt cùng đoàn khách tham quan vườn quốc gia dừng bên cạnh đàn hươu cao cổ.

Một con bói cá đang thưởng thức con cá vừa săn được. Loài này nổi tiếng với kỹ năng săn mồi điêu luyện. Chúng quan sát chuyển động của con mồi dưới nước từ cành cây cao rồi bất ngờ lao xuống bắt chuẩn xác. Sau khi tóm gọn, chúng lại quay về vị trí ban đầu để thưởng thức bữa ăn.

Một trong những khoảnh khắc nhiếp ảnh gia Việt thích nhất, được anh đặt tên là "Đại bàng và trăng". Anh nói chụp bức này rất khó vì đang lênh đênh trên thuyền giữa hồ, không tiện di chuyển.

Theo Discover Africa, các tour safari ở Masai Mara khởi điểm từ 600 USD mỗi đêm và có thể lên tới gần 20.000 USD, tùy độ sang trọng dịch vụ. Các hoạt động chính gồm lái xe ngắm động vật hoang dã, đi bộ xuyên rừng hay bay khinh khí cầu.

Con sư tử núp ngay dưới bánh một chiếc xe của nhóm anh Việt.

Vườn quốc gia quy định khách không rời khỏi xe trong các chuyến ngắm thú hoang dã để đảm bảo an toàn. Kể cả khi cần đi vệ sinh, du khách cũng phải chờ tới điểm an toàn.

Trong khi con sư tử trong ảnh đang thưởng thức bữa ăn, một con sư tử già khác bên ngoài đứng canh chừng. Đây là cách sư tử bảo vệ nhau bởi một số loài như linh cẩu, kền kền thường lao vào tranh giữa bữa ăn.

"Được xem cảnh thú săn mồi và hiểu hơn tập tính của chúng khiến chuyến đi đáng giá từng xu", anh Việt nói.

Anh Việt cho biết rất khó chụp được cảnh sư tử uống nước bởi loài này thường chỉ uống nước khoảng một, hai lần mỗi tuần và chủ yếu nhận lượng nước từ con mồi chúng ăn thịt.

Một con báo Cheetah (báo săn) ngủ say đến mức nhiếp ảnh gia Việt đứng gần, chụp ảnh cũng không mở mắt. Loài này thường bị nhầm với Leopard (báo hoa mai) nhưng có thể phân biệt nhờ vệt đen kéo dài như dòng nước mắt trên mặt. Khi săn mồi, chúng có thể chạy với vận tốc 100 km/h trong quãng ngắn.

Hai con báo hoa mai đang quan sát con mồi. Đặc điểm của loài này là leo trèo giỏi, thân hình vạm vỡ và bộ lông mang đốm tròn lớn.

Nhiếp ảnh gia Việt cũng may mắn chụp được ảnh con báo hoa mai đang tha mồi lên cây để xẻ thịt. Ban đầu, anh không kỳ vọng sẽ xem được cảnh này nhưng khi đang rời khỏi vườn quốc gia lúc 17h lại bất ngờ nhận được tin báo. Nhóm tức tốc quay xe, chạy quãng đường khoảng 20 phút và chụp lại khoảnh khắc hiếm thấy này.

Đời sống của linh cẩu cũng thú vị không kém, theo anh Việt. Ban đầu, nhiếp ảnh gia không hiểu sao con linh cẩu này lại đứng ra giữa hồ. Sau đó, lần lượt những con linh cẩu khác cũng xuất hiện và khi nhìn kỹ, anh mới thấy giữa hồ có một xác hà mã.

Bức ảnh được anh đặt tên "Bữa tiệc hồ bơi", ghi lại cảnh đàn linh cẩu xâu xé xác con hà mã. Tuy nhiên, một số con linh cẩu cũng sợ nên chỉ dám đứng ở mép hồ nhìn sang.

Sau chuyến đi, anh Việt nhận xét "thực sự thỏa mãn" với những gì được chứng kiến. Du khách dự định trở lại vào tháng 8 năm sau để xem mùa thú di cư.

"Cách bảo tồn đời sống động vật của Kenya khiến tôi ấn tượng", anh nói.

Hoài Anh

Ảnh: Vietbuiphoto

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net