Một trong những công lao lớn của các
Chúa Nguyễn và hành trình mở cõi về phương Nam
Kinh thành Huế được vua Gia Long cho khảo sát địa hình để xây dựng sau khi thống nhất đất nước
Chúa Nguyễn với đất phương Nam
Ngày 3-6, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam tổ chức hội thảo "Chúa Nguyễn với đất phương Nam" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò và vị trí vùng đất phương Nam thời chúa Nguyễn. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia sử học trên cả nước đã nghiên cứu về Đàng Trong, nhằm nâng cao các công trình đã công bố và khẳng định thành tựu mới nhất về chúa Nguyễn với đất Đàng Trong.
Hội thảo “Chúa Nguyễn với đất phương Nam”, tổ chức ngày 3-6
Chú trọng an ninh biển đảo
PGS-TS Đỗ Bang khẳng định: "Song song với việc mở đất, các chúa Nguyễn cho quân và dân binh khai thác vùng biển đảo Đàng Trong và có biện pháp tích cực để quản lý và bảo vệ chủ quyền. An ninh biển thời chúa Nguyễn đã trở thành vấn đề quốc gia, được chú trọng trên nhiều phương diện".
Chúa Nguyễn Phúc Chu không những có công lớn mở đất trên bộ mà còn xác lập chủ quyền các vùng biển đảo miền Nam, Côn Đảo với sự kiện năm 1703 đánh tan quân Anh và Phú Quốc năm 1708. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi phân tích: "Việc khai thác kinh tế hai quần đảo này chỉ thực sự bắt đầu từ thời nhà Nguyễn, nhưng các chúa Nguyễn đã luôn nhận thức hai khu vực này là chỗ dựa nên thường xuyên cố gắng xác lập về chủ quyền, khẳng định về cương vực, nhất là ở vùng biển Tây Nam trong bối cảnh Cao Miên, Xiêm La luôn muốn xâm chiếm vùng đất này".
Trong tham luận "Chủ quyền quốc gia Việt Nam - Đại Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa dưới vương triều Minh Mệnh (1820-1841)", GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nêu: "Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong thế kỷ XIX được mở đầu bằng những trang sử hào hùng dưới thời vị vua khai sáng Gia Long, đã phát triển đến đỉnh cao nhất trong đời vua Minh Mệnh, rồi sau đó chìm dần vào trong im lặng khi đất nước không còn giữ được nền độc lập. Ngay trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp, không có bất cứ một vị hoàng đế hay một đại diện của vương triều nào tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa".