Cuộc sống ở Nam Cực

Ngay cả người hướng nội cũng thấy cuộc sống ở Nam Cực như địa ngục nhưng Lục địa Trắng lạnh giá, bí ẩn vẫn hấp dẫn nhiều người.

Năm 1959, 12 quốc gia trong đó có Chile, Nhật Bản, Australia, Mỹ cùng nhau ký Hiệp ước Nam Cực với cam kết lục địa thứ 7 này sẽ "chỉ được sử dụng vì mục đích hòa bình" như nghiên cứu khoa học. Từ đó đến nay không có căn cứ quân sự nào được đặt tại Nam Cực. Máy bay và tàu quân sự vẫn xuất hiện nhưng chỉ để chở người và vật tư.

Cuộc sống ở Nam Cực được nhiều người gói gọn trong những từ như giống như bữa tiệc ngủ kéo dài 5 tháng, đơn điệu đến mức người hướng nội cũng coi như địa ngục, tắm chỉ trong 90 giây hay không có sự riêng tư. Dù vậy, vẫn có nhiều người tin rằng mọi thử thách ở đây đều đáng giá.

Trại McMurdo của Mỹ tại Nam Cực. Ảnh: CNN

Trại McMurdo của Mỹ tại Nam Cực. Ảnh: CNN

Keri Nelson, người Mỹ, là một trong số đó. Cô lần đầu đến "Lục địa Trắng" vào năm 2007 để làm nhân viên trông coi tại căn cứ McMurdo, một trong ba tiền đồn của Mỹ. Sau 16 năm làm "dân Nam Cực", Nelson đã làm việc ở cả ba trạm của chính phủ Mỹ.

"Nó giống như một thị trấn", Nelson miêu tả về căn cứ đầu tiên cô ở. Mọi người có thể sống ở đây cả năm, lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng không bao giờ biết hết mặt nhau do đến và đi liên tục đến các trạm khác hoặc đi thám hiểm. Tại nơi Nelson ở có nhiều tiện nghi hiện đại như phòng xem phim, phòng tập thể dục.

Cách McMudro 3 km là căn cứ Scott của New Zealand. Đôi khi các nhân viên sẽ thực hiện chuyến đi xuyên đảo Ross để thăm những người bạn ở trạm Mỹ, tham gia các buổi họp mặt, họp câu lạc bộ sách và xem phim giải trí. Một số nhân viên thậm chí còn dạy yoga cho nhau.

"Ở Nam Cực tôi đã học được massage kiểu Thái và nhảy hip hop", Chris Long, người tự nhận đến từ "gia đình sống ở nơi xa xôi nhất New Zealand", cho biết. Năm 19 tuổi, anh nhận được hợp đồng làm việc tại Nam Cực khi đang phụ việc trong nhà bếp của một con tàu phá băng thuộc Nga. Ban đầu Chris "rất ghét" sống tại lục địa này nhưng cuối cùng đã tìm thấy niềm yêu thích. Hiện tại, anh là nhân viên hỗ trợ cho những du khách đến tham quan bằng tàu.

Laura Bullescach là một trong số 6 nhân viên bưu điện nằm ở Port Lockroy do Anh quản lý. Cô sống trên đảo nhỏ có diện tích bằng một sân bóng đá. Mọi người sống cùng nhau trong một túp lều hai phòng, không có nước sinh hoạt và phòng tắm không có vòi sen hay bồn cầu xả nước. Họ ở trong lều làm mọi việc cùng nhau, tắm cùng nhau ngủ cùng nhau và hầu như không có không gian riêng tư trong suốt 10 tháng làm việc.

Tuy nhiên, Bullesbach nói quan điểm sống ở lục địa xa xôi này nhàm chán là một sai lầm. Tại Port Lockroy, công việc hàng ngày luôn khiến mọi người bận rộn như khảo sát nước để tìm bất kỳ loại nhựa nào, nấu ăn, theo dõi đàn chim cánh cụt. Khi các tàu tư nhân, khoa học hoặc thương mại đến thăm Port Lockroy, cơ sở khoa học đầu tiên của Anh tại Nam Cực, Bullesbach và các thành viên khác trong nhóm sẽ lên tàu để cung cấp thông tin, bán quà lưu niệm và nhận thư. Khi lên tàu, họ được phép dùng vòi sen trên tàu để tắm gội và đôi khi là mang về đảo những trái cây, rau quả tươi để bổ sung cho nguồn cung cấp thực phẩm vốn toàn đồ hộp và đồ khô.

Nelson (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng bạn tại cột mốc đánh dấu Cực Nam địa lý tại Trạm Cực Nam Amundsen-Scott. Ảnh: CNN

Nelson (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng bạn tại cột mốc đánh dấu Cực Nam tại Trạm Cực Nam Amundsen-Scott. Ảnh: CNN

Nelson rất háo hức muốn đến Lục địa Trắng, do đó đã đi từ Minnesota đến Denver để tham dự hội chợ việc làm do McMurdo tổ chức. Mức lương thấp nhưng Nelson nói "không quan tâm". Cô muốn trải nghiệm cuộc sống ở Nam Cực. Ngoài ra, ăn uống, đi lại và ngủ nghỉ đều được miễn phí.

Không phải ai cũng có đủ khả năng sống tại Nam Cực. Theo Chris Long, dù là kỹ sư hay nhà khoa học nhưng nếu không thể sống trong một túp lều hay cabin nhỏ với 3 người khác thì vẫn có thể không được nhận việc. "Khả năng hòa nhập và làm việc nhóm là điều quan trọng nhất", Chris nói.

Khi Bullesbach lọt vào vòng phỏng vấn sau cùng cho công việc ở Port Lockroy, cô và các ứng viên khác đã đi đến một vùng nông thôn để tham gia thử thách cuối. Các ứng viên được xếp vào các đội khác nhau và được giao các nhiệm vụ như dựng lều trong khi bị bịt mắt với mục đích kiểm tra các kỹ năng và năng lực thực tế của mỗi người cũng như đánh giá cách họ giải quyết vấn đề, làm việc nhóm tốt thế nào.

Đồ đạc để mang đến Nam Cực cũng bị giới hạn trong hai túi. "Bạn chỉ cần 3 chiếc áo liền quần (jump), hai chiếc quần dài và rất nhiều tất", Bullesbach nói. Ngoài ra mọi người sẽ mang theo 1-2 trò để giải trí vào buổi tối.

Chris Long nói anh theo chủ nghĩa tối giản. Đồ đạc của anh càng ở lâu càng đơn giản và chỉ cần những thứ cơ bản như áo khoác, mũ, ủng.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro khi lựa chọn sống, làm việc ở nơi đây, theo Chris. Các trại lớn như McMurdo có những chuyên gia y tế được đào tạo bài bản nhưng nếu các nhân viên cần phẫu thuật hoặc điều trị khẩn cấp, họ sẽ phải đợi tàu đưa đến thành phố gần nhất, quá trình có thể mất từ 2 đến 10 ngày. Một nhà khoa học người Nga kiêm bác sĩ y khoa phát hiện ra bản thân bị đau ruột thừa và đã vỡ. Ông buộc phải tự mổ cho mình. "Nếu không làm vậy anh ấy sẽ chết", Chris nói.

Dù vậy Nam Cực vẫn có một sức hút mạnh mẽ với những người ghé thăm. Cả Nelson và Long đều phải lòng nơi này. Trong một thế giới toàn cầu hóa với nhịp độ nhanh, nơi mọi người luôn sử dụng điện thoại, Nam Cực mang đến cơ hội hiếm có để sống một kiểu sống khác.

Nelson nói rằng Nam Cực mang lại cảm giác bình yên mà cô không thể có được ở bất kỳ nơi nào khác. "Khi ở đó, tôi thấy mình thật nhỏ bé", Nelson nói.

Anh Minh (Theo CNN)