![]() |
Khu dân cư Choi Hung Estate ở Hong Kong là một điểm đến du lịch nổi tiếng trên Instagram. Khách du lịch đổ xô đến chụp ảnh với sân bóng rổ đầy màu sắc. Nhiếp ảnh gia Austin Bell tò mò và đến đây vào năm 2017. Độ phủ sóng và văn hóa xây dựng sân bóng rổ khiến tay máy người Mỹ hứng thú. Ông quyết định thực hiện bộ sưu tập ảnh sân trong 3 năm đại dịch Covid-19. Chỉ với máy ảnh và flycam, Bell đã chụp hơn 58.000 bức ảnh của 2.549 sân bóng rổ trong những năm tháng tại đây, theo CNN. |
![]() ![]() |
Bell đã từng chụp sân bóng rổ ở New York (Mỹ), Montreal (Canada) và Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, khi đặt chân đến Hong Kong, vị nhiếp ảnh gia nhận thấy việc thiết kế sân hình chữ nhật cho bộ môn thể thao đồng đội còn liên quan đến cảnh quan đô thị. "Sân bóng rổ không thực sự thiên về môn thể thao mà còn là về kiến trúc, màu sắc, môi trường xung quanh và địa hình của Hong Kong", Bell nói. |
![]() |
Bell lùng sục tất cả sân bóng rổ ở Hong Kong, định vị chúng trên Google Maps, bắt đầu hành trình lên ý tưởng và chụp vào mùa thu 2019. Có ngày vị nhiếp ảnh gia chụp đến 100 sân. |
![]() ![]() |
Trong quá trình tìm kiếm sân bóng rổ, Bell phát hiện người dân ở Hong Kong không chỉ chơi thể thao trên sân mà còn làm một số hoạt động thường nhật bên lề như phơi quần áo như ảnh trái (chụp ở chung cư Tin Shui Wai). Ảnh phải là sân bóng rổ màu xanh bên bờ biển ở đảo Trường Châu (Cheung Chau). |
![]() |
Một điểm dễ nhận thấy trong các tác phẩm của Austin Bell là không có người chơi bóng. Lý giải cho điều này, vị nhiếp ảnh gia người Mỹ cho biết ông thường đến sân bóng chụp ảnh vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh cái nắng gay gắt vào ban trưa. Nhưng điều quan trọng là Bell không muốn làm phiền người dân. |
![]() ![]() |
Đến đặc khu hành chính này, du khách có thể thấy sân bóng rổ ở bất cứ đâu từ khu chung cư, trên sân thượng, gần biển, dưới đường quốc lộ, trong công viên... Song, phần lớn các sân bóng rổ ngoài trời của Hong Kong nằm trong trường học và thường được sử dụng như sân chơi vào giờ giải lao. Ảnh phải là 5 sân bóng rổ đầy màu sắc đặt cạnh nhau ở chung cư Sheung Wan, gần phòng trưng bày Blue Lotus. |
![]() |
Một sân bóng rổ ở khu dân cư Kwun Tong. |
![]() |
Sân bóng rổ lọt thỏm giữa rừng cây tại Công viên Quốc gia Aberdeen. |
![]() |
Tính thẩm mỹ của các sân bóng rổ ở Hong Kong là nguồn cảm hứng lớn nhất cho Austin Bell. Việc xây dựng công trình giải trí kết hợp với cảnh quan đô thị là không mới. Tuy nhiên, so với dân số và diện tích, mật độ dày đặc sân bóng rổ ở Hong Kong là "không bình thường", theo Jeroen van Ameijde, Trợ lý Giáo sư và Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Thiết kế Đô thị (MSUD) tại Trường Kiến trúc, Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK), hiện giảng dạy và tiến hành nghiên cứu về kiến trúc, phân tích và thiết kế đô thị. |
![]() ![]() |
Ông cho biết thêm đây là "triệu chứng" của mật độ dân số cao và khan hiếm đất đai ở Hong Kong. Một sân bóng rổ ở Hong Kong dành cho 10.000 dân cư sử dụng - một tỷ lệ cao hơn bất kỳ cơ sở thể thao ngoài trời nào khác. |
![]() |
Hong Kong có mật độ dân số trung bình là 6.747,0 người/km2, trên diện tích đất liền 1.050 km2. Đây là mật độ dân cư cao thứ 2 ở Đông Á và Châu Á (sau Macau) và thứ 4 thế giới, dữ liệu vào năm 2024 từ Liên hợp quốc (UN). Do đó, việc tối đa hóa không gian là rất quan trọng. "Sân bóng rổ nhỏ hơn nhiều so với sân bóng đá, dễ bảo trì và có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Sự gần gũi các cơ sở giải trí như vậy tạo sự thuận tiện cho người dân, chẳng hạn bạn có thể tiếp cận tất cả mọi thứ chỉ trong vòng 15 phút lái xe", Jeroen van Ameijde nói với CNN. |
![]() |
Austin Bell ghép một số sân bóng rổ ở Hong Kong lại với nhau để so sánh về mức độ thẩm mỹ. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch