Đi phượt một mình, đặc biệt bằng xe máy, là hình thức du lịch bụi được ưa thích. Tuy nhiên hình thức này cũng gây ra nhiều tranh cãi lâu nay khi sự an toàn thường không được để ý. Việc phượt thủ gặp nạn ở bãi Sủng Cỏ (Đà Nẵng) dịp Tết cho thấy mức độ nguy hiểm, cũng như sự thiếu kinh nghiệm.
Theo anh Đặng Văn Hải (Quy Nhơn), người từng đi nhiều chuyến bằng xe máy ở cả Việt Nam và nước ngoài, những sự cố như trên không hiếm. Trường hợp này theo anh chưa được giải thích rõ ràng, nhưng thường do ít kinh nghiệm đi một mình, chưa tìm hiểu trước về cung đường, lại chủ quan không thông báo cho gia đình, bạn bè để cứu hộ kịp thời nên phải mất 4-5 ngày mới được giải cứu.
"Rất may phượt thủ còn sống. Ở một nơi vắng vẻ như vậy, không có người phát hiện giúp đỡ, bản thân anh ấy cũng không còn thể lực để thông báo cho gia đình gọi cứu hộ thì kết quả rất khó lường", anh Hải cho hay.
Theo anh Hải, việc du lịch một mình bằng xe máy giúp các phượt thủ có được những trải nghiệm mới mẻ, sinh động hơn so với sử dụng các phương tiện công cộng như xe khách, tàu hỏa. Không chỉ tiết kiệm chi phí, đi du lịch một mình bằng xe máy còn có sự chủ động về thời gian, lịch trình và có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan trên các cung đường.
"Việc sắp xếp lịch trình như xuất phát thời điểm nào, đi trong bao nhiêu ngày, muốn phượt qua những đâu đều có thể lên kế hoạch dựa theo sở thích của bản thân. Trên đường đi, thấy chỗ nào đẹp, muốn dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh bao lâu cũng không bị phụ thuộc vào người khác", anh Hải cho biết.
Vũ Đăng Phượng (Thái Bình), một phượt thủ có 5 năm kinh nghiệm đi xe máy lên các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái... cho biết, lý do yêu thích trải nghiệm này là được chiêm ngưỡng sự thay đổi của phong cảnh qua từng nơi.
"Nếu đi Hà Giang bằng xe khách, thường mọi người sẽ ngủ nên không thể nhìn thấy được khung cảnh những rặng núi đá dần dần hiện lên rõ ràng và hùng vĩ trước mắt, và cũng không trải nghiệm được những cung đường nổi tiếng như dốc chữ M", anh nói.
Nhưng cùng với những lợi ích, phượt một mình tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với kinh nghiệm 6 năm đi bằng xe máy khắp các tỉnh thành Việt Nam, Vũ Bình Phương cho biết, việc phượt một mình bằng xe máy rất tốn sức, không phải ai cũng có thể trải nghiệm hình thức này.
Bên cạnh đó, nếu có những sự cố bất ngờ phát sinh như hỏng xe, tai nạn, lạc đường, việc khắc phục, xử lý sự cố hoặc nhờ trợ giúp sẽ khó khăn hơn.
"Khi phải cầm lái thời gian dài, cơ thể rất dễ bị căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc như vậy, đi một mình không có người thay, bắt buộc phải dừng lại nghỉ ngơi. Điều đó khiến thời gian di chuyển lâu hơn và tốn thêm chi phí. Sau chuyến đi có thể sẽ bị ốm, kiệt sức".
Những kinh nghiệm và lưu ý
Với những kinh nghiệm của bản thân, các phượt thủ chia sẻ thêm lưu ý trên các cung đường phượt.
Lên kế hoạch chi tiêu trước chuyến đi bằng cách ước tính phần chi phí cho các khoản như: xăng xe, ăn uống, chỗ nghỉ. Nên để dành một phần để xử lý các sự cố phát sinh.
Trước khi xuất phát, cần tìm hiểu kỹ lịch trình, đường đi, thời tiết tại các địa điểm sẽ đi qua để lựa chọn cung đường và thời điểm xuất phát phù hợp. Nếu thích chinh phục, vẫn có thể lựa chọn đường khó. Tuy nhiên, cần lưu ý thời tiết. Tốt nhất nên xuất phát vào những ngày đẹp trời.
"Nếu cung đường phượt là núi nên tránh đi vào mùa mưa, nhất là thời điểm trời đã mưa nhiều ngày liên tiếp, dễ xảy ra tình trạng sạt lở đất. Hạn chế đi vào ban đêm, ngày mưa, có sương mù vì đường trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, dễ xảy ra tai nạn hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe", Phượng chia sẻ.
Dựa theo thời tiết, cần chuẩn bị trang phục, dụng cụ phù hợp. Mùa đông cần đồ giữ ấm, mùa hè cần đồ chống nắng. Quần áo nên dùng chất liệu nhẹ và nhanh khô. Balo là loại chống thấm nước, có sẵn túi bọc đồ và áo mưa, ủng. Mang theo một số loại thuốc như hạ sốt, cồn sát khuẩn, băng gạc y tế, vitamin và muối khoáng để đảm bảo thể lực cho chuyến đi.
Việc kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi bắt đầu hành trình rất cần thiết vì chặng đường mỗi chuyến phượt thường dài, có thể từ vài trăm đến cả nghìn km. Nên mang theo dụng cụ sửa chữa xe máy cơ bản để xử lý sự cố tại chỗ. Thường xuyên kiểm tra lại các bộ phận xe trên suốt hành trình. Nếu đi qua những khu vực ít người dân sinh sống nên mang theo can xăng và lốp dự phòng.
Khi đi một mình, đặc biệt lưu ý phương tiện liên lạc. Giữ cho điện thoại đủ pin và mang theo sạc dự phòng. Báo trước cho người thân, bạn bè về chuyến đi và lịch trình để mọi người nắm được thông tin. Như vậy khi gặp nạn, việc trợ giúp hay gọi cứu hộ sẽ nhanh chóng hơn.
Chỉ nên mang theo ít tiền mặt, khi hết có thể rút tiền tại các cây ATM, đề phòng trường hợp gặp sự cố không thể gọi cứu trợ hoặc bị cướp tiền, xe.
Việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng cần chú ý nếu đi phượt dài ngày. Hỏi giá trước khi ăn hoặc thuê chỗ nghỉ để tránh tình trạng bị "chặt chém". Nên thử các món đặc sản địa phương để trải nghiệm về ẩm thực.
Chuẩn bị và mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân. Trong quá trình di chuyển, lưu ý chạy xe đúng tốc độ và tuân thủ luật giao thông. Hãy sử dụng Google Maps, hệ thống biển chỉ dẫn trên đường và hỏi người dân để tránh bị lạc.
"Nếu muốn đi phượt một mình bằng xe máy, nên bắt đầu từ những chuyến đi trong ngày hoặc có thể là các chuyến phượt theo đoàn để đánh giá tình trạng sức khỏe bản thân cũng như tích lũy kinh nghiệm. Như vậy sẽ an toàn hơn", Vũ Đăng Phượng cho biết.
Quỳnh Mai