Làm việc tại một công ty tài chính trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), Thanh Hồng (24 tuổi, ngụ quận 4) thường đến công viên bến Bạch Đằng sau giờ tan ca. Tại đây, cô đi bộ dạo mát, có hôm lại chạy bộ tập thể dục, tránh khung giờ cao điểm kẹt xe.
"Công viên chỉ cách chỗ làm của tôi vài trăm mét. Phố đi bộ Nguyễn Huệ thường đông các bạn trẻ trượt ván, nhảy, hát, tôi thấy khá bất tiện nên chọn công viên bến Bạch Đằng chạy bộ. Chỉ cần di chuyển thêm một đoạn nhưng không gian yên bình, mát mẻ hơn hẳn", Thanh Hồng chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Điểm check-in quen thuộc của nhiều người trẻ
Theo Thanh Hồng, từ lâu, công viên bến Bạch Đằng là nơi tụ họp quen thuộc của cô và nhóm bạn mỗi khi cần không gian yên tĩnh hoặc muốn ngắm thành phố lúc hoàng hôn, đêm về.
Địa điểm này sở hữu vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện để các thành viên từ các quận khác nhau đến gặp gỡ. Đặc biệt, đây còn là nơi "sống ảo" lý tưởng khi một mặt là các tòa cao ốc hiện đại, khách sạn theo lối kiến trúc châu Âu; mặt kia giáp sông Sài Gòn, hướng ra cầu Thủ Thiêm thoáng đãng.
"Sáng cuối tuần, tôi và nhóm bạn thường hẹn nhau đi cà phê ở quận 1, tiện đường qua công viên bến Bạch Đằng sẽ dừng lại chụp ảnh. Dường như bạn bè tôi ai cũng có loạt ảnh check-in với view nhà cao tầng, sông Sài Gòn hoặc nằm trên bãi cỏ tại đây. Công viên mới khánh thành không lâu nên cỏ còn rất mới", Thanh Hồng nói.
Bến Bạch Đằng là địa điểm check-in quen thuộc với nhiều bạn trẻ tại TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhiều góc check-in đẹp cũng là lý do thu hút Minh Quân (19 tuổi, ngụ quận 7) đến với khu vực bến Bạch Đằng. Anh cho biết đã dạo bộ rất nhiều lần quanh công viên, song gần đây mới thử trải nghiệm đi tàu buýt trên sông.
Hành trình lênh đênh khoảng 1 giờ khiến nam sinh viên này nhận ra thêm nhiều góc chụp ảnh rất đẹp khác từ khúc sông này.
"Xe buýt 2 tầng, đạp xe công cộng tôi đều thử qua, duy chỉ có tàu buýt đường sông là chưa có thời gian trải nghiệm. Hôm 15/2, khi vừa trở lại TP.HCM làm việc sau Tết, thời gian còn khá thong thả nên tôi thử ngay. Chuyến đi kéo dài khoảng 1 giờ, tôi nghĩ đi đông sẽ vui hơn", Quân nói.
Khó lòng ở lâu, không dễ quay lại
Thường xuyên ghé công viên bến Bạch Đằng sau giờ làm việc, Thanh Hồng nhận thấy nơi đây vào khoảng 17h có khá đông các bạn trẻ mặc trang phục công sở, đồng phục học sinh hoặc du khách quốc tế tản bộ, nghỉ chân ăn uống tại các bục xám.
Những lúc như vậy, các bục ghế tại công viên không đủ đáp ứng, nhiều người phải ngồi tựa lưng vào lan can gần sông Sài Gòn ăn uống, trò chuyện, gây lấn chiếm lối đi.
Cô cũng không thích cảnh bị mời chào, chèo kéo bởi một số người bán hàng rong thường xuyên xuất hiện.
"Trước đây, ở lề đường Tôn Đức Thắng, cứ cách 3-4 m lại có 1-2 xe hàng rong. Gần đây đã giảm bớt tình trạng này, nhưng người bán lại cầm menu vào trong công viên mời khách. Tôi không rõ họ đậu xe hàng ở đâu. Bên cạnh đó, tình trạng người dân, du khách đậu xe bên lề đường để chụp ảnh vào buổi tối vẫn còn xuất hiện, gây tắc nghẽn giao thông", Thanh Hồng nói.
Công viên bến Bạch Đằng là điểm đến thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Phương Lâm. |
Còn với Văn Thái (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), anh lại thấp thỏm sợ mất xe mỗi khi dừng lại chụp ảnh cho bạn gái tại đây. Một tối cuối tuần, anh và bạn gái dừng lại bến Bạch Đằng chụp ảnh nhưng tìm mãi không thấy chỗ gửi xe. Cặp đôi quyết định đứng chụp nhanh gần lề đường, sau đó liền rời đi vì lo mất tài sản.
"Một bạn trẻ đứng gần đó chỉ chúng tôi gửi xe ở các bãi giữ xe trên đường Tôn Thất Thiệp, đường Huỳnh Thúc Kháng, bãi giữ xe trong khu tập thể cũ dọc đường Nguyễn Huệ hoặc các khách sạn nhận giữ xe quanh khu vực phố đi bộ…, nhưng đa phần địa điểm này đều khá xa, cách 400-500m, chúng tôi chỉ có ý định chụp hình, không nán lại công viên quá lâu, gửi xe và đi bộ thì khá mất thời gian", Thái nói.
Trong khi đó, Quốc Dũng (27 tuổi, ngụ quận 7) lại cho rằng công viên bến Bạch Đằng chỉ là điểm đến lý tưởng vào chiều muộn hoặc khi trời đã tối. Ban ngày, thời tiết nắng nóng, ít ai muốn đến đây vui chơi, đi dạo vì quá ít bóng râm.
"Buổi sáng, nhiều bạn trẻ chạy qua công viên chụp ảnh rồi vội đi ngay vì trời nắng nóng gay gắt. Như vậy khuôn viên sẽ bị lãng phí không gian, phải chăng có nhiều bóng cây hoặc mái che dừng chân hơn", anh tâm sự.
Cũng theo nhân viên văn phòng này, anh mong muốn bến Bạch Đằng sẽ thân thiện hơn với người dân của thành phố, thay vì chỉ tiếp đón du khách đến một lần rồi đi.
"Tôi từng du lịch tại Singapore, công viên bên bờ sông của họ rất đẹp bởi có nhiều cây xanh, bóng râm thoáng mát. Hy vọng chúng ta cũng sẽ có những công viên giữa lòng đô thị như vậy", anh cho hay.
Tọa lạc tại vị trí đắc địa tại quận 1, nằm cạnh đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng dài khoảng 1,3 km, với diện tích hơn 8.000 m2. Tháng 3/2022, chính quyền TP.HCM cho khánh thành công viên phục vụ người dân, du khách.
Ngoài ra, bến Bạch Đằng có khai thác dịch vụ tàu buýt trên sông từ năm 2022. Thông tin từ trangweb chính thức của đơn vị tour, giá vé tàu buýt là 15.000 đồng/khách.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch