Với nhiều du khách, trung tâm thông tin du lịch của các nước thường là nơi cung cấp bản đồ miễn phí hoặc vào để hỏi tìm nhà vệ sinh công cộng gần đó. Nhưng Tammy Mermelstein coi việc ghé thăm các trung tâm du lịch là một trong những điểm nhấn khi đến Nhật Bản.
Nữ du khách sống tại Houston, Mỹ vừa trở về sau chuyến đi ba tuần đến Nhật Bản cùng gia đình. Thứ được cô khoe nhiều nhất với bạn bè là bộ sưu tập tem từ các trung tâm thông tin du lịch, điểm tham quan khắp nước Nhật.

Du khách đang hỏi đường hai nhân viên - các quầy thông tin di động ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Tại một số nơi ở châu Âu, các trung tâm thông tin du lịch đang dần thành dĩ vãng. Paris, Pháp, đã nói lời tạm biệt với quầy thông tin cuối cùng, nằm cạnh tháp Eiffel, vào tháng 1. Scotland thông báo sẽ đóng cửa các trung tâm vào cuối năm.
Giới chức hai nước cho biết ngày nay du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng qua điện thoại thông minh. Họ đóng cửa các văn phòng hướng dẫn du lịch và chuyển hướng sang Instagram, TikTok cũng như thiết lập kênh WhatsApp chuyên dụng để khách có thể đặt câu hỏi và được giải đáp trực tiếp.
Dù vậy, các quầy trung tâm thông tin du lịch ở nhiều nơi tại châu Á vẫn tiếp tục tăng số lượng. Xiang Li, giám đốc Trường Quản lý khách sạn và Du lịch tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết các trung tâm thông tin du lịch của châu Á đang phát triển mạnh mẽ vì "tư duy khác nhau của du khách trong khu vực". Khách châu Á vẫn thích các cuộc trò chuyện trực tiếp khi tìm hiểu thông tin. Người châu Á cũng ít đi du lịch tự túc như khách châu Âu, nên không có nhiều kinh nghiệm bằng và gặp cả rào cản ngôn ngữ. Vì vậy, việc tương tác và hỗ trợ trực tiếp trở nên đặc biệt quan trọng với họ.
Ngược lại, khách Âu vốn chủ động hơn và quen với các trải nghiệm tự hướng dẫn hơn, nên họ sẽ nghiêng về tìm kiếm trợ giúp trực tuyến và các tài liệu in sẵn. Năm 2015, Hàn Quốc có gần 300 trung tâm thông tin du lịch. Hiện tại, con số này là 638, gồm các "trung tâm thông tin du lịch di động" là những nhân viên đứng trên các con phố đông đúc như Myeongdong, Seoul để hỗ trợ du khách. Những người này mặc áo đỏ, đội mũ cao bồi và có thể thành thạo tiếng Trung, Nhật, Anh.

Hai nhân viên thuộc trung tâm thông tin du lịch của Hàn Quốc đang đứng trên một con phố đông đúc ở Seoul để hỗ trợ khách du lịch khi cần. Ảnh: AFP
Các trung tâm du khách ở châu Á tập trung vào tương tác và cung cấp dịch vụ. Ngược lại, các trung tâm ở châu Âu tập trung cung cấp thông tin, theo Xiang Li.
Hàn Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất có các trung tâm thông tin du lịch đang bùng nổ. Nhật Bản đã mở thêm 250 điểm đến từ năm 2018 đến 2024, do quá tải du lịch nên cần nhiều trung tâm hỗ trợ du khách với nhiều ngôn ngữ hơn. Chính phủ đang hướng đến mục tiêu đón 60 triệu khách quốc tế vào năm 2030.
Ngoài dịch thuật và các câu hỏi cơ bản như đường đến nhà vệ sinh công cộng gần nhất, các trung tâm tại Nhật cũng là những điểm du lịch hút khách. Mỗi trung tâm đều có một con dấu riêng, được gọi là eki sutanpu. Nhiều du khách, giống Tammy, có sở thích sưu tập các con dấu này và sẽ dừng ở mọi quầy thông tin du lịch nhìn thấy trên đường đi để được đóng dấu miễn phí. Nhiều du khách còn so sánh con tem nào đẹp nhất, hoặc khó tìm nhất. Ngoài các trung tâm du lịch, du khách có thể tìm thấy các con tem này ở điểm tham quan lớn như đền, chùa, đài quan sát, nhà ga xe lửa.
Doanh nhân Thái Lan Patrick Pakanan dành phần lớn thời thơ ấu ở Nhật nên anh nói tiếng Nhật trôi chảy. Dù vậy, anh luôn ghé các quầy trung tâm thông tin du lịch mỗi lần đi du lịch Nhật vì muốn trò chuyện với người dân địa phương, hỏi họ về việc nên ăn gì, ở đâu, nơi nào nổi tiếng.
Tammy cũng đồng ý với Patrick. Cô đã đến các quầy thông tin du lịch để sưu tầm tem và hỏi đường, nhưng cuối cùng gia đình cô lại dành nhiều thời gian ở đó để tham quan, tìm hiểu như thể một bảo tàng và có khoảng thời gian đáng nhớ. Tại một quầy thông tin, nhân viên đã chỉ cho con gái Tammy cách viết tên cô bé bằng tiếng Nhật. Một quầy khác, nhân viên đã cho con gái cô mượn bộ kimono để mặc vào và chụp ảnh. Một số trung tâm có cả khu vui chơi cho trẻ em.
"Nếu bạn muốn lặn biển, bạn phải tìm một thợ lặn chuyên nghiệp đi cùng, đúng không?", Patrick nói và tại quầy thông tin, anh có thể tìm được mọi thứ.
Anh Minh (Theo CNN)