Khu phố 'không ngủ' Tanjong Pagar

SingaporeTừ thị trấn nhỏ ven biển, Tanjong Pagar nay phát triển thành khu đô thị hiện đại với loạt hàng quán mở đến 2h sáng, thu hút du khách lẫn dân địa phương.

Trong tiếng Malaysia, Tanjong Pagar nghĩa là mũi đất cắm đầy cọc gỗ (cap of stakes). Trước đây, khu phố là một thị trấn nhỏ ven biển, tập trung nhiều ngư dân. Theo thời gian, Tanjong Pagar dần phát triển, trở thành khu đô thị hiện đại "không ngủ" với loạt hàng quán mở cửa đến 2h sáng.

Hiện thị trấn nhỏ ngày trước đã chuyển mình thành khu Trung tâm Tài chính (Central Business District) hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa lịch sử truyền thống. Dưới đây là một số điểm đến gợi ý để du khách tham khảo, qua đó xây dựng lịch trình khám phá khu phố di sản này trọn vẹn.

Nhà cổ NUS Baba House

Một trong những điểm nhấn của khu phố là những công trình di tích lịch sử, mang dấu ấn văn hóa lâu đời, được xây dựng với lối kiến trúc cổ cách đây hàng thập kỷ. Ngày nay, chúng được cải tạo thành những căn shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng), nằm dọc theo các con đường Duxton Hill, Peck Seah Street và Neil Road. NUS Baba House tọa lạc trên đường Neil Road là một trong số đó. Ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1896-1897 theo lối kiến trúc của người Peranakan ở Singapore.

Peranakan trong tiếng Malaysia nghĩa là "con lai", chỉ hậu duệ của thương nhân Trung Quốc và phụ nữ bản địa từ nhiều thập kỷ trước. Kiến trúc Peranakan giao thoa giữa thẩm mỹ với giá trị văn hóa truyền thống Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và phong cách Âu châu dưới thời thuộc địa.

Đây là một trong những công trình lịch sử được bảo tồn và gìn giữ tốt nhất tại đảo quốc. Ngôi nhà ba tầng nổi bật trên phố với tông xanh dương cùng họa tiết truyền thống trước đây thuộc sở hữu của "ông trùm vận tải" Wee Bin. Sau đó, di tích được trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiếp quản và bảo tồn đến nay. Ảnh: The Peranakan Association Singapore

Ngôi nhà hiện được cải tạo nhưng vẫn giữ hiện trạng cũ. Các đồ nội thất xưa và khung hình gia đình được trưng bày, tái hiện cuộc sống hưng thịnh của người Peranakan ở thế kỷ trước. Hơn 2.000 hiện vật được bảo quản tại tầng 1 và 2. Tầng ba được cải tạo thành phòng trưng bày nghệ thuật cho khách tham quan.

Du khách muốn ghé thăm nhà cổ hoặc cần hướng dẫn viên phải đăng ký lịch trước qua website. Nhà tọa lạc tại địa chỉ 157 Neil Road, mở cửa tham quan tự túc vào các khung 13h30, 14h25, 15h15 và 16h. Mỗi tuần sẽ có các tour tham quan với hướng dẫn viên sử dụng tiếng Anh (lúc 10h từ thứ 3-6) và tiếng Trung (10h thứ 2). Ảnh: Singapore Tourism Board

Đền Thian Hock Keng

Là một trong những ngôi đền Phúc Kiến cổ nhất tại đảo quốc, Thian Hock Keng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Singapore. Năm 1839, nhờ sự hỗ trợ của ông Tan Tock Seng và Si Hoo Keh, cộng đồng người Phúc Kiến đã cùng xây dựng đền trên đường Telok Ayer. Sau khi hoàn thành xây dựng năm 1840, đền không chỉ là nơi thờ phụng nữ thần biển Ma Tổ, mà còn là văn phòng và điểm họp mặt của dân cư địa phương.

Đền mang phong cách kiến trúc truyền thống miền Nam Trung Quốc với ba vật liệu chủ đạo là đá, ngói và gỗ. Tham quan đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mảnh sứ vỡ nhiều màu trên gờ mái, cột trụ chạm khắc rồng phượng tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống của nghệ nhân Phúc Kiến. Toàn bộ chi tiết từ mái đình đến các cột trụ gỗ, xà ngang đều được lắp mà không cần dùng đinh. Ảnh: Chinatown Singapore

Lịch sử đền được lưu lại trên các bia đá ở tiền sảnh. Bên trong đại điện trưng bày thư pháp với dòng chữ viết tay "Bo Jing Nan Ming" (Sóng nhẹ nhàng trên biển Nam) của Hoàng đế Quang Tự nhà Thanh. Hiện đền Thian Hock Keng do Hokkien Huay Kuan Singapore (Cộng đồng Phúc Kiến tại Singapore) quản lý, được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1973. Trong vài thập kỷ qua, tổ chức quản lý này đã tài trợ hơn 6,5 triệu USD cho quá trình trùng tu, sửa chữa di tích.

Dự án trùng tu gần đây nhất bắt đầu năm 1998 và hoàn thành vào tháng 12/2000, giúp công trình giành 4 giải thưởng kiến trúc. Trong đó, giải thưởng danh giá nhất là danh hiệu Di sản châu Á - Thái Bình Dương năm 2001 do UNESCO công nhận. Đền tọa lạc tại số 158 Telok Ayer Street, mở cửa tự do từ 7h30-17h30 hàng ngày. Ảnh: Wikimedia Commons

Thưởng thức bánh ú đặc sản Singapore

Về ẩm thực, nếu đến thăm Tanjong Pagar, không nên bỏ qua món bánh ú nếp gia truyền của Hoo Kee Bak Chang (Bukit Merah Central). Đây là món ăn đặc trưng của đảo quốc sư tử, tượng trưng cho sự hòa hợp, gắn kết đa chủng tộc ở quốc gia này. Bánh làm từ gạo nếp gói lá dong với nhân gồm thịt lợn, nấm, trứng muối...Ảnh: Sethlui

Tiệm bánh Hoo Kee Bak Chang ra đời năm 1940, hiện do thế hệ thứ ba quản lý. Quán đã truyền qua ba đời nhưng vẫn giữ được hương vị thuở đầu. Tiệm được vinh danh Michelin Bib Gourmand bốn năm liên tiếp từ 2016-2019 và hai năm 2021, 2022.

Loại bánh được yêu thích nhất là bánh bak chang truyền thống của Phúc Kiến. Chưa cần mở bánh, bạn đã có thể cảm nhận được mùi ngũ vị hương và gia vị ướp. Mở lớp lá gói, hương thơm của thịt heo ướp vị đậm đà cùng nếp chín lan tỏa, tạo ấn tượng khó phai.

Hoo Kee Bak Chang có nhiều lựa chọn nhân bánh như: bánh ú hạt dẻ (3,5 SGD, gần 66.000 đồng), bánh ú trứng muối với hạt dẻ (4,5 SGD, gần 84.900 đồng), bánh ú nấm với hạt dẻ (4,5 SGD, gần 84.600 đồng) và bánh ú hạt dẻ thịt heo với trứng muối và nấm (5,5 SGD, gần 104.000 đồng). Tất cả bánh đều được gói và hấp trong ngày. Tiệm tọa lạc tại số 161 Bukit Merah Central, #01-3735, mở cửa 9h-15h từ thứ 2-7, đóng cửa vào Chủ Nhật. Ảnh: Instagram @gastronomich_

Hương vị ẩm thực Peranakan tại The Blue Ginger

Là nhà hàng Peranakan nổi tiếng và liên tiếp nhận giải Michelin Bib Gourmand từ năm 2020, The Blue Ginger được dân địa phương ưa chuộng từ năm 1995 đến nay. Chi nhánh nhà hàng ở Tanjong Pagar nằm trong một căn shophouse ba tầng xinh xắn. Ảnh: Casual Diners Singapore

Sau hơn 20 năm kinh doanh, chất lượng món ăn là yếu tố giữ chân, hút nhiều thực khách trở lại Blue Ginger. Toàn bộ menu đều được nấu bằng kỹ thuật truyền thống với nguyên liệu từ cả Trung Quốc và Malaysia. Nổi bật có đùi gà nướng không xương Ayam Panggang "Blue Ginger" (16 SGD, gần 302.000 đồng). Đùi gà dùng kèm nước sốt từ cốt dừa béo ngậy, gia tăng hương vị với gừng, sả, được phết lên trong quá trình nướng. Phần sốt cũng giúp cân bằng các hương vị cay, chua, ngọt và mặn.

Một món khác là chè bánh lọt sầu riêng Durian Chendol (10 SGD, khoảng 188.000 đồng) béo ngậy với đậu đỏ và thạch lá dứa, ăn kèm nước cốt dừa tươi. Vị ngọt của chè chủ yếu từ đường thốt nốt và mứt sầu riêng. Thực khách có thể thưởng thức những hương vị trên tại địa chỉ 97 Tanjong Pagar Road, mở cửa hai khung giờ 12h-15h và 18h30-22h30 từ thứ Hai đến Chủ Nhật. Ảnh: Daniel Food Diary

Thưởng thức cà phê "trên mây"

Sau bữa ăn thịnh soạn, đậm vị, nhấm nháp một ly cà phê thơm phức là lựa chọn lý tưởng. Dù chỉ mới mở cửa năm ngoái, Cloud Café đã trở thành điểm đến yêu thích của dân địa phương. Nơi đây hút khách nhờ không gian yên bình với cách thiết kế tối giản theo chủ đề mây trời. Trần quán dày đặc những đám mây trắng lơ lửng làm từ giấy, cho cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Không gian quán tối giản với tường gạch chưa hoàn thiện (unfinished tiled walls), sàn xi măng và tường sơn màu xám, trắng... mô phỏng sắc thái của mây. Ảnh: Daniel Iskandar

Cà phê của quán đa phần sử dụng hạt nhập khẩu. Giá dao động từ 3 SGD (khoảng 56.000 đồng) cho một shot espresso tự rang, sử dụng hạt từ Minas, Brazil. Ngoài cà phê nguyên chất (single origin), quán còn có các loại bánh ngọt tự làm, mỗi ngày được trưng bày tại quầy

Bánh được phục vụ trên đĩa kim loại hợp với concept quán. Nhiều món có giá chỉ từ 2-6 SGD (khoảng 37.000-113.000 đồng) như bánh chuối, bánh dâu chanh, bánh trái cây crumble, bánh quy chocolate muối biển, bánh quy bơ, brownie với sốt caramel miso. Được yêu thích nhất là Financier, bánh hạnh nhân kiểu Pháp. Nhân bánh là các quả mọng khô với kết cấu mềm, ẩm. Cloud Café tọa lạc tại địa chỉ 1A Duxton Hill, mở cửa 10h-18h từ thứ Ba đến Chủ Nhật.

Với các gợi ý trên, du khách có thể khám phá trọn vẹn bản sắc văn hóa, ẩm thực và lịch sử của khu phố Tanjong Pagar. Lịch trình này hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, giúp bạn có cái nhìn mới mẻ về đảo quốc sư tử trong lần ghé thăm tới. Ảnh: Daniel Iskandar

Thy An

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net