Làm việc tại bảo tàng ở cực nam Trái Đất

Năm người Anh làm việc tại bưu điện và bảo tàng đặt tại châu Nam Cực, một trong số đó hằng ngày có nhiệm vụ thông báo với thế giới bên ngoài rằng họ vẫn còn sống.

Cuối tháng 10, nhóm 5 thành viên thuộc Quỹ Di sản Nam Cực của Anh (UKAHT) được cử đi làm việc tại một trong những nơi xa xôi và khắc nghiệt nhất - đảo Gouider nằm ở cực nam Trái Đất. Tại nơi cách quê nhà hơn 14.000 km, các nhân viên sẽ làm việc tại bưu điện và bảo tàng (tòa nhà bên tay phải).

Một trong số họ nhận nhiệm vụ chính là hằng ngày kết nối với thế giới bên ngoài để thông báo cả nhóm "vẫn còn sống".

Các nhà thám hiểm, từ trái qua phải, gồm Aoife McKenn, George Clarke, Lou Hoskin, Dale Ellis và Maggie Coll.

Lou Hoskin được giao nhiệm vụ quản lý căn cứ, đảm bảo nhiên liệu, thực phẩm không bị thiếu hụt. Mỗi ngày, cô sẽ gửi thông điệp từ cảng Lockroy tới trung tâm quản lý tại Anh, thông báo về việc cả 5 người đều còn sống.

Đảo Goudier có diện tích tương đương một sân bóng đá, khoảng 7.000 m2. "Hàng xóm" của họ là 1.000 con chim cánh cụt gentoo. Thỉnh thoảng, họ sẽ gặp thêm hải cẩu, báo, nhím biển, hải quỳ.

Tòa nhà nhỏ 5 người sống và làm việc trong 5 tháng có tên "Căn cứ A, cảng Lockroy" (ảnh).

5 người sẽ sống trong điều kiện Mặt Trời chiếu sáng liên tục, ngủ phòng tập thể, không có sóng điện thoại và truy cập Internet qua vệ tinh. Nơi này không có nước máy hay nhà vệ sinh xả nước.

Maggie làm nhiệm vụ giám sát động vật hoang dã, đếm tổ, trứng và chim non trên đảo. Trước đó, cô từng làm trong lĩnh vực du lịch. "Có hàng xóm là chim cánh cụt thật tuyệt vời", cô nói.

Dale Ellis làm trong lĩnh vực truyền thông và nghệ thuật, sẽ quản lý cửa hàng quà tặng trên đảo, bán đồ và bưu thiếp cho khách du lịch ghé thăm từ tàu. George làm nhiệm vụ bưu tá, xử lý nội dung hàng nghìn bưu thiếp do các tàu du lịch gửi đến.

Nếu muốn tắm, họ phải đợi các tàu du lịch vào cảng và lên đó tắm nhờ. Tuy nhiên, nhiệt độ ở khu vực này không quá lạnh, khoảng âm 5 độ C vì thời điểm họ ở là mùa hè tại Nam Cực.

Bảo tàng trên đảo là nơi tôn vinh các nhà khoa học Nam Cực, thuộc quyền quản lý của Aoife. Nhà thám hiểm người Anh cho biết rất háo hức đến làm việc ở bảo tàng và chia sẻ về những câu chuyện ở đây.

Bên trong bảo tàng (ảnh) trưng bày các món đồ của các nhà khoa học từng đến đây sống và nghiên cứu, sử dụng.

Trước khi đến Nam Cực, 5 người đều phải học sơ cứu, bảo vệ môi trường vốn nhạy cảm ở vùng cực và nghiên cứu về chim cánh cụt.

Vào cuối mùa hè, nhóm sẽ đón tiếp thêm các chuyên gia nữa đến làm nhiệm vụ khôi phục các tòa nhà lịch sử. Cả nhóm sẽ tiếp cận khu bảo tồn đảo Blaiklock, một trong những nơi nhỏ và xa xôi nhất thuộc UKAHT. Vào những năm 1950, các nhà khoa học của Anh đã đến đảo này làm việc và nghiên cứu.

Anh Minh (Theo DM)
Ảnh: UKAHT

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net