Làng gạch, gốm trăm năm ở Vĩnh Long

Làng nghề gạch, gốm huyện Mang Thít tồn tại khoảng 100 năm, nhìn từ xa trông như những toà tháp cổ lâu đời trầm mặc bên dòng Cổ Chiên.

Làng nghề làm gạch nung ở huyện Mang Thít hình thành cách đây hơn 100 năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời hoàng kim làng gạch trải dài 30 km trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít với hơn 3.000 lò hoạt động. Hiện còn khoảng 800 lò gạch, trải dài trên diện tích 3.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.

Các lò gạch nằm ven sông thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa đi các nơi. Thời kỳ hưng thịnh vào những năm 1980, nơi đây tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Các sản phẩm gạch, gốm ngoài cung cấp cho nhu cầu trong nước còn xuất khẩu đi nước ngoài.

Mỗi nhà thường có 2-5 lò gạch. Sau năm 2000, nghề nung gạch ở Mang Thít dần đi xuống do chi phí sản xuất cao, thói quen người dùng thay đổi. Nhiều nhà phá bỏ lò gạch để làm việc khác. Một số lò được giữ lại nhưng không hoạt động, theo thời gian cây cỏ bám đầy, phủ kín rêu phong.

Lò được xây dựng từ hàng nghìn viên gạch thẻ đều tăm tắp, xếp theo kiến trúc tháp tròn. Trung bình, 10 thợ sẽ xây xong một lò trong nửa tháng, sử dụng hơn 30.000 viên gạch thẻ.

Mỗi lò có thể chứa khoảng 15.000 viên, nung trong 20 ngày thì ra thành phẩm. Công nhân dùng tro trấu để nung gạch giúp tiết kiệm chi phí, nguyên liệu.

Một lò gạch thường cao 7 m - 12 m, có hình như tháp tròn, nhỏ dần ở đỉnh. Gạch sau khi nung sẽ tiếp tục được hoàn thiện các công đoạn thành phẩm để đưa đi tiêu thụ.

Đất sét được lấy từ các kênh, rạch ở Vĩnh Long, Trà Vinh đưa về lò, sau đó sẽ cắt nhỏ thành viên.

Các xưởng sản xuất gạch ngày nay chỉ duy trì vài công nhân làm nghề.

Ông Nguyễn Văn Theo, công nhân làm gạch ở kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít đem những viên gạch vừa cắt xong ra ngoài phơi nắng.

"Trước đây nơi này nhộn nhịp lắm giờ thưa thớt rồi", người đàn ông 60 tuổi, có 30 năm làm gạch cho biết.

Một số công đoạn làm gốm đòi hỏi những thợ lành ghề, tỉ mỉ. Làng nghề địa phương thiếu những thế hệ trẻ tiếp nối để duy trì.

"Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn trang trải cuộc sống", bà Nguyễn Thị Bảy, 55 tuổi, làm chậu gốm hơn 20 năm, cho biết.

Các sản phẩm gốm hoàn thiện chuẩn bị mang đi tiêu thụ.

Một số lò gốm ở Mang Thít, Vĩnh Long ngoài phục vụ sản xuất còn mở cửa cho khách tham quan du lịch.

Mẫu mã, sản phẩm của làng gốm cũng phong phú hơn. Ngoài gạch, lu truyền thống, các loại chậu gốm nhiều hình dáng, gốm trang trí cũng được ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ khách tham quan mua làm quà lưu niệm.

Thanh Tùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net