Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc, những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Tham quan các tư liệu triển lãm tại Tàng Thơ lâu (Huế) nhân Ngày Sách và văn hóa đọc
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng giới thiệu chuỗi hoạt động trưng bày "Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ lâu" từ các tài liệu quý dưới triều Nguyễn.
Trong đó có nhiều sách Hán Nôm như "Đại Nam Quang chế", "Đại Nam Anh nhã tiền biên", "Hoàng triều Ngọc điệp", "Ngự chế văn minh cổ khí đồ", "Hoàng Việt tân luật", "Thượng dụ Huấn điều", "Nam quốc Giai sự"; bộ tranh "Grande Tenue De La cour D’Annam" của tác giả Nguyễn Văn Nhân được vẽ tại Huế tháng 12-1902 và các tài liệu trang phục triều Nguyễn, bộ sưu tập văn bằng triều Nguyễn...
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và một số nhà nghiên cứu tại TP Huế đã trao tặng nhiều sách, báo, tư liệu lịch sử quý cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để trưng bày tại lầu Tàng Thơ.