Những điểm check-in nổi tiếng tại Singapore

SingaporeBảo tàng ngoài trời Gelam Gallery, cầu Alkaff, vườn lan quốc gia, đường Koon Seng Road... là các điểm đến hút hàng nghìn du khách đến check-in mỗi ngày.

Ngoài ẩm thực, văn hóa đa dạng, đảo quốc sư tử còn nổi tiếng với các địa điểm check-in bắt mắt. Dưới đây là một vài gợi ý không nên bỏ lỡ khi có dịp ghé Singapore. Không chỉ có ảnh đẹp “sống ảo”, những khu vực này còn gần các tụ điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống, tiện cho du khách lên lịch trình tham quan. Ảnh: City Insider

Gelam Gallery - "Thiên đường" nghệ thuật đường phố

Khởi điểm là khu giao hàng và xử lý rác thải, khuôn viên quanh Muscat Street thuộc khu phố Kampong Gelam hiện được cải tạo thành bảo tàng ngoài trời Gelam Gallery. Điểm tham quan tôn vinh nghệ thuật và văn hóa Singapore qua những bức tranh tường rực rỡ, các tác phẩm nghệ thuật mosaic của 30 nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế. Ảnh: Singapore Tourism Board

Mỗi tác phẩm đều đi kèm bảng mô tả, giúp khách tham quan hiểu hơn về câu chuyện ý nghĩa phía sau và tác giả của chúng. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những mảng màu phá cách với thiết kế độc đáo của JabaOne, người từng thổi hồn cho con đường Haji Lane.

Họa tiết Mandala, đặc trưng của văn hóa Á Đông cũng được tái hiện sống động bởi nghệ sĩ Bianca Goetz. Khu triển lãm còn mang đến những "ô cửa sổ diệu kỳ" của Cynthia Wang với những nàng tiên mải mê ngắm những chú công xòe đuôi.

Gelam Gallery nằm giao giữa các đường North Bridge, Baghdad Street và Muscat Street, vào cửa miễn phí cả ngày. Sau khi chụp ảnh xong, du khách có thể dành thời gian khám phá Kampong Gelam - một trong những khu phố lâu đời nhất đảo quốc. Bạn có thể tham quan Bảo tàng Máy ảnh Cổ điển (Vintage Camera's Museum), viếng Masjid Sultan - đền thờ Hồi giáo lâu đời nhất Singapore, hay mua sắm quà lưu niệm tại Haji Lane... Ảnh: SilverKris

Alkaff Bridge - một trong những cây cầu đẹp nhất Singapore

Cầu Alkaff (Alkaff Bridge) là cầu bộ hành, bắt qua sông Singapore, nối khu trung tâm với khu Robertson Quay, gần bến Alkaff cũ. Cầu thép dài 55 m, nặng đến 230 tấn, được đặt tên theo một gia đình Ả Rập nổi tiếng vào những năm 1900 tại đảo quốc. Cầu có hình dáng giống một chiếc "tongkang", loại thuyền nhẹ được dùng nhiều vào thời xưa để vận chuyển hàng qua sông.

Cầu khởi công năm 1997, hoàn thành sau hai năm và được họa sĩ người Philippines Pacita Abad sơn lại vào đầu năm 2004 với nhiều màu sắc sặc sỡ. Bà và đội thi công đã dùng 900 lít sơn công nghiệp với 55 màu sắc khác nhau, biến Alkaff thành "chiếc cầu của nghệ thuật" đầu tiên tại Singapore. Ảnh: Singapore Tourism Board

Cầu Alkaff ngoài là biểu tượng nghệ thuật liên kết giữa đảo quốc và Philippines. Công trình vừa được sơn lại vào tháng 6/2019 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau khi check-in thả ga, du khách có thể đi dạo dọc Robertson Quay, tham gia workshop nghệ thuật tại STPI Creative Workshop & Gallery, hoặc thư giãn tại The Book Café... Ảnh: Pacita Abad

Vườn lan quốc gia tại Singapore Botanic Gardens

Nơi đây hiện là một trong những vườn lan lớn nhất thế giới ở địa chỉ 1 Cluny Rd, mở cửa 8h30-19h mỗi ngày. Tọa lạc ngay trong Vườn bách thảo Singapore (Singapore Botanic Gardens) , Vườn lan quốc gia (National Orchid Garden) rộng 3 ha là nơi sinh sống của hơn 600 giống lan từ khắp thế giới.

Một trong những "nàng thơ" của vườn là Lan vũ nữ với đặc tính mọc thành chùm và xếp theo từng mảng, tạo hiệu ứng thị giác đẹp mắt. Một loài khác nổi tiếng không kém là Lan hổ bì, có kích thước lớn nhất thế giới với họa tiết vằn và bộ rễ khổng lồ. Ảnh: Singapore Tourism Board

Ngoài hoa lan, vườn còn có những loài thực vật gắn liền văn hóa Ai Cập cổ đại như Cọ bánh gừng (hay Bạc hoa đằng với những chiếc lá rộng bằng tai voi. Trong khuôn viên vườn còn có Burkill Hall - ngôi nhà thời chiến với kiến trúc cổ, hiện được sửa chữa làm điểm tổ chức tiệc và lễ cưới cho khách có nhu cầu. Ảnh: CPG Consultant

Một trong những nơi được cho là đắt giá nhất vườn lan là khu VIP với bộ sưu tập những giống lan được đặt theo tên người nổi tiếng như Dendrobium Margaret Thatcher hay Mokara Laura Bush. Khu này cũng nhằm tôn vinh quốc hoa Singapore - Vanda Miss Joaquim. Loài lan này tượng trưng cho nét đẹp và sức sống của người dân đảo quốc. Ảnh: Singapore Tourism Board

Ngoài vườn lan, du khách có thể tiện đường ghé thăm Rừng nhiệt đới (Rainforest). Nơi đây trồng nhiều loài cây đặc trưng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Gần đó là bảo tàng Di sản SBG (SBG Heritage Museum), nơi kể các câu chuyện kể về cột mốc lịch sử của Vườn bách thảo Singapore (Singapore Botanic Gardens). Bạn sẽ được học hỏi thêm về các loài thực vật nhiệt đới hay thậm chí là kinh tế nông nghiệp. Ảnh: SCLD

Koon Seng Road - điểm "sống ảo" nổi tiếng giới trẻ

Là một trong những con đường sặc sỡ nhất Singapore, Koon Seng Road tại khu phố Katong - Joo Chiat nổi tiếng với những dãy nhà sơn màu pastel của người Peranakan, truyền nhân của thương nhân Trung Quốc và người bản địa tại quần đảo Malaysia. Ở Singapore, di sản của người Peranakan được thể hiện rõ nhất ở khu phố này, tạo nên bức tranh đa văn hóa thú vị.

Nếu muốn có những tấm hình check-in đẹp tại Koon Seng Road, du khách nên chọn trang phục hợp với gam màu pastel nhẹ nhàng. Sáng hoặc đầu giờ chiều là thời điểm lý tưởng để chụp ảnh. Ngoài ra cũng cần lưu ý không làm ồn, giữ trật tự công cộng, tránh ảnh hưởng người dân đang sống tại đây. Ảnh: Singapore Tourism Board

Sau buổi chụp ảnh, nếu hứng thú với văn hóa Peranakan, du khách có thể ghé qua bảo tàng tư nhân The Intan tại khu phố với hơn 5.000 cổ vật. Cửa hàng Rumah Bebe ngay gần đó cung cấp hàng loạt món đồ sứ, vải vóc, trang phục truyền thống Peranakan để bạn thoải mái mua về làm quà. Ngoài ra còn có các nhà hàng, workshop kết cườm, làm bán... đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách mọi lứa tuổi.

Với các gợi ý trên, du khách sẽ không lo thiếu ảnh "sống ảo" cho chuyến ghé thăm đảo quốc sư tử sắp tới. Gần ngay các địa điểm check-in nổi tiếng này là các tụ điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống hấp dẫn. Đây hứa hẹn là những lựa chọn đáng cân nhắc cho du khách đang tìm kiếm nơi giải trí, khám phá ẩm thực, văn hóa cả ngày dài. Ảnh: Singapore Tourism Board

Thy An

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net