Những điểm đến nổi tiếng khắp Việt Nam lên phim Mỹ

Bối cảnh phim "A Tourist’s Guide To Love" được quay tại các thành phố du lịch như TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Hà Giang, Hà Nội.

Bộ phim phát sóng hôm 21/4 trên Netflix kể về chuyến đi của Amanda, một chuyên viên du lịch (Rachael Leigh Cook đóng), đến Việt Nam sau khi chia tay bạn trai. Hầu hết cảnh xuyên suốt phim được quay tại Việt Nam. Đây là phim quốc tế đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép quay sau Covid-19.

Bộ phim là câu chuyện tình nhẹ nhàng về chuyến hành trình chữa lành trái tim. Amanda được cử đến tìm hiểu một công ty du lịch tại TP HCM mà công ty cô đang xem xét mua lại. Đóng giả người mua tour, Amanda tham gia hành trình dọc Việt Nam cùng một nhóm khách. Các điểm đến xuất hiện trên phim nằm trong lịch trình khám phá đất nước hình chữ S của nữ du khách. Tại đây, cô gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với Sinh, một hướng dẫn viên địa phương. Trên ảnh là cảnh đường phố TP HCM và hai nhân vật chính.

Điểm dừng chân đầu tiên của Amanda là TP HCM, trong đó có chợ Bến Thành (ảnh). Đây là nơi du khách mua sắm, thưởng thức ẩm thực địa phương như cơm tấm, gỏi cuốn. Amanda lần đầu thử món sầu riêng, được Sinh chỉ cách trả giá khi mua hàng. Cũng ở TP HCM, nữ du khách Mỹ cũng được hướng dẫn cách băng qua đường mà không cần đèn tín hiệu.

Thành phố hiện đại, không ngừng dịch chuyển hiện lên qua khung cảnh những tòa nhà chọc trời nhìn từ trên cao, đường sá kín người và xe, chợ tấp nập. Những địa điểm quen thuộc ở khu vực trung tâm cũng xuất hiện là tòa chung cư kiểu cũ ở khu người Hoa, hồ Con Rùa, phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Học Lạc, quận 5.

Sau TP HCM, Amanda và nhóm du khách di chuyển đến Hội An. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện là toàn cảnh khu phố cổ tường vàng, mái ngói đỏ nhìn từ trên cao. Tiếp đến là Trung Hoa Hội Quán, tọa lạc tại đường Trần Phú, nơi đoàn khách được xem múa lân. Hội An về đêm khiến nữ chính choáng ngợp bởi khu phố đèn lồng đầy màu sắc và sông Thu Bồn lung linh những ngọn đèn hoa đăng.

Tham quan phố cổ, ghé tiệm may địa phương để đặt may áo dài lấy trong ngày là một trong những hoạt động được nhiều khách nước ngoài yêu thích khi đến phố Hội. Trải nghiệm này từng được blogger nổi tiếng Nas Daily (Mỹ) chia sẻ trong video thu hút hàng triệu lượt xem.

Hình ảnh của đoàn làm phim trên bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng. Trải nghiệm ngồi thuyền thúng được ghi hình tại đây, không phải ở rừng dừa Bảy Mẫu quen thuộc tại Hội An. Cầu Rồng bắc qua sông Hàn cũng xuất hiện trong vài cảnh quay của bộ phim.

Tiếp theo đó là Thánh địa Mỹ Sơn thuộc Quảng Nam Địa điểm cách TP Đà Nẵng khoảng 70 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Khung cảnh, kiến trúc tại đây mang bầu không khí cổ xưa, khiến Amanda cảm thấy như lạc vào không gian khác.

"Đây không chỉ là một điểm du lịch bình thường mà là trải nghiệm", cô nói.

Điểm dừng chân kế tiếp của các nhân vật bị thay đổi, không đi theo lịch trình. Sinh đưa đoàn đến thôn Chàng, là nơi bà nội anh sinh sống cùng họ hàng. Cảnh quay tại thôn này được ghi hình ở Hà Giang, với khung cảnh núi non trùng điệp, ruộng bậc thang chưa vào vụ lúa, đường đi quanh co và những ngôi nhà sàn phơi đầy bắp.

Khung cảnh thiên nhiên là phụ, văn hóa địa phương mới là điểm nhấn ở Hà Giang. Amanda đến thôn Chàng vào những ngày giáp Tết. Những phong tục truyền thống trong gia đình ngày Tết được tái hiện tại như dọn nhà, ban thờ, lau rửa lư hương đồng, thăm mộ người thân, đốt vàng mã, gói bánh chưng, đồ xôi gấc, kho cá. Những vị khách nước ngoài cũng được tham gia vào công việc chuẩn bị cho ngày Tết, trưng diện quần áo dân tộc. Amanda thích thú khi được mặc áo dài.

Bộ phim cũng đưa vào nhiều phong tục khác như xông đất đầu năm, khung cảnh mọi người quây quần trên chiếu cói ăn bữa cơm Tết truyền thống, cảnh chợ quê.

Tuy nhiên, những cảnh quay ở Hà Giang "gặp sạn" khi miêu tả không khí dịp Tết ở miền Bắc, thời điểm vùng núi nhiệt độ xuống thấp, nhưng các nhân vật trong phim chỉ diện trang phục mùa hè. Ngoài ra, mâm cơm Tết miền Bắc có thêm món chả trứng kho đặc trưng của người dân Nam Bộ.

Điểm đến cuối cùng của hành trình là Hà Nội. Khung cảnh thủ đô vừa hiện đại vừa cổ kính hiện lên với cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, những khu phố cổ đông đúc. Hai hoạt động du lịch ở Hà Nội được giới thiệu trong phim là xem múa rối nước và ăn đêm đường phố.

Cảnh ăn đêm diễn ra trên một con đường thuộc khu phố cổ. Đoàn khách khen món thịt xiên nướng, thoải mái ngồi ghế nhựa không tựa, xung quanh không khí tấp nập của đủ loại hàng quán như mực nướng, trà đá, quán chè tràn ra đường phố xe cộ qua lại. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng xuất hiện trong vài phân cảnh.

Kết phim là những cảnh quanh khu vực Nhà hát lớn Hà Nội nhộn nhịp về đêm.

Không bàn đến chuyện tình tay ba giữa Amanda, Sinh và bạn trai cũ, chuyến du lịch đến Việt Nam là "chuyến đi để đời" với nữ chính. Cô vui khi được bà nội Sinh bắt lau dọn lư hương, thấy như được hòa vào cuộc sống thường nhật của những người bản địa vừa gặp. Amanda cho rằng những trải nghiệm chân thật, mang tính gắn kết là thứ du khách cần sau mỗi chuyến đi.

Theo một chuyên gia du lịch tại Việt Nam, Netflix đã khéo léo giới thiệu hầu hết cảnh đẹp của Việt Nam vào phim. Phim có lẽ được xem là bình thường với nhiều người chúng ta nhưng mỗi phân cảnh đều lạ lẫm và gây tò mò với người Mỹ.

"Có lẽ đây là bộ phim làm được nhiều nhất cho du lịch Việt Nam từ trước tới nay", ông nói. Bài học bộ phim Lord of the Rings đã giúp cho du lịch New Zealand thu hút khách quốc tế. Chính phủ nước này đã đầu tư rất nghiêm túc cho việc quảng bá theo bộ phim. "Họ đã không ngồi im chờ lộc tới. Và giờ là cơ hội cho Việt Nam", ông nói thêm.

Bích Phương
Ảnh: Netflix

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net