Những năm gần đây, TP.HCM đầu tư vào các sản phẩm du lịch sông nước như buýt sông, du thuyền, thể thao dưới nước, tour tham quan… Đây là nỗ lực lớn của chính quyền và các doanh nghiệp địa phương trong việc tạo dựng, khai thác du lịch từ nguồn tài nguyên lợi thế, theo thạc sĩ Phạm Đức Thiện, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Tuy nhiên, du lịch sông nước tại TP.HCM chưa có cú bật do nhiều yếu tố như lịch sử khai thác còn mới mẻ, tình trạng ô nhiễm tại nhiều hệ thống kênh rạch chậm khắc phục, nguồn vốn, sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng…
Liên hệ đến sự thành công của Thái Lan và Singapore, TP.HCM cần học hỏi nhiều về cách làm du lịch sông nước vì vẫn còn dư địa để phát triển.
Chú trọng hạ tầng, trải nghiệm
Thạc sĩ Phạm Đức Thiện cho biết hệ thống sông ngòi, cảnh quan, di tích của Thái Lan và Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác du lịch sông nước. Bên cạnh đó, thời gian phát triển lâu dài của ngành du lịch cũng giúp tích lũy nguồn vốn và kinh nghiệm.
"Thái Lan hay Singapore đều đang tạo dựng sản phẩm du lịch sông nước bằng việc tạo ra các dịch vụ, hàng hóa đa dạng để phục vụ du khách, dựa theo nguồn tài nguyên tại điểm đến", thạc sĩ nói.
Chợ nổi là sản phẩm tiềm năng trong du lịch sông nước của Thái Lan. Ảnh: Bangkok. |
Đối với Thái Lan, ẩm thực là tài nguyên. Họ bán nhiều món ăn và thức uống truyền thống, đồ lưu niệm tại các khu chợ nổi như Pattaya, Damnoen Saduak… giúp du khách có thể vừa ngắm chợ vừa ăn ngon. Trên sông Chao Phraya, du thuyền đêm đưa khách ngắm cảnh 2 bên bờ sông, đi kèm là nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí.
Tại Singapore, di tích và công trình kiến trúc được nhìn nhận là tài nguyên. Những con thuyền bumboat đưa du khách dạo sông, đi qua nhiều công trình nổi bật như Clarke Quay, Marina Bay Sands, Merlion… và ngắm cảnh phố đêm tuyệt đẹp từ một góc độ mới.
"Việc tích hợp dịch vụ thuyết minh về lịch sử, các chương trình nhạc nước, nghệ thuật góp phần tạo ra sản phẩm du lịch sông nước của Singapore. Không những vậy, hệ thống nhà hàng ven sông chuyên ẩm thực địa phương cũng đa dạng hóa trải nghiệm", thạc sĩ Phạm Đức Thiện thông tin.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) chia sẻ: "Thành công của Thái Lan nằm ở việc kết hợp tinh tế giữa văn hóa và thiên nhiên. Chợ nổi và các ngôi chùa ven sông là minh chứng cho thấy khả năng của nước này trong việc kết hợp di sản văn hóa phong phú với vẻ đẹp tự nhiên".
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận cũng là điểm cốt lõi trong sự thành công của du lịch sông nước của Thái Lan và Singapore. Việc quy hoạch và quản lý (môi trường, cảnh quan) bài bản làm cho các sản phẩm du lịch bền vững và khoa học.
"Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp đảm bảo việc tiếp cận thuận tiện đến điểm tham quan ven sông. Đồng thời việc bảo trì tốt cơ sở vật chất và tàu thuyền giúp du khách thoải mái khi trải nghiệm. TP.HCM nên chú trọng cơ sở hạ tầng hiện đại để du khách dễ tiếp cận với các tuyến đường thủy", tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho hay.
Đẩy mạnh quảng bá
Cách thức quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông giúp nâng tầm hình ảnh du lịch sông nước của Thái Lan và Singapore.
Singapore tận dụng tốt truyền thông để thu hút du khách. Ảnh: Lê Thanh Phú, Lea. |
Thạc sĩ Phạm Đức Thiện phân tích Singapore luôn lồng ghép bức tượng Merlion phun nước bên vịnh Marina hay du thuyền sáng đèn trên sông vào bất kì đoạn quảng cáo nào về du lịch. Mỗi năm, hàng triệu du khách tìm đến chỉ để ngửa miệng lên trời, sao cho dòng nước từ Merlion vừa khít vào miệng mình tạo nên hình ảnh lý thú.
Riêng với Thái Lan, cảnh sông nước xuất hiện trên quảng cáo, phim ảnh và poster du lịch. Chính quyền cũng tạo điều kiện cho các đoàn làm phim nước ngoài đến khai thác cảnh rượt đuổi bằng cano hay cảnh chợ nổi, nhà sàn ven sông. Thông qua những hình ảnh đó, Thái Lan giới thiệu được văn hóa đặc thù, kích thích sự tò mò của du khách.
Tương tự, tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy khẳng định: "Truyền thông là công cụ quan trọng giúp truyền tải một cách khéo léo câu chuyện về sự quyến rũ của trải nghiệm sông nước, đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút sự quan tâm của du khách".
Thái Lan đã thành công ở việc quảng bá, vẫy gọi du khách quốc tế tìm đến. Ngoài ra, chiến lược marketing quốc tế toàn diện cũng tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ, nâng cao tính hấp dẫn của du lịch sông nước.
Thái Lan khéo léo đưa cảnh sông nước vào phim nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch. Ảnh: Nhà sản xuất Tình người duyên ma. |
Đưa ra ví dụ về Saigon Waterbus, tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho biết thông qua marketing hiệu quả, tinh chỉnh hoạt động và cam kết vững chắc nhằm hài hòa kỳ vọng của cả người dân địa phương và du khách, dịch vụ buýt sông có thể phát triển thành điểm sáng trong bức tranh du lịch sông nước TP.HCM.
"Từ bài học phát triển của nước bạn, TP.HCM có thể học hỏi cách tổ chức tour, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện khai thác các sản phẩm du lịch sông nước. Hợp lý hóa cách sắp xếp, chào bán và phục vụ hàng hóa, dịch vụ”, thạc sĩ Phạm Đức Thiện nói.
Tuy nhiên, việc quảng bá hình ảnh du lịch sông nước qua ấn phẩm văn hóa và nền tảng mạng xã hội cần đẩy mạnh hơn. Sử dụng truyền thông để thu hút du khách là xu hướng toàn cầu, không ít quốc gia đã áp dụng thành công, đặc biệt là Đông Nam Á. Vì vậy, du lịch TP.HCM cần có những chính sách để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước.
"Học hỏi từ những thành công của Thái Lan, TP.HCM có thể mở ra tiềm năng thực sự cho giao thông đường thủy, mời gọi du khách bước vào một hành trình khám phá lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố", tiến sĩ Kanagasapapathy chia sẻ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch