Ông bầu, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn giới thiệu về đạo cụ, phục trang do chính Nhà hát ông thiết kế
Sáng 27-9, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động tại tọa đàm "Vai trò của Cải lương tuồng cổ TP HCM từ năm 1975 đến nay" do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, đơn vị Sân khấu kịch IDECAF, đã cho biết: "Nỗ lực của tôi giai đoạn này chính là dồn sức để "chiêu hiền đãi sĩ", mở cửa chào đón các tân binh mới của làng sân khấu, trong đó có nhiều đạo diễn, tác giả, diễn viên vừa tốt nghiệp ra trường, có bạn đã tạo được sự chú ý qua nhiều vở diễn trên sân khấu chuyên nghiệp nhưng chưa có sân khấu để quảng bá thêm tác phẩm nghệ thuật".
. PV: Vì sao ông quyết định đổi tên Sân khấu kịch IDECAF thành Nhà hát Kịch IDECAF?
- Ông Huỳnh Anh Tuấn: Đó là tên gọi mới vì hiện này Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương đã có bốn sân khấu hoạt động: Sân khấu kịch IDECAF (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp), Sân khấu Múa rối nước Rồng Vàng (Cung Văn hóa Lao động TP HCM), Sân khấu Nón lá – Đồng ấu Bạch Long, Nhà hát kịch Thanh Niên (Nhà văn hóa Thanh Niên). Sự đổi tên này nhằm để phát triển nhiều hơn các hoạt động biểu diễn kịch chuyên nghiệp phục vụ cộng đồng như : Sân khấu sử Việt học đường, Sân khấu ngoại khóa giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh cấp 1 và cấp 2. Nói rõ hơn sự nâng cấp này nhằm kiện toàn bộ máy hoạt động chuyên nghiệp của một nhà hát, để qua từng tác phẩm đưa vào học đường sẽ khai thác về các đề tài tâm lý, sự kiện gắn với giáo trình của ngành giáo dục như hưởng nghiệp, khởi nghiệp …Tôi chủ trương hình thành từng bước giao lưu, dàn dựng với nhiều đối tác trong và ngoài nước để hoạch định một chiến lược phát triển thương hiệu.
Ông bầu, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn giới thiệu kho phục trang của Nhà hát kịch IDECAF trong đợt khảo sát của Sở VH-TT TP HCM, Hội Sân khấu TP HCM
. Được biết, vừa qua sau 64 suất diễn chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" (NXNX) lần thứ 33, ông có dự định sẽ tái diễn chương trình này vì sức hút của khán giả rất lớn?
- Tôi sẽ tổ chức biểu diễn chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" theo đợt. Vì nhu cầu thích xem chương trình này còn rất lớn. Chương trình mang tên "Cùng ấn tượng với Ngày xửa, ngày xưa" sẽ diễn tại Nhà hát kịch Thanh Niên, cụ thể bắt đầu từ tháng 12-2023 sẽ thường xuyên diễn mỗi ngày chủ nhật từ 1 đến 2 suất. Chúng tôi sẽ biểu diễn trở lại các vở diễn: NXNX lần thứ 32 "ALIBABA và 40 tên cướp", NXNX 33: "Cuộc phiên lưu của thuyền trưởng SINBAD – đại chiến nàng Tiên Cá", NXNX 34 "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai"... và lần lượt nhiều vở NXNX nổi tiếng trước đây.
. Trước thực trạng thiếu kịch bản hay, ông sẽ giải quyết bài toán khó này như thế nào?
- Tôi chủ trương tập trung cao cho việc khôi phục dàn dựng và biểu diễn trở lại trên 20 vở có sức hút, luôn cháy vé như: "12 bà mụ", "Tấm Cám", "Bikini - Hợp đồng mãnh thú", "Mưu bà Tú", "Tía ơi má dìa", "Ngũ quý kỳ phùng", "Tơ duyên", "Lời nguyền phù thủy", "Phép lạ", "Hãy yêu nhau đi", "Tiếng vạc sành", "Con ma nhà hát", "Cậu Đồng", "Trum lừa", "Cái tráp vàng"…Trong đó, các vở "Sắc màu", "Khalip – Một ngày làm vua", "Thuốc đắng giã tật" đã có những suất diễn với ê kíp mới thu hút đông khán giả, đó là điều đáng mừng cho chiến lược hiện nay của chúng tôi, khi mà ê kíp trẻ đầy năng động sáng tạo đã cố gắng để phục vụ công chúng yêu thương hiệu IDECAF.
Đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Thường trực Hội Sân khấu TP HCM - đánh giá cao nỗ lực của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn trong việc đầu tư kho phục trang, đạo cụ lớn tại quận Gò Vấp, TP HCM
. Sau khi NSƯT Thành Lộc rời khỏi công ty, được biết ông đã giao công việc chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát kịch IDECAF cho đạo diễn Đình Toàn?
- Việc đó cũng là nằm trong chiến lược tạo điều kiện để người trẻ phát huy tối đa năng lực. Đình Toàn làm tốt vai trò đạo diễn, diễn viên, đảm đương chăm sóc những vở diễn với tư duy làm nghề rất tốt. Em là thành viên gắn bó với tôi rất lâu, từ khi còn là diễn viên của Múa rối Nụ cười, rồi bây giờ trưởng thành với nhiều vị trí khác nhau, từ diễn viên đến đạo diễn, MC, người thực hiện các chương trình truyền hình. Vừa qua, vở "Cuộc phiên lưu của thuyền trưởng SINBAD – đại chiến nàng Tiên Cá" đã được Sở VH-TT TP HCM khen thưởng tại Lễ Giỗ Tổ Sân khấu do TP HCM tổ chức, mà Đình Toàn đạo diễn, Quang Thảo là tác giả kịch bản. Ngoài ra, Nhà hát cũng đã mời đạo diễn Ngọc Hồng, Ngọc Trinh, Thái Kim Tùng, Hoàng Duẩn, Lê Nguyên Đạt…về tham gia, dàn diễn viên thì có: Thanh Thủy, Bạch Long, Hồng Ánh, Trung Dân, Đại Nghĩa, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Quang Thảo, Ngọc Trinh, Bảo Trí, Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Phi Nga…
Nghệ sĩ Đình Toàn, Hoàng Trinh trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 32
. Còn kế hoạch dàn dựng kịch bản mới Nhà hát sẽ đầu tư như thế nào?
- Khi tôi trả lời câu hỏi này thì các dự án đã được khởi công từ trước đó. Nhà hát chúng tôi đã dựng 4 vở mới cho tháng 10-2023, 11-2023 và tết Nguyên Đán 2024 đề tài hiện đại của đạo diễn Đình Toàn, tác giả Quang Thảo, đạo Diễn Thái Kim Tùng...bên Nhà hát kịch Thanh Niên dựng 2 vở mới sẽ diễn tháng 10-2023 và tháng 12-2023. Tôi sẽ khôi phục các vở diễn ấn tượng của hành trình 25 năm sân khấu IDECAF và ra mắt Sân khấu sử Việt. Trước mắt ba vở mới về đề tài sử Việt đã dàn dựng gồm: "Lý Thường Kiệt – Ngàn năm tình sử", "Nguyễn Trãi – Bí mật vườn Lệ Chi", "Lê Thánh Tôn – Vua tháng triều Lê" và 5 vở kịch lịch sử dành cho học sinh cấp 1 và cấp 2 như: "Sơn Tinh, Thủy Tinh", "Tháng Gióng", "Trần Quốc Toản", "Đinh Bộ Lĩnh", "Ngô Quyền" trong quý 3 năm 2023 sẽ tiến hành ra tiếp 3 vở kịch lịch sử, tổng cộng có 11 vở đề tài này công diễn.
Ba vở mà chúng tôi sẽ nỗ lực công diễn gồm: "Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt" (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn dự kiến ra mắt tháng 11-2023; "Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng" (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn Lê Nguyên Đạt sẽ công diễn tháng 12 năm 2023; "Nữ đại đế Mê Linh" theo thể loại cải lương, kịch hát dân tộc Nam Bộ của tác giả Vũ Minh – Bạch Long.
Ngoài các vở diễn đề tài lịch sử Nhà Hát chúng tôi lần này muốn thực hiện không gian văn hóa nơi diễn ra sự kiện kịch như: y trang, kiến trúc, âm nhạc... để tạo thêm sự cuốn hút về kịch sử Việt. Cách làm này nhằm giúp giới trẻ học hỏi, khám phá về kiến thức lịch sử, văn hóa, các vở diễn có thể sẽ liên kết để lưu diễn các tỉnh thành khác.