Phát hiện mộ cổ nghìn tuổi còn nguyên ở Trung Quốc

Ngôi mộ nằm dưới nước nhưng chưa bị chọc thủng, nghĩa là quan tài bằng gỗ không hề ảnh hưởng gì suốt hàng nghìn năm qua.

Các nhà khảo cổ ở Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra một khu chôn cất ở phía tây nam nước này. Nhà khảo cổ học cho biết đây là ngôi mộ cổ bằng gỗ được bảo tồn tốt nhất từng tìm thấy.

Mộ cổ có niên đại từ thời Tây Hán (năm 202 trước Công nguyên - 25 sau Công nguyên). Địa điểm được phát hiện trong quá trình xây dựng một dự án thủy điện ở thành phố Trùng Khánh.

Mộ cổ được bảo quản tốt dù nằm dưới nước

Theo Tân Hoa Xã, khu mộ nằm dưới nước nhưng quan tài bằng gỗ không bị thủng hoặc xuống cấp, đồng nghĩa các đồ vật tang lễ không bị tác động hay xáo trộn trong nhiều thiên niên kỷ.

Quan tài bằng gỗ vẫn được bảo quản đặc biệt tốt và các nhà khoa học đã tìm thấy 600 hiện vật trong lần khai quật đầu tiên, bao gồm nhiều vật phẩm khác nhau được làm từ sơn mài, gỗ, tre, đồng và đồ gốm. Một mảnh ngọc bích được khai quật cũng cho thấy ngôi mộ an táng người có địa vị cao.

Huang Wei, người đứng đầu dự án khai quật, cho biết điều thú vị về phát hiện này không chỉ là số lượng lớn đồ tạo tác được tìm thấy mà còn là danh sách bằng văn bản về tất cả vật dụng chôn cất, trong đó cũng nói rằng nó được xây dựng vào năm 193 trước Công nguyên.

Khao co hoc anh 1

Khu vực ngôi mộ cổ hơn 2.000 năm tuổi ở Trung Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Huang Wei.

Khám phá quan trọng nhất là việc tìm thấy Can Chi qua bộ mảnh gỗ hình chữ nhật bí ẩn. Mỗi miếng gỗ đều được đánh dấu bằng các ký tự Trung Quốc liên quan đến lịch Thiên Can Địa Chi truyền thống. Các lỗ đục trên cạnh cho thấy chúng đã từng được gắn với nhau.

Bộ lịch mảnh gỗ này dường như được sử dụng để tham chiếu bất kỳ năm nào trong chu kỳ lịch 60 năm.

Mỗi miếng gỗ đều được đánh dấu bằng các ký tự Trung Quốc liên quan đến lịch Thiên Can Địa Chi truyền thống. Ảnh: Live Science.

Đây cũng là lần đầu tiên những đồ vật như vậy được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ, mặc dù việc viết chữ trên dải gỗ hoặc tre đã phổ biến ở Trung Quốc trước khi phát minh ra giấy.

Bộ sưu tập đồ gốm lớn nhất

Ngoài ra, ngôi mộ còn chứa một trong những bộ sưu tập đồ gốm lớn nhất làm từ tre, sơn mài và gỗ ở vùng thượng lưu sông Trường Giang. Các nhà khoa học sẽ sử dụng các hiện vật này để tìm hiểu về nghi lễ chôn cất trong thời Tây Hán, đồng thời chúng cũng được sử dụng để phân tích so sánh với các hiện vật nổi tiếng hơn trong thời kỳ này.

Một số đồ vật bằng gỗ cẩm liên được dùng để đựng mỹ phẩm và gương. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra những chiếc thìa tre, cung, sáo chảo cùng với các dụng cụ bằng đồng và gốm.

Khao co hoc anh 2

Một chứng tích văn hóa được khai quật ở ngôi mộ có niên đại từ thời Tây Hán. Ảnh: Huang Wei.

Lăng mộ Tây Hán là địa điểm quan trọng nhất trong danh sách các ngôi mộ được phát hiện từ thời nhà Hán (202 TCN-220 SCN) đến thời kỳ Lục triều (222-589).

Huang cho biết nhóm dự định khai quật những ngôi mộ khác và cố gắng xác định chủ nhân của ngôi mộ Tây Hán.

Ngôi mộ được khai quật này cũng là dự án khảo cổ cuối cùng trong quá trình thực hiện xây dựng các trạm thủy điện bậc thang trên đoạn sông Ngô Giang ở Trùng Khánh.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch