Nicola Bayless tại bãi biển Happisburgh. Ảnh: Nick Ballon/Bloomberg Green. |
Làng Happisburgh là một giáo xứ dân sự tọa lạc tại hạt Norfolk, miền Đông nước Anh.
Theo Bloomberg, giai đoạn 1600-1850, 250 m đất tại Happisburgh đã bị mất do xói mòn. Ngày nay, biến đổi khí hậu càng đẩy nhanh quá trình ăn mòn các vách đá thấp gần biển.
Các ngôi nhà ven biển biến mất
23 năm trước, cha mẹ của Nicola Bayless (47 tuổi) mua một ngôi nhà tại Happisburgh với hy vọng tận hưởng sự bình dị và dân dã của ngôi làng ven biển. Trong ký ức của Bayless, có một ngôi nhà của hàng xóm ở mảnh đất đối diện.
Tháng 10/2022, mảnh đất từng là nhà của người hàng xóm đã không còn. Trong bức ảnh do Google chụp vào năm 2009, Bayless vẫn thấy mảnh đất này. Tuy nhiên, sự xói mòn diễn ra nhanh đến mức trong bức ảnh mới chụp năm nay, những gì còn lại trên mảnh đất chỉ là hàng rào chắn ngang đường.
Bức ảnh vùng ven biển Happisburgh do Google chụp vào 2009 (bên trái) và bức ảnh chụp vào tháng 1 (bên phải). Ảnh: Google, Olivia Rudgard/Bloomberg. |
“Happisburgh đã thay đổi một cách không thể tin được. Tôi không nhận ra nơi này nữa. Những ngôi nhà, những người bạn của tôi từng sống trong ngôi nhà đó, tất cả đã biến mất”, Bayless bàng hoàng nói.
Tại Happisburgh, nỗi đau mất dần từng thước đất hoài niệm của người dân kéo dài hàng thế kỷ. Những dấu vết chưa kịp khai quật đã bị thủy triều cuốn đi.
Trước đây các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử cao trên bãi biển, như rìu, đá lửa và các công cụ khác có niên đại lên tới 950.000 năm.
Happisburgh cũng là một điểm thu hút khách du lịch. Người dân nơi đây tự hào với một nhà thờ có từ thế kỷ 14, một dải bờ biển tuyệt đẹp với ngọn hải đăng hoạt động lâu đời nhất của Anh (1790).
Một quán rượu địa phương nổi tiếng cũng đang đối diện với nguy cơ biến mất. Ông Clive Stockton, chủ quán rượu The Hill House - nơi từng tiếp đón Arthur Conan Doyle, tác giả bộ truyện Sherlock Holmes lẫy lừng - cho biết ông ra sức bảo vệ sản nghiệp của gia đình với khẩu hiệu "The Hill House sẽ được bảo tồn miễn là biển không nhấn chìm Happisburgh”.
“Chúng tôi đã lâm vào tình cảnh túng thiếu khi biển đang dần ‘nuốt chửng’ Happisburgh. The Hill House sẽ chỉ chống chọi được thêm khoảng 20 năm nữa”, Stockton than thở.
Vấn đề nằm ở các vách đá
Ở Happisburgh, các vách đá chạy dọc bờ biển được cấu thành từ cát, đất sét và phù sa. Hỗn hợp này không đủ vững chắc để bảo vệ ngôi làng khi mưa lớn, chưa kể ảnh hưởng từ thủy triều và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Theo bản đồ xói lở bờ biển do Hội đồng quận Bắc Norfolk công bố, một vùng rộng lớn của ngôi làng sẽ bị ăn mòn vào năm 2055. Đến năm 2105, cả quán rượu và nhà thờ sẽ chìm dưới nước.
Happisburgh đang trên bờ vực biến mất. Ảnh: Adam Gerrard/Daily Mirror. |
Một bức tường chắn sóng được cộng đồng gây quỹ xây dựng để bảo vệ các vách đá của ngôi làng. Hệ thống đê ngăn lũ này được làm bằng gỗ có độ dốc để hứng trầm tích trôi dạt.
Stockton chia sẻ thêm việc biển “gặm nhấm” các vách đá của làng nhanh hơn trong những năm gần đây là hậu quả của việc thiếu biện pháp bảo vệ của chính quyền địa phương. Người dân nhiều lần đề xuất các phương pháp chống việc xói mòn nhưng đều bị chính quyền khước từ.
“Chúng tôi dường như bị mắc kẹt với quan điểm không thể bảo vệ được Happisburgh”, Stockton bức xúc.
Trái ngược với mong muốn bảo vệ vùng biển của người dân, các nhà khảo cổ học xem Happisburgh là “địa điểm được khoa học quan tâm đặc biệt”. Vùng đất này “được phép xói mòn” để xuất hiện thêm nhiều tàn tích mới.
Trước tình trạng xâm lấn ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Anh chi 3 triệu bảng Anh để mua lại những ngôi nhà có nguy cơ bị tàn phá và sơ tán người dân tại vùng bị ảnh hưởng ở Happisburgh. Chính quyền địa phương cũng ngừng cung cấp giấy phép xây dựng cho người dân từ năm 2011.
Ủy ban Biến đổi Khí hậu Anh (CCC) đã thẳng thừng tuyên bố cộng đồng cư dân sống ven biển như Happisburgh là “không thể tồn tại”. Cơ quan này giải thích rằng chi phí xây dựng hệ thống đê điều chắn sóng quá đắt đỏ, cộng thêm vấn đề kỹ thuật không được đảm bảo.
“Có những vấn đề khó để đưa ra hướng giải quyết. Chúng ta phải trung thực và thẳng thắn về câu chuyện bảo vệ bờ biển sẽ đi tới đâu khi ngân sách có giới hạn”, ông Richard Dawson, thành viên của Ủy ban Biến đổi Khí hậu Anh, trần tình.
Là một trong những quốc gia lớn nhất thế giới, Mỹ sở hữu vô số điểm đến thú vị, đầy sự khác biệt. Zing giới thiệu đến độc giả loạt sách về đất nước rất được quan tâm này.
> Xem thêm: Tủ sách du lịch Mỹ