Thiên tài VĂN CAO
Nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo. (Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN)
Thế nhưng, đây chỉ là một điểm nhấn, bởi sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao còn phải ngược lên dăm năm trước 1945, trong tư cách một tác gia lớn trong thế giới tân nhạc, với "Buồn tàn thu", "Thiên thai", "Bến xuân", "Thu cô liêu", "Cung đàn xưa", "Đàn chim Việt"... mà chỉ riêng mỗi tác phẩm cũng đủ làm vinh quang cho bất cứ ai.
Tại đó, ông trực diện lựa chọn thái độ: "Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết" (Chọn, 1957), nhận thấy mặt trái của những tấm huân chương: "Người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa" (Những bó hoa, 1974) và cô đơn, rạn vỡ: "Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được" (Có lúc, 1963). Thơ Văn Cao độc đáo ngay từ khởi đầu bởi đó là sản phẩm của những chiêm nghiệm sâu sắc đậm chất triết luận. Sâu đến mức lặng lẽ, sự lặng lẽ xoáy xiết của sóng ngầm: "Như viên đá rơi vào im lặng".
Bên cạnh sự nhạy cảm thiên phú, gốc rễ tạo nên tầm vóc Văn Cao là chiều sâu tư tưởng và ý thức mài sắc cá tính. Đó là tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mỹ. Nhân văn giúp Văn Cao biết căm ghét ngụy tạo, giả dối, biết yêu tự do và gắn bó số phận mình với số phận dân tộc. Duy mỹ giúp Văn Cao đề cao cái đẹp và sự thanh khiết của những giá trị tinh thần.
Sau thơ, ở Văn Cao còn là văn xuôi, với các truyện ngắn đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, năm 1943, như "Dọn nhà", "Siêu nước nóng"... góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp...
Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên "Thái Hà ấp đêm mưa", "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử" trong một Triển lãm nghệ thuật năm 1943.
Tư chất họa sĩ tài hoa đã "cứu" Văn Cao trong suốt 30 năm hoạn nạn. Ông không thể hoặc không được phép làm nhạc, làm thơ, mà chỉ có thể được vẽ để kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách. "Vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa cũng đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua một chữ Văn trên một góc nhỏ của trang bìa" - PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp nhớ lại.
Lấp lánh trên cõi "Thiên thai"
Sau chuyến đi Quy Nhơn do nhà thơ Thanh Thảo kết nối, năm 1985, Văn Cao đã thực sự phục sinh khi viết 3 bài thơ Quy Nhơn và được báo "Văn nghệ" giới thiệu sau rất nhiều năm không xuất hiện thơ trên thi đàn chính thống. Với 3 bài thơ Quy Nhơn, Văn Cao đã chính thức trở lại thi đàn, trước đó, Văn Cao chỉ còn được vẽ minh họa cho báo Văn Nghệ để kiếm những món tiền nhuận bút "còm" cho bà Thúy Băng, vợ ông, đi chợ.
Ngày 10-7-1995, sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V khoảng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi thiên thai cùng giai điệu "Thiên thai". 28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung.
Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.