Tiếng gọi

Mình sẽ giúp cậu - Giọng của Đức nghe thật nhỏ nhưng rõ ràng và chắc chắn - Tuyệt đối yên tĩnh và cậu cứ mặc sức mà viết ở đó.

Sơn nhệch miệng ra cười bởi ý nghĩ câu nói mà anh đang nghe chỉ có thể là một hình thức để Đức chia sẻ cái cảm giác bất lực cứ xuất hiện mỗi khi anh cầm ngòi bút trên tay với ý định viết điều gì đó lên giấy.

Trong lúc ngồi với Đức bên ly cà phê buổi sáng, Sơn cảm thấy một nỗi lúng túng vô bờ về ngày mai bao phủ lấy tâm hồn. Anh không sao cưỡng lại được ý muốn đến một nơi nào đó tách biệt và khác hẳn không khí ồn ào, nóng bức, bụi bặm của thị xã để xây dựng một thế giới văn chương có nhiều giấc mơ yêu thương và sự công bằng.

Đã ba năm nay, Sơn ấp ủ những ý tưởng sáng tác "để đời" trong chính thực tại ê ẩm - nộp xong bộ hồ sơ này đến bộ hồ sơ khác để xin việc ở những cơ quan thường có thông báo tuyển dụng. Ngày tháng chờ đợi một công việc để có thể vận dụng kiến thức và năng lực của một cử nhân ngành ngữ văn được đào tạo chính quy đạt hạng khá vào thực tiễn đời sống ở quê nhà cứ nhích qua từng phút một đối với Sơn.

Ông khách lạ

Trong từng phút ấy, Sơn được nuôi dưỡng bằng ánh mắt băn khoăn của người mẹ nhẫn nại lo cho anh từng bữa cơm, giấc ngủ và khuyên con trai đừng khi nào hết hy vọng giữa đời. Chao ôi là mạ. Mạ đâu có một lần được đến trường để hiểu giấc mơ thi thố học vấn đã được đào luyện kỳ rõ mặt anh tài nên càng không biết con trai mình luôn ngộp thở trong hơi nóng của sự thôi thúc trở thành "nhà văn số một" của muôn người.

Hằng ngày, mẹ vẫn cùng cha Sơn chờ đợi bất kỳ chiếc xe tải, xe khách, xe công nông, xe máy nào đó chạy tới đỗ xịch trước sân nhà với yêu cầu xì dãy số kiểm soát lên ba mặt của thùng xe rồi tên của cơ quan chủ quản, hoặc làm mới biển số xe cần thiết. Người qua lại trên quãng đường trước nhà thường thấy trong khi người cha khom lưng gõ những nhát búa khéo léo vào miếng tôn mỏng bằng trang giấy học trò thì mẹ Sơn dùng cả hai bàn tay để giữ lấy sự yên ổn của tấm kim loại nhỏ ấy trên mặt đe. Hai mái đầu của họ chụm vào nhau, rung rung trong hàng hiên vọng lên nỗi vui mừng khấp khởi hôm nay và ngày mai, những bữa ăn thanh đạm của cả nhà vẫn an lành.

Ngoài giới hạn của những động tác, âm thanh và cảm xúc ấy, bao giờ cũng là Sơn cứ mải miết sắp xếp những cốt truyện với dự định thành danh bằng văn chương. "Lập thân tối hạ", cha Sơn cất giữ sự chiêm nghiệm và lời nhắc nhở đó của người xưa bởi không khi nào ông muốn con trai mình nhụt chí. Chỉ có tiếng trở người rất khẽ của ông hằng đêm mới biết ông trách mình một đời làm lụng vẫn không có được những "tấm vé" giúp con trai khoan thai bước vào cuộc đời ngày càng nhiều mặc cả, đổi chác, bán mua. Trong khi đó, đôi mắt cận mười bảy đi-ốp của ông đã bắt đầu mờ đục và hai bàn tay ngoài sáu mươi tuổi đã bắt đầu chậm.

***

Bước vào ngôi nhà nhỏ xinh của Đức trên ngọn đồi ở phía Nam thị xã, Sơn suýt reo lên trước sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối đang ngự trị. Một niềm tin thơ ngây vụt hiện trên môi, Sơn cười ngời ngợi cảm nghĩ chắc chắn tại đây mình sẽ sớm đạt tới những khoái cảm sáng tạo có thể làm ngơ ngác và say đắm tâm hồn độc giả.

Những giờ phút đầu tiên thực hiện nỗi khát khao viết về tuổi thơ hồn nhiên, thời hoa niên trong trẻo và ngày tháng thanh xuân âm ỉ mộng tưởng đột ngột thổi vào lòng Sơn ý nghĩ từ đây số phận dành cho mình, bàn tay và trái tim rộng mở. Bâng khuâng với dự cảm hạnh phúc ấy, Sơn viết phần mở đầu một truyện ngắn mà kết thúc của nó sẽ không còn cô đơn và đau đớn, nhọc nhằn và tuyệt vọng. Thì khó gì đâu, đã mấy lần Sơn nhận thấy thứ tình cảm giỏ mật đắng trong lòng cô gái dang dở nhà bên. Đã bao lần ánh mắt Sơn chạm tới đáy của chiếc lon nhựa trống không trong những bàn tay già, trẻ chìa ra. Và Sơn cũng hiểu lắm nụ cười của những kỹ sư và công nhân nắm chặt bàn tay nhau khi mét dây cuối cùng của lưới điện về làng xa vừa được căng ngang giữa khung trời; hiểu cái ôm của các cầu thủ trên sân bóng sau phút ghi bàn... Nhưng Sơn không tài nào hiểu được lý do những trang viết của mình vẫn đơn độc trong sự im lặng xa vời với độc giả. Đến khi nào?

Làn ánh nắng huy hoàng của buổi trưa tháng sáu tiến vào bàn viết, nơi Sơn đo đi đo lại chiều sâu của những ý định mà mình muốn truyền đạt tới người đọc và tự thiêu đốt mình trong từng dòng chữ chưa thể viết ra: Sự cứu giúp một con người khốn khó, việc thực hiện lời hứa của tình yêu, những tài năng chân chính và tính cách ngay thẳng được tôn trọng... Không thể mường tượng ra một thế giới không có các tác phẩm văn học của mình, Sơn lướt nhanh ngòi bút viết mấy câu chuyện có thể làm người đọc mỉm cười. Đó là gương mặt yêu kiều đượm sự chờ đợi của phụ nữ có vẻ ngoài sang trọng, vẻ hấp tấp rời công việc bận rộn của đàn ông thành đạt, khung cảnh hẹn hò yêu đương cùng lời hứa đạt tới hạnh phúc...

Đức băng qua mấy bậc thềm như một mũi tên:

- Này, ra xe với mình đi.

Vừa nói, Đức vừa lấy một cuốn sách chặn những trang giấy nhấp nhô chữ ở trên bàn.

- Việc chi mà gấp gáp? Mình sắp xong truyện này và sẽ mời cậu uống bia tối nay.

Sơn ngẩng lên với ánh mắt lấp lánh sự tin chắc trên đời này, không có gì khó hơn việc phải ngưng sáng tác trong lúc trí tưởng tượng đã được lên dây cót.

- Mình đón cậu về nhà. À, không. Đúng hơn là cậu cần về nhà ngay. Ba của cậu vừa được đưa vào bệnh viện. Nguy lắm rồi.

Tiếng gọi - Ảnh 2.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

***

Phòng cấp cứu của bệnh viện giống như một trang giấy trắng toát. Ánh đèn nê-ông nhuộm trắng thân thể người cha của Sơn nằm bất động đang được cô điều dưỡng kiểm tra nhiệt độ, đo huyết áp trong lúc chiếc máy thở miệt mài bơm ôxy vào các buồng phổi mê man của ông.

Đêm sâu hun hút. Sơn loay hoay mở chiếc ghế xếp rồi đặt sát vào vách tường bên ngoài phòng cấp cứu. Đỡ mẹ ngồi lên ghế, Sơn ôm chặt đôi vai gầy, nghe giọng kể xen lẫn lời than nho nhỏ, miên man của bà:

- Trời sắp tối rồi mà ba con vẫn nhận sơn thùng xe tải. Ông ấy không hẹn làm vào hôm sau vì sợ người ta đi nơi khác. Nhà mình đang bòn tiền nhờ người xin việc làm cho con nên ông ấy còn nhận thêm việc làm trong buổi tối. Mạ nói răng ba con cũng không chịu cho nấu thứ chi ăn để lấy sức những khi làm việc tới tận khuya. Sơn xong, ông ấy dọn đồ nghề, mạ đi nấu cơm. Chiếc xe to nớ đã nổ máy để lùi ra đường và cán lên người ba con khi ông ấy đang tìm cái nắp bình xịt sơn bị văng vô gầm xe...

- Ai là người nhà của người bệnh tên Tâm?

Câu hỏi của cô điều dưỡng vừa dứt, một sức mạnh vô hình nào đó kéo người mẹ của Sơn ra khỏi sức đè của cảm giác tê tái. Bà đứng lên trên đôi chân khẳng khiu vừa được nỗi hy vọng về sự sống của người bạn đời chạm đến.

- Mệ đem giấy này tới chỗ kia đóng viện phí.

Cầm tờ giấy được cô điều dưỡng đưa ra, mẹ Sơn luống cuống hỏi:

- Ôông nhà tui có qua được khôông cô?

- Bệnh viện đang cố gắng cứu ông mệ nờ...

***

- Con có thể sống bằng ngòi bút của mình.

Cảm ơn mẹ!

Sơn nói chuyện với bàn tay gân guốc, chai sần của người cha yên lặng trên giường bệnh. Ý nghĩ của Sơn chốc chốc lại bị chặn ngang vì tâm trạng hoang mang khiến anh phải nhìn xem những giọt dịch truyền còn rớt xuống hay không. Và, chính trong khoảng cách vô cùng ngắn ngủi giữa nhịp rơi của hai giọt nước trong suốt, tư duy của Sơn về đời sống, về văn chương bỗng ùa lại, nhấn chìm cả tuần lễ mà anh trở thành một phần quen thuộc trong phòng cấp cứu và trên hành lang bệnh viện.

- Tự con phải là một ngòi bút tràn đầy mực, con trai ạ. Một thứ mực được pha chế từ cuộc sống với những cảm xúc chân thật để con có thể viết nhiều tác phẩm văn học mang lại cảm xúc và ấn tượng đẹp.

Trong một bữa cơm của cả nhà bị ngắt quãng bởi mấy lần khách đến đặt làm biển số xe, nhận thấy vẻ khó chịu pha lẫn sự sốt ruột của con trai, cha Sơn đã khiến anh bất ngờ với câu nói còn hay hơn những bài viết phê bình văn học đăng trên báo chí thời gian đó.

- Ba không biết làm răng để có truyện, có thơ cho mọi người đọc nên ba chưa hiểu con viết một truyện ngắn, làm một bài thơ là rất khó khăn - Sơn chống chế.

Người cha nhìn Sơn bằng ánh mắt nghiêm khắc và ấm áp:

- Ba mạ cũng đã mấy lần thay đổi cuộc sống, làm hết việc ni đến việc khác và tới tuổi này vẫn mong có việc để làm mỗi ngày. Nhà mình đã và đang bắt nhiều đoạn sắt, nhiều sợi thép, bắt cả tôn mới lẫn tôn gỉ thành cơm ăn, nước uống, thành bằng đại học của con. Ngày mai vẫn rứa thôi. Ba còn làm được. Nếu muốn làm một người được xã hội tôn trọng thì con phải biến những giọt máu mà khi chông gai của cuộc đời đâm vào gan bàn chân của con nhỏ xuống thành những bông hoa đẹp và thơm trên mặt đất này...

Ký ức nóng hổi làm Sơn ngạt thở. Ngơ ngác với ý nghĩ, ngày mai là thứ bảy và ba anh sẽ không thức dậy từ sáng sớm, khẽ kéo chiếc gàu lấy nước giếng mà đánh răng rửa mặt rồi một mình đi tới nơi nấu nồi cháo tình thương để cùng những con người bình dị, hồn hậu khác trao từng chén nóng hổi vào tay người bệnh nghèo đang được điều trị ở bệnh viện này. Luôn nghĩ người cha của mình cứ muốn tự làm khổ mình theo cách đó nên anh không làm đẹp tác phẩm của mình bằng những điều đơn giản và cảm động ấy...

Cúi mặt xuống và tì trán vào mép giường bệnh cha, Sơn cảm thấy mình đang đuối sức rất nhanh, không cách nào cưỡng được. Trước lúc rơi vào một giấc ngủ khác thường, Sơn lầm bầm điều mà anh vừa được khai thị:

- Con sẽ chỉ viết về những người lao động, những cuộc đời gian lao mà rộng rãi như cuộc đời của ba, của mạ...

***

Sơn choàng thức. Anh vừa thấy trên khuôn ngực khẽ phập phồng của cha tiếng gọi mơ hồ:

- Mạ nó ơi!

15-Bội-Nhiên

Nguyễn Thị Bội Nhiên

Nguyễn Thị Bội Nhiên

- Sinh năm 1972.

- Quê quán: Quảng Trị; sống ở TP Đông Hà; công tác trong ngành y tế tỉnh Quảng Trị.

- Nghề nghiệp hiện nay: Biên tập viên.

- Bắt đầu sáng tác từ năm 1995. Có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí ở trung ương và các địa phương.