Lần đầu tiên, Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mở cửa đón nhân dân vào tham quan trong khuôn khổ sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. |
Công trình này được xây dựng vào năm 1918 với phong cách kiến trúc Pháp cổ, nằm trong một quần thể vốn được xây dựng làm Phủ Thống sứ Bắc Kỳ của thực dân Pháp trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, quần thể được đổi tên là Bắc Bộ Phủ. |
Bắc Bộ Phủ có ba tầng. Tầng hầm dùng làm kho, các phòng phục vụ. Tầng một gồm các phòng khách lớn, nhỏ, phòng tiếp tân, phòng đợi, phòng làm việc, phòng ăn và khu giải trí. Tầng hai là phòng họp lớn của hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghi lễ được trang bị đầy đủ tiện nghi. |
Hiện nay, Nhà khách Chính phủ vẫn luôn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, phục vụ các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao. |
Khách tham quan sẽ chỉ được trải nghiệm không gian tại tầng 1 của tòa nhà. |
Mặt sau của tòa nhà có kiến trúc tương đồng mặt chính, nhưng được giản lược hơn. |
Những vết đạn ở hàng rào mặt trước công trình được các nghệ sĩ làm nổi bật, thể hiện dấu tích lịch sử trong trận Bắc Bộ Phủ năm 1946. |
Nhà hát lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào ngày 07/6/1901, hoàn thành năm 1911, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp là Broyer và Harlay, phụ trách thi công chính là Travary và Savelon. Công trình có chiều dài 87 m, bề ngang trung bình 30 m, phần đỉnh mái cao nhất cao 34 m so với nền đường và diện tích xây dựng khoảng 2.600 m2. Đây là một trong số ít dịp Nhà hát lớn Hà Nội mở cửa đón khách tham quan. |
Phòng gương nằm trên tầng 2 là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Căn phòng này còn dành cho các chương trình nghệ thuật thính phòng, các cuộc họp báo hay những hội nghị mang tính chất nhỏ. Sàn phòng gương được phục chế theo kỹ thuật Mozaic với đá mang đến từ Italy. Trên tường, xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp. |
Không gian phòng khán giả với sức chứa 900 chỗ ngồi. Hiện nay, đây vẫn là nơi diễn ra các chương trình, sự kiện, hoạt động biểu diễn nghệ thuật quan trọng bậc nhất tại Hà Nội. |
Du khách có thể lựa chọn tour tham quan 30 phút toàn bộ Nhà hát Lớn Hà Nội đến hết ngày 17/11, có cả hướng dẫn viên tiếng Việt và tiếng Anh với mức vé 99.000 đồng/người. |
"Dù sinh sống ở Hà Nội và có dịp tới Nhà hát lớn Hà Nội từ bé, chúng mình vẫn rất ấn tượng khi được tìm hiểu những nội dung lịch sử hình thành và phát triển của tòa nhà. Điều mình cảm thấy đặc biệt hơn nữa so với các địa điểm du lịch khác đó là hơn 90% các chi tiết nội thất, kiến trúc vẫn được bảo tồn, giữ gìn nguyên bản hàng thế kỉ nay. Ngày mai chúng mình sẽ tiếp tục tham quan tất cả các địa điểm tại trục "Giao lộ sáng tạo", mình rất háo hức được trải nghiệm Bắc Bộ Phủ", Quang Minh và Thùy Linh (21 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ. |
Địa điểm cuối cùng của trục "Giao lộ sáng tạo" là tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên công trình mở cửa đón công chúng tham quan. Tiền thân của công trình này là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương, sau này là Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế, hoàn thành vào năm 1927. |
Sảnh chính tòa nhà là tác phẩm Mạch nguồn là thiết kế tương tác ánh sáng của KTS Lê Phước Anh với bộ đèn chùm được treo cao giữa sảnh, hướng sâu lên các tầng cao. |
Hội trường Ngụy Như Kon Tum hiện là nơi diễn ra các hội thảo, tọa đàm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, thu hút hàng nghìn người tham gia. |
Tại tầng 3, một trong những điểm nhấn của triển lãm là vòm trần - nơi trình chiếu tác phẩm 3D mapping vẽ lại hình 2 con chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian. |
Cầu thang đi bộ lên sảnh chính vẫn còn nguyên vẹn sau hàng thế kỉ. |
Bên ngoài tòa nhà là tác phẩm Letters – Sciences - Arts (Văn chương - Khoa học - Nghệ thuật), lấy cảm hứng từ triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của Đại học Đông Dương xưa. |
Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) là nơi có các tổ hợp sáng tạo, tập trung nhiều hoạt động chính nhất của lễ hội Thiết kế Sáng tạo với 41 hoạt động, từ trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn cho đến sáng tạo cộng đồng. |
Cung thiếu nhi Hà Nội ra đời năm 1974 gồm 6 tầng với 100 phòng học, sinh hoạt được thiết kế, trang bị hiện đại trên nền của Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội ra đời. Trong nhiều thập niên, công trình lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội. |
Hàng trăm phòng học chức năng phục vụ nhiều môn học nghệ thuật, mỹ thuật, ngoại ngữ, thể dục thể thao... Trong hình là không gian phòng múa balê kết hợp với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trình chiếu, phục dựng kí ức tuổi thơ của tác giả Đặng Thùy Anh, Hanoi Bedroom Shows và CLB Sao tuổi thơ. |
Hàng trăm tác phẩm thuộc đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” với 3 mạch chủ đề chính: Cung Thiếu nhi như một bài tập nhớ; Di sản liên thế hệ; Kiến tạo thế giới và sự chơi tạo nên một không gian đầy sắc màu, hoài niệm và ấn tượng tới du khách tham quan. |
Một điểm nhấn tại Cung thiếu nhi Hà Nội là khu nhà kiểu Pháp với những đường nét kiến trúc cổ kính. |
Khu nhà này trước kia là Ấu Trĩ Viên, được Toàn quyền Đông Dương cho xây dựng làm nơi vui chơi của con em các gia đình giàu có, quan chức người Pháp trong chính quyền Hà Nội thời thuộc địa. |
Khu nhà này đã chứng kiến dấu mốc lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, đó là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp ngày 6/3/1946. Sau này, khu nhà trở thành Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi Thủ đô. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch