Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa

Các doanh nghiệp cho rằng chính sách thị thực (visa) của Việt Nam là điểm nghẽn đầu tiên khi du khách tiếp cận điểm đến

Sau 1 năm mở cửa, ngành du lịch vẫn loay hoay chờ gỡ nút thắt lớn nhất là chính sách visa. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" hôm 15-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa).

Khó cạnh tranh với các nước

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) liên tục kiến nghị chính sách về visa như: cần mở rộng thị trường được miễn visa, tăng thời gian lưu trú cho khách từ 15 ngày lên 30 ngày, thậm chí là 45-60 ngày hoặc 90 ngày đối với những thị trường khách trọng điểm, khách phân khúc cao cấp, khách hạng sang...

Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), tặng hoa chúc mừng đoàn khách du lịch Trung Quốc đến tỉnh hôm 15-3. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Tại Thái Lan, visa du lịch có thời hạn 60 ngày và có thể được gia hạn thêm 30 ngày; trong khi "Visa du lịch đặc biệt" (STV) từ tháng 9-2022 có thời hạn lên đến 90 ngày và cho phép 2 lần gia hạn visa 90 ngày tại văn phòng nhập cư địa phương. Nếu có STV, du khách có thể ở lại Thái Lan liên tục 9 tháng. Ngoài ra, du khách từ 64 quốc gia có thể đến nước này mà không cần visa theo quy tắc "thị thực khi đến" hoặc chương trình miễn thị thực, cho phép lưu trú tối đa 30-45 ngày.

Singapore miễn thị thực cho công dân của 164 quốc gia với thời gian từ 30-90 ngày lưu trú. Các quốc gia được lưu trú đến 90 ngày bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Na Uy, Anh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đối với các nước khác, du khách có thể xin thị thực điện tử trực tuyến (xử lý chỉ trong 1 ngày) hoặc thị thực thông thường tùy theo quốc tịch. Từ ngày 11-3-2022, tất cả du khách quốc tế đến Singapore cũng nhận được một thông báo qua e-mail về e-Pass - một thẻ nhập cảnh kỹ thuật số cho biết thời gian lưu trú được cấp và ngày lưu trú cuối cùng được phép.

Philippines cũng đưa ra danh sách lên tới 157 quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh để du lịch hoặc kinh doanh, hầu hết với thời hạn 30 ngày. Đối với những người muốn ở lại Philippines lâu hơn, họ có thể chọn visa du lịch không lưu trú, bao gồm loại visa du lịch tạm thời 1 lần (thời hạn 3 tháng và lưu trú tối đa 59 ngày) hoặc visa du lịch nhiều lần (thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm, mỗi lần lưu trú tối đa 59 ngày). Còn Indonesia chỉ yêu cầu visa du lịch bắt buộc với 28 quốc gia, còn lại công dân từ tất cả quốc gia khác đều có thể nhập cảnh và lưu trú ở đất nước này 30 ngày mà không cần visa.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Việt Nam mới cấp visa cho 24 quốc gia với thời hạn 15 ngày. Do đó, bà Nga đề nghị cần mở rộng quốc gia được miễn visa, cải tiến, nâng cấp phần mềm với e-visa bởi đây là công cụ thu hút khách du lịch quốc tế.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietnam Airlines, kiến nghị Việt Nam xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và toàn bộ các quốc gia EU; nên áp dụng các chính sách e-visa, visa on arrival (visa tại cửa khẩu, sân bay) thông thoáng hơn cho các nước chưa được miễn visa.

"Gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày hoặc 45 ngày như Thái Lan, cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì 1 lần như hiện tại, trước mắt ưu tiên cho khu vực Mỹ, châu Âu và Úc - các thị trường khách có tập tính đi du lịch dài ngày" - ông Lê Hồng Hà nói.

Đã kiến nghị mở rộng đối tượng miễn visa

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương và trên cơ sở đó đã kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách này trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao đã và đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như các nước Mỹ Latin, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives...

Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu biện pháp tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh Việt Nam; cần nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho khách có nhu cầu xin thị thực truyền thống, không yêu cầu phải có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam bảo lãnh đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày (tương tự như nguyên tắc cấp e-visa).

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết từ ngày 15-3-2022, Chính phủ Việt Nam đã quyết định phục hồi chính sách xuất nhập cảnh giống như trước thời điểm dịch COVID-19, bao gồm phục hồi quy trình thủ tục cấp thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch cũng như chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao ghi nhận thông tin về một số vướng mắc, khó khăn của người nước ngoài trong thủ tục xin thị thực nhập cảnh tại Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về các phương án tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo bà Hằng, Nga đang chuẩn bị dự thảo thỏa thuận liên chính phủ để đơn giản hóa thủ tục visa nhập cảnh đối với công dân Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh phía Nga xem xét đơn giản hóa thủ tục thị thực cho công dân Việt Nam và ủng hộ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương, đi lại, tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. 

Rút ngắn thủ tục xuất nhập cảnh

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cho biết công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú 15 ngày không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú (không phải hoàn toàn giới hạn trong 15 ngày).

"Người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày. Như vậy, khách quốc tế có thể vào các khu vực này bất kỳ lúc nào cũng được" - đại tá Đặng Tuấn Việt nói và ông cho biết thêm Việt Nam đã thực hiện cấp e-visa có thời hạn tạm trú 30 ngày.

Khách nước ngoài chỉ cần sử dụng điện thoại hay máy tính đăng ký vào cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và khai thông tin với mức phí e-visa là 25 USD. Sau thời gian 3 ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả trên online. Về thời hạn lưu trú, luật quy định cán bộ cửa khẩu chỉ đóng dấu 30 ngày. Hết thời hạn, du khách cần quay về xin gia hạn, thời gian lưu trú có thể kéo dài đến 90 ngày. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho người gốc Việt và gia đình con cái với thời hạn tạm trú lên 6 tháng.

Đại tá Đặng Tuấn Việt cũng khẳng định thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ lắng nghe đóng góp từ doanh nghiệp, chuyên gia, để tiếp tục đưa vào sửa đổi một số điều của Luật Xuất nhập cảnh sớm nhất với thủ tục rút gọn.

Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 3.
Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 4.
Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 5.
Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 6.
Phải gỡ sớm điểm nghẽn visa - Ảnh 7.